Thấy gì khi phổ điểm môn tiếng Anh hình yên ngựa?
Cập nhật: 04/09/2021
Bị bắt khi định lừa 150 triệu đồng để lo cho công an lấy xe vi phạm ra sớm
Triệt xóa nhóm thiếu niên gây ra nhiều vụ cướp giật và trộm cắp tài sản
[VOV2] - Phổ điểm môn Tiếng Anh được coi là “lạ” khi mang hai đỉnh. Một đỉnh ở ngưỡng thấp: 4 điểm và một ở ngưỡng cao: 9 điểm. Nhìn từ đây, đã có nhiều ý kiến cho rằng đã có sự chênh lệch trong chất lượng dạy học ngoại ngữ giữa các địa phương, vùng miền.
Từ phổ điểm "lạ" nhìn ra điều gì?
Bà Nguyễn Thị Nhân Hòa, T.S Ngôn ngữ học ứng dụng tại Đại học Melbourne- Úc, người nhiều năm giảng dạy tiếng Anh tại khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng dù con số thống kê chứng minh điểm thi tốt nghiệp môn tiếng Anh trong đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm 2020 nhưng thực ra cũng không đến mức "mưa điểm 10".
"Có thể thấy sự phân hóa rõ giữa yếu và khá. Còn với các em xuất sắc thì chưa phân hóa được. Đề không có những câu để học sinh giỏi hay xuất sắc khá thiệt thòi khi không có đất để thể hiện. Với đề như đã thi, các em khá cũng có thể đạt tới điểm 9, 10. Nhưng tôi nghĩ, có thể do lứa học sinh tốt nghiệp THPT năm nay bị liên tiếp 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, buộc phải học online, nhất là thời điểm cận thi các bạn đứt đoạn hẳn việc tới trường nên chắc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đề "dễ thở" theo cách nói của các em và phụ huynh". TS Nhân Hòa cho biết.
Cũng từ phổ điểm với hai đỉnh rất cao hoặc rất thấp theo thầy Trần Mạnh Tùng, một giáo viên có tiếng ở Hà Nội ngành giáo dục nên đặt ra câu hỏi về sự phân hóa khá rõ về điều kiện học tập ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh theo vùng miền, địa phương.
TS Nhân Hòa cho rằng cần nhìn sự chênh lệch vùng miền có nguyên nhân từ điều kiện kinh tế xã hội. Theo đó, khu vực đô thị, hoặc vùng có điều kiện phát triển, các gia đình luôn có kế hoạch đầu tư học tập cho con em một cách dài hạn. Việc học tiếng Anh không chỉ dừng ở khuôn khổ nhà trường. Các lớp học nhiều quy mô, trang thiết bị hiện đại, phương pháp mới mẻ, giáo viên trình độ cao, thậm chí cả giáo viên bản ngữ, thậm chí trẻ từ rất bé đã được tạo điều kiện để tiếp cận môn học đặc thù như tiếng Anh.
Kể cả giai đoạn học online giãn cách do dịch bệnh Covid, ở vùng có trang thiết bị tốt hơn, đường truyền tốt hơn, việc ôn luyện cũng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Đó cũng có thể coi là nguyên nhân đáng kể để kết quả bộ môn này có những thay đổi ngoạn mục trong những năm trở lại đây, đặc biệt đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vừa qua.
Một điểm nữa tạo nên sự khác biệt trong bức tranh dạy học ngoại ngữ nằm ở đội ngũ giáo viên, đặc biệt ở các trường phổ thông. Là người trực tiếp tham gia giảng dạy, nâng cao trình độ cho giáo viên dạy ngoại ngữ, TS Nhân Hòa nhận thấy thực tế, giáo viên ở các địa phương khó khăn ít có điều kiện nâng cao trình độ. Rất hiếm các lớp học thực sự giúp họ dạy tốt trong điều kiện thực tế, chưa kể phải làm quá nhiều phần việc ngoài chuyên môn.
"Tôi đã từng tham gia các lớp tập huấn giáo viên địa phương với điều kiện hết sức hoàn hảo về trang thiết bị, số lượng học sinh... Nhưng đó chỉ là lớp tập huấn, còn thực tế các thầy cô phải dạy khi thiếu thốn nhiều về trang thiết bị, sĩ số đông và nhiều khi còn vài ba trình độ khác nhau trong cùng một lớp học. Chương trình thiết kế gồm cả hình ảnh, clip, băng đĩa nhưng trên giảng dạy thực tế lại không có".
Xét tuyển đại học bằng chứng chỉ tiếng Anh liệu có làm mất công bằng trong giáo dục?
Những năm trở lại đây, theo xu hướng thế giới và quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, phương thức xét tuyển đại học đã mở rộng. Có thể dùng học bạ, kết hợp học bạ với điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc kết hợp cùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS... Tuy nhiên, việc học và thi các chứng chỉ quốc tế hoàn toàn từ sự chi trả từ cá nhân học sinh và gia đình các em. Chi phí, thời gian, công sức cho phần việc này cũng không dành cho số đông. Dù không có con số cụ thể và chung cho tất cả các đơn vị nhận đào tạo chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế song cơ bản sẽ không dưới vài chục triệu đồng.
Việc mở rộng ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng thí sinh có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL, IELTS theo thầy giáo Vũ Khắc Ngọc có thể sẽ thúc đẩy phong trào học tiếng Anh. Tuy nhiên điều này vô hình chung tạo ra sự bất bình đẳng đối với học sinh vùng nông thôn hay vùng sâu vùng xa. Học sinh ở những khu vực này khó có điều kiện về tài chính và môi trường học tập thuận lợi để ôn thi chứng chỉ TOEFL hay IELTS.
Còn TS Nhân Hoà thì khẳng định việc các trường xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là điều đáng mừng và nên khuyến khích. Bởi lẽ việc đạt điểm 8.0 IELTS còn khó khăn hơn so với đạt 10 điểm thi tốt nghiệp THPT bộ môn này khi thí sinh phải vượt qua đủ cả 4 kĩ năng nghe, nói, đọc viết. Đồng ý rằng hiện nay việc học các chứng chỉ quốc tế đa phần là đầu tư cá nhân các gia đình, phụ huynh nhưng không phải cứ có tiền các em sẽ học và thi đạt chứng chỉ.
Để kéo gần khoảng cách môn tiếng Anh giữa các vùng miền, theo TS Nhân Hoà giáo viên là yếu tố quyết định. "Tôi nghĩ khi thiết kế chương trình nhằm nâng cao trình độ giáo viên ở các vùng khó khăn cần hướng vào điều kiện thực tế giảng dạy của họ mới hi vọng đem lại hiệu quả được". TS Nhân Hòa phân tích thêm.
Mời quý thính giả nhấn nút nghe những phân tích chi tiến của TS Nguyễn Thị Nhân Hòa xung quanh câu chuyện: Công bằng trong dạy học ngoại ngữ giữa các vùng miền
Từ khóa: phổ điểm, tiếng Anh, phân hóa, đề thi, thi tốt nghiệp, tốt nghiệp THPT, tốt nghiệp 2021, tốt nghiệp THPT 2021, TS Nguyễn Thị Nhân Hòa, đề
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2