Thế giới thận trọng mở cửa dù phải đối mặt làn sóng Covid-19 thứ 2

Cập nhật: 30/07/2020

VOV.VN - Tính đến nay, số ca mắc Covid-19 trên thế giới đã vượt mốc 17 triệu người, hơn 670.000 trường hợp đã tử vong.

Bất chấp những cảnh báo về làn sóng Covid-19 thứ 2 có thể chuyển biến nguy hiểm và khó lường hơn cùng những lời kêu gọi phòng chống dịch quyết liệt hơn, các nước vẫn đang mở cửa một cách thận trọng, giữa lúc đã có những thông tin tích cực về vaccine ngừa Covid-19.

the gioi than trong mo cua du phai doi mat lan song covid-19 thu 2 hinh 1
Hai phụ nữ cùng một trẻ em đang đợi làm xét nghiệm Covid-19 ở Los Angeles, Mỹ, ngày 22/7. (Ảnh: Reuters)

Trong 24 giờ qua, trung bình cứ mỗi phút lại có một người tại Mỹ tử vong vì Covid-19. Trong 11 ngày qua, có tới hơn 10.000 người tử vong tại Mỹ – mức tăng nhanh nhất kể từ đầu tháng 6. Một số bang tại nước này cố gắng mở cửa trở lại nền kinh tế đã phải hứng chịu thêm một đợt bùng phát mới, khiến các bệnh viện luôn trong trạng thái chật cứng bệnh nhân.

Nhiều bang đã buộc phải quay về thực hiện các biện pháp phong tỏa; từ Tổng thống Mỹ cho đến chính quyền các bang, thành phố đều đã phải đưa khuyên người dân đeo khẩu trang. Hôm qua (29/7), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng đã ra quy định buộc các nghị sĩ và nhân viên phải đeo khẩu trang tại Hạ viện.

Ở Brazil – quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 2 thế giới sau Mỹ, hôm qua cũng đã ghi nhận kỷ lục mới về số ca tử vong trong ngày khi có tới gần 1.600 trường hợp. Bất chấp tình hình dịch bệnh “phức tạp”, chính quyền Brazil đã cho phép nối lại tất cả các chuyến bay quốc tế từ mọi quốc gia, miễn là du khách tới Brazil có bảo hiểm y tế trong suốt hành trình. Tuy nhiên, nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Liên minh châu Âu, đều không đưa ra bước đi đối ứng, mở cửa với Brazil.

Là ổ dịch lớn thứ 3 thế giới, song Bộ Nội vụ Ấn Độ cũng đã công bố bản hướng dẫn mới cho giai đoạn mở cửa thứ 3, dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8. Theo quy định mới, các cơ sở tập gym và yoga sẽ mở trở lại từ ngày 5/8, trong khi lệnh giới nghiêm ban đêm sẽ được dỡ bỏ. Ngoài ra, hoạt động di chuyển của người dân hoặc hàng hóa giữa các bang trên toàn quốc sẽ không còn bị hạn chế hay cần tới giấy phép đi lại.

Dù dịch bệnh tại Nga được đánh giá là đã ổn định, song Tổng thống Nga Putin vẫn cảnh báo, dịch bệnh vẫn có khả năng chuyển biến xấu đi, nguy hiểm và khó lường hơn: “Chúng ta đã có thể vượt qua một thách thức chưa từng có. Dựa theo các báo cáo, trong tháng 6, tháng 7, số ca mắc tại Nga đã giảm dần, thấp hơn gần 2 lần so với giai đoạn cao điểm hồi tháng 5. Tuy nhiên, tình hình vẫn rất khó khăn và dịch bệnh có thể chuyển biến theo bất kỳ hướng nào. Chúng ta không có lý do để thư giãn và quên đi các khuyến nghị của giới chức y tế”.

Cũng tại cuộc họp với Tổng thống, Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova đã bày tỏ hy vọng vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên do Nga phát triển sẽ được phê chuẩn và cấp phép vào tháng 8/2020.

“Hiện đang có 2 vaccine hứa hẹn nhất tại Nga. Một trong số đó do Viện nghiên cứu dịch tễ và vi trùng học Gameleyakết hợp với viện nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Nga. Các nhà khoa học dự kiến đăng ký sản phẩm vaccine vào tháng 8 tới. Một thử nghiệm lâm sàng khác cho 1/600 người được thực hiện sau khi đăng ký. Việc sản xuất vaccine dự kiến vào tháng 9/2020”.

Hiện thế giới có một số loại vaccine ngừa Covid-19 đã được thử nghiệm trên diện rộng trước các loại vaccine của Nga. Tuy nhiên, các loại vaccine này vẫn phải chờ thêm một khoảng thời gian dài nữa mới được kết quả thử nghiệm cũng như việc cấp phép sản xuất. Do đó, nhiều hoài nghi đang được đặt ra đối với tính hiệu quả của vaccine Nga.

Đại dịch đang bùng phát trở lại tại nhiều nơi, bên cạnh việc một số quốc gia phải mở cửa nền kinh tế, mở cửa biên giới, nhiều quốc gia vẫn khá thận trọng với các bước đi này.

Tại Trung Đông – nơi tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, chính phủ nhiều quốc gia như Iraq đã áp đặt lệnh giới nghiêm trong dịp Tết lớn nhất của đạo Hồi – Tết Hiến sinh Idul Adha, dự kiến bắt đầu vào ngày 30/7. Lễ hành hương Hajj lớn nhất của đạo hồi tới 2 thánh địa của Saudi Arabia năm nay cũng bị cấm với những tín đồ Hồi giáo nước ngoài.

Hôm qua, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly thông báo, nước này có thể phải tái áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh một cách kiên quyết như đã áp dụng trước đây nếu số ca mắc lại tăng trở lại. Trước đó, người đứng đầu Ủy ban chống dịch Covid-19 của Ai Cập nhận định, làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 có thể xảy ra vào tháng 11/2020 tại quốc gia Bắc Phi này./.

Từ khóa: làn sóng Covid-19 thứ 2, mở cửa, Covid-19, vaccine ngừa Covid-19, Mỹ

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập