“Thay trời hành đạo” hay sự thiếu hiểu biết, coi thường pháp luật?
Cập nhật: 14/01/2021
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
[VOV2] - Bức xúc trước những vụ việc "chướng tai, gại mắt", không ít người đã "thay trời hành đạo" nhưng đã đi quá giới hạn, trở thành những kẻ vi phạm pháp luật.
Những hình ảnh trích xuất từ camera an ninh ghi lại việc Lê Tấn Thành ở tỉnh Bình Dương đá, đánh vào đầu dã man nữ sinh chỉ vì va chạm giao thông tháng 12/2020 được đăng tải lên mạng xã hội. Ngay sau đó, nhiều "anh em xã hội" bức xúc, truy tìm thông tin, rồi kéo đến nhà Thành, livestream bằng điện thoại tất cả quá trình đi truy lùng rồi đánh Thành. Sau phát ngôn phản cảm về tang lễ cố nghệ sỹ Chí Tài trên mạng xã hội, Duy Nguyễn đã bị hàng trăm người đã kéo đến tiệm tập gym ở quận Bình Tân, thành phố TPHCM để “hỏi tội”. Một số người lạ mặt ném đá, ném mắm tôm vào cơ sở kinh doanh vào buổi tối hoặc dừng xe chửi rủa và gọi điện “khủng bố” qua đường dây nóng. Mới đây nhất, ngày 10/01 vừa qua, một nhóm côn đồ đã đi xe máy dùng hung khí truy sát 1 phụ nữ ở huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh tấn công 2 thanh niên đang ngồi trong quán trà sữa vì giao nhầm địa chỉ đặt đồ ăn. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhưng với thói côn đồ, thích sử dụng bạo lực nên những người này mang hung khí đi gây sự…..
Ông Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm, Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an cho biết, đó chỉ là một số vụ việc điển hình thể hiện người dân tự xử lý các vấn đề mâu thuẫn trong cuộc sống thường ngày mà không để các cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Đã có những vụ việc tự xử lý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vụ kẻ trộm chó ở Nghệ An bị đánh đến chết hồi tháng 2/2020. Hiện tượng người dân thay cơ quan chức năng xử lý những vi phạm pháp luật bộc lộ những vấn đề hết sức nghiêm trọng khi xu hướng bạo lực gia tăng trong ứng xử cộng đồng, phản ánh ý thức pháp luật của một bộ phận người dân đang đi xuống, đặc biệt là giới trẻ, cùng với đó, tính thượng tôn pháp luật không được đề cao, và hơn cả là đạo đức xã hội đang diễn biến rất phức tạp. Theo ông Đào Trung Hiếu, trong sự bùng nổ của mạng xã hội, sự bức xúc trước nhiều hành động phản cảm hay vi phạm pháp luật đã bị một số người lợi dụng theo kiểu “thay trời hành đạo”, “ra tay nghĩa hiệp” để có những hành động “vô pháp vô thiên” nhằm tạo scandal rồi đưa lên Facebook, Youtube câu view, câu like những mong mình trở thành người nổi tiếng.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa cho rằng: Hành động bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người yếu thế… thể hiện trách nhiệm công dân là hành vi rất đáng hoan nghênh, nhưng không phải vì thế mà coi thường, vi phạm pháp luật. Việc một số người cho rằng để cơ quan chức năng xử lý vụ việc sẽ không được giải quyết kịp thời vì quy trình xử lý còn rườm rà, chậm trễ là suy nghĩ sai lầm. Bất kỳ một công dân hay tập thể nào khi phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật cũng cần trình báo đến cơ quan chức năng để người có thẩm quyền đứng ra giải quyết. Không thể vì bất bình với cái sai, cái vi phạm mà lại để chính mình trở thành người vi phạm, bị pháp luật xử lý.
Từ khóa: côn đồ, bạo lực, coi thường, pháp luật, tự xử
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2