Thay đổi nội dung truy tố nhà báo Nguyễn Hải Phong ở Điện Biên
Cập nhật: 10/09/2020
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Bị can Nguyễn Hải Phong bị thay đổi quyết định truy tố ra trước tòa từ tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Gần 6 tháng sau khi tòa phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ án nhà báo Nguyễn Hải Phong (cán bộ Đài truyền thanh - truyền hình huyện Tuần Giáo, Điện Biên) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trả hồ sơ cho các cơ quan chức năng huyện Tuần Giáo điều tra lại, mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo đã có cáo trạng nêu rõ kết luận của cơ quan điều tra. Theo đó, bị can Nguyễn Hải Phong bị thay đổi quyết định truy tố ra trước tòa từ tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Chuyển từ truy tố lừa đảo sang lạm dụng tín nhiệm
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 16/3/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên quyết định tuyên hủy toàn bộ bản án Sơ thẩm số 94 của Tòa án Nhân dân huyện Tuần Giáo, trả hồ sơ cho cơ quan điều tra lại với nhận định: Cần điều tra xác minh làm rõ thêm về thời gian, cách thức bị hại Dương Đức Hiển giao tiền cho bị cáo Nguyễn Hải Phong cũng như thời gian, hình thức bị hại yêu cầu bị cáo trả tiền; điều kiện hoàn cảnh kinh tế của bị cáo khi nhận tiền của bị hại. Bởi đây là những vấn đề cấp phúc thẩm không thể bổ sung được, nên tuyên hủy toàn bộ bản án hình sự để điều tra lại.
Sau gần 6 tháng điều tra lại, đến ngày 3/9/2020, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo đã có cáo trạng số 68 nêu rõ kết luận của cơ quan điều tra. Theo đó, kết luận điều tra số 73 ngày 1/9/2020 của cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tuần Giáo xác định: Khoảng 17 giờ ngày 11/8/2017, do có mối quan hệ quen biết với ông Dương Đức Hiển (SN 1977, trú tại khối Đoàn Kết, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), Nguyễn Hải Phong đi xe máy đến nhà ông Hiển và nhận của ông Hiển số tiền 248.000.000 đồng để Phong xin việc cho cháu của ông Hiển vào làm việc tại Đài truyền thanh - truyền hình huyện Tuần Giáo. Khi thấy Phong đến Hiển bảo vợ là Quàng Thị Như Quỳnh vào két lấy tiền ra đếm xem được bao nhiêu, còn Dương Đức Hiển và Nguyễn Hải Phong thống nhất, thỏa thuận cùng nhau soạn thảo giấy biên nhận trên máy tính xách tay của Hiển. Giấy biên nhận này có nội dung: ông Nguyễn Hải Phong đã nhận đủ số tiền trên và cam kết xin cho cháu ông Dương Đức Hiển vào làm việc việc tại Đài truyền thanh – truyền hình huyện Tuần Giáo. Nếu đến ngày 30/3/2018, ông Phong không xin được việc làm cho cháu ông Hiển thì ông Phong trả lại ông Hiển toàn bộ số tiền trên.
Khi đánh giấy biên nhận, ông Hiển để trống một số thông tin cá nhân và ngày hẹn trả tiền để cho Phong tự đọc và viết bằng tay. Khi đang ngồi soát lại giấy biên nhận thì mẹ vợ của ông Hiển là bà Lò Thị Thẹo sang nhà Hiển lấy nồi về nấu cơm nên Hiển nói với bà Thẹo “hôm nay con giao tiền cho anh Phong để xin việc cho cháu ở dưới quê, bà ký làm chứng cho con với”. Sau đó Hiển in giấy biên nhận ra cho Phong tự đọc, tự điền thông tin cá nhân và tự nguyện ký giấy biên nhận, bà Thẹo ký người làm chứng. Nhận tiền xong Phong lấy ra 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Đài truyền thanh – truyền hình huyện Tuần Giáo và 1 thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam mang tên Nguyễn Hải Phong đưa cho Hiển và nói “em cầm để làm tin”.
Sau đó Nguyễn Hải Phong đem số tiền 248.000.000 đồng nhận của ông Hiển về nhà nhưng không sử dụng để đi xin việc làm cho cháu ông Hiển như đã cam kết mà sử dụng vào mục đích cá nhân. Đến ngày 30/3/2018 theo cam kết trong giấy biên nhận, không thấy Phong xin được việc làm cho cháu và cũng không thấy trả lại tiền nên vợ chồng ông Hiển, bà Quỳnh đã nhiều lần đòi lại tiền bằng hình thức trực tiếp đến cơ quan Đài truyền thanh - truyền hình huyện Tuần Giáo nơi Nguyễn Hải Phòng công tác và gọi điện cho Phong để đòi lại tiền.
Mặc dù Nguyễn Hải Phong có điều kiện, khả năng để trả số tiền đó cho ông Hiển bằng các khoản từ lương và thu nhập khác, nhưng Phong cố tình không trả lại số tiền trên cho ông Dương Đức Hiển với lý do Hiển làm đơn khiếu nại đến Ủy ban nhân dân huyện Tuần Giáo và làm đơn tố cáo đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tuần Giáo nên Phong tức. Do đòi lại tiền nhiều lần nhưng Phong cố tình không trả nên ngày 22/1/2019 ông Dương Đức Hiển đã gửi đơn đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tuần Giáo đề nghị xem xét giải quyết. Căn cứ vào kết quả điều tra ban đầu, cơ quan tiến hành tố tụng huyện Tuần Giáo đã khởi tố, truy tố, xét xử bị can Nguyễn Hải Phong về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật hình sự. Ngày 8/11/2019 Nguyễn Hải Phong có đơn kháng cáo.
Căn cứ vào kết quả điều tra lại vụ án cơ quan điều tra thấy hành vi của Nguyễn Hải Phong không phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật hình sự mà có đủ căn cứ cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật hình sự. Ngày 24/8/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tuần Giáo đã ra quyết định thay đổi Quyết định khởi tố vụ án và quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Hải Phong về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật hình sự. Nguyên nhân dẫn đến phạm tội được cơ quan điều tra xác định là do bị can Nguyễn Hải Phong thiếu ý thức chấp hành pháp luật nên đã cố ý thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hành vi của bị can là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của công dân và bị can là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Do đó đề nghị truy tố bị can Nguyễn Hải Phong ra trước tòa để xét xử về tội: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, quy định tại khoản 3 Điều 175 Bộ luật hình sự với mức án phạt từ từ 5 – 12 năm.
Liệu có hợp đồng gian dối, cơ quan điều tra có bỏ lọt tội phạm?
Theo kết luận trong cáo trạng số 68 ngày 3/9/2020 của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo thì hành vi nêu trên của bị can Nguyễn Hải Phong đã phạm vào tội: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại khoản 3 Điều 175 Bộ luật hình sự: “Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 5 – 12 năm”.
Ông Trần Ngọc Tuyên, người đăng ký bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hải Phong cho rằng: nếu chiếu theo Điều 175 Bộ Luật hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì việc ông Dương Đức Hiển và bị can Nguyễn Hải Phong lập Giấy biên nhận số tiền 248.000.000 đồng vào ngày 11/8/2017 có thể coi là một hình thức hợp đồng thỏa thuận để Bên A – Nguyễn Hải Phong xin việc cho cháu của Bên B – Dương Đức Hiển vào làm việc tại Đài truyền thanh - truyền hình huyện Tuần Giáo. Theo như giấy biên nhận này của 2 bên, nếu chiếu theo Điều 175 thì đây không phải là hình thức “vay, mượn, thuê tài sản của người khác”.
Do đó nếu cơ quan điều tra Công an huyện Tuần Giáo và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo căn cứ theo Giấy biên nhận ngày 11/8/2017 và áp dụng theo điều luật 175 để truy tố bị can Nguyễn Hải Phong ra trước tòa về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì vô tình cũng đã bỏ lọt tội phạm. Tội phạm ở đây là ông Dương Đức Hiển và vợ là bà Quàng Thị Như Quỳnh đã dùng số tiền 248.000.000 đồng để hối lộ cho ông Nguyễn Hải Phong (Trưởng Đài truyền thanh - truyền hình huyện Tuần Giáo) để xin việc cho cháu vào làm việc tại cơ quan. Hành vi này đã phạm vào tội đưa hối lộ quy định tại Điều 364 Bộ Luật hình sự và sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Trong quá trình điều tra, bị can Nguyễn Hải Phong khai số tiền nhận của ông Dương Đức Hiển vào ngày 11/8/2017 là tiền bị can vay của ông Hiển chứ không phải nhận tiền để xin việc. Đồng thời có đơn tố cáo ông Dương Đức Hiển, bà Quàng Thị Như Quỳnh, bà Lò Thị Thẹo, bà Bùi Thị Ước, ông Nguyễn Văn Hiển về tội vu khống và cho vay nặng lãi. Tuy nhiên cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, xác minh lời khai và đơn tố cáo của bị can Nguyễn Hải Phong cho rằng không có căn cứ.
Theo ông Trần Ngọc Tuyên thì đây là điểm mâu thuẫn trong quá trình điều tra của các cơ quan chức năng huyện Tuần Giáo, bởi nếu đơn tố cáo này không có cơ sở căn cứ là tiền bị can vay thì Giấy biên nhận 2 bên lập vào ngày 11/8/2017 phải được xác định là hình thức hợp đồng xin việc. Do đó nếu sử dụng chứng cứ là Giấy biên nhận ngày 11/8/2017 này để áp dụng theo điều 175 Bộ Luật hình sự truy tố bị can Nguyễn Hải Phong phạm về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì đồng thời phải tiến hành truy tố vợ chồng ông Dương Đức Hiển - bà Quàng Thị Như Quỳnh về tội đưa hối lộ quy định tại Điều 364 Bộ Luật hình sự. Tuy nhiên điều này các cơ quan chức năng, tố tụng của huyện Tuần Giáo đã không thực hiện hoặc không thể hiện trong các văn bản đã ban hành, vậy liệu có bỏ lọt tội phạm?
Ngoài ra theo các kết luận trong bản kết luận điều tra số 73 ngày 1/9/2020 của cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tuần Giáo và cáo trạng số 68 ngày 3/9/2020 của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo cũng chưa làm rõ hết các nội dung mâu thuẫn mà Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên yêu cầu khi quyết định tuyên hủy toàn bộ bản án Sơ thẩm số 94 của Tòa án Nhân dân huyện Tuần Giáo, trả hồ sơ cho cơ quan điều điều tra lại với nhận định: Cần điều tra xác minh làm rõ thêm về thời gian, cách thức bị hại Dương Đức Hiển giao tiền cho bị cáo Nguyễn Hải Phong cũng như thời gian, hình thức bị hại yêu cầu bị cáo trả tiền.
Bởi thời gian, cách nhận tiền trong các kết luận này đang chỉ thể hiện một chiều theo lời khai của ông Dương Đức Hiển về việc Giấy biên nhận được 2 bên lập vào khoảng 17 giờ ngày 11/8/2017 tại nhà của bị hại. Nhưng theo đơn kháng cáo của bị can Nguyễn Hải Phong thì vào thời gian đó (từ 17 giờ đến 17 giờ 30 ngày 11/8/2017) là thứ 6 hàng tuần, bị can với tư cách là người phụ trách đài phải chuẩn bị chương trình truyền hình để phát vào buổi tối hôm đó và chuyển tư liệu lên đài truyền hình tỉnh để chuẩn bị phát vào thứ 7. Với khối lượng công việc như vậy bị cáo không thể có mặt tại nhà bị hại vào lúc 17 giờ để thực hiện một chuỗi công việc nhiều như trong lời khai với tổng thời gian ước tính phải lên đến cả tiếng đồng hồ, đây là điều phi lý.
Về điều này bị can Nguyễn Hải Phong cho rằng mình có bằng chứng ngoại phạm thể hiện ở các email nghiệp vụ được thực hiện gửi nội bộ tại máy tính ở cơ quan chứng minh rằng khoảng thời gian này bị can đang làm việc ở cơ quan, không thể có mặt ở nhà ông Hiển như lời khai. Tuy nhiên trong các kết luận điều tra không thể hiện rõ nội dung chứng cứ này của bị can, vậy cơ quan điều tra huyện Tuần Giáo có đang công bằng trong việc bảo vệ quyền lợi của người tố cáo và có đang thực hiện hết trách nhiệm trong việc xác minh đơn thư tố cáo của công dân.
Về bản chất số tiền 248.000.000 đồng, theo lời khai của bị can Nguyễn Hải Phong là bắt nguồn từ quan hệ vay tiền nặng lãi có bảo đảm số tiền 200 triệu đồng và 48 triệu tiền lãi (với lãi suất 2.000 đồng/1 triệu/1 ngày) được thực hiện ở một giấy biên nhận khác lập trước thời điểm ngày 11/8/2017. Do đó sự việc bị cáo nhận số tiền 248.000.000 đồng trong giấy biên nhận ngày 11/8/2017 để xin việc cho cháu của bị hại nhưng lại phải cắm sổ đỏ cơ quan, thẻ hội viên Hội Nhà báo cho người đang cầu cạnh mình như thể hiện trong các văn bản mô tả diễn biến hành vi phạm tội của các cơ quan điều tra, hành pháp huyện Tuần Giáo trước đó là điều vô cùng ngược đời, vẫn chưa được làm rõ. Do đó cần phải làm rõ thêm giấy biên nhận ngày 11/8/2017 này có phải là một bản hợp đồng xin việc gian dối được ông Dương Đức Hiển tự dựng lên về sau nhằm vu khống, lấp liếm đi sự việc cho vay nặng lãi hay không?", ông Trần Ngọc Tuyên nhấn mạnh.
Cần triệu tập người cháu của bị haị là Nguyễn Mạnh Cường ra tòa
Trong danh sách yêu cầu triệu tập người tham gia tố tụng đến phiên tòa sắp tới của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo chỉ có tổng cộng 10 người gồm: ông Dương Đức Hiển (người bị hại); bà Quàng Thị Như Quỳnh – vợ ông Dương Đức Hiển, bà Bùi Thị Ước, ông Nguyễn Văn Hiển, ông Nguyễn Trọng Thọ (người có nghĩa vụ liên quan); bà Lò Thị Thẹo – mẹ vợ ông Dương Đức Hiển, ông Phạm Trọng An, ông Nguyễn Văn Duy và Nùng Lâm Huyền (người làm chứng); Lê Đình Trung (người có quyền lợi liên quan). Trong danh sách triệu tập này không hề có ông Nguyễn Mạnh Cường (sinh năm 1993), trú tại xóm 4, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng là cháu con chị gái ruột của bị hại Dương Đức Hiển nhờ bị can Nguyễn Hải Phong xin việc tại Đài Truyền thanh - truyền hình huyện Tuần Giáo.
Trước đó khi trao đổi với phóng viên VOV, Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu, Luật sư thuộc văn phòng luật sư Bảo Châu và Cộng sự (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) đã cho rằng việc vắng mặt của Nguyễn Mạnh Cường – người làm chứng bắt buộc từ các phiên tòa trước đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm rõ sự thật khách quan của vụ án, vi phạm vào các Điều 66 quy định về người làm chứng, khoản 1 Điều 293, Điều 297 khi vắng mặt người làm chứng nhưng tòa án không hoãn phiên tòa mà vẫn tiến hành xét xử.
Còn ông Trần Ngọc Tuyên, người đăng ký bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hải Phong cho rằng: trong cáo trạng số 68 ngày 3/9/2020 của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo vẫn thể hiện kết luận rất rõ rằng Nguyễn Hải Phong nhận của ông Dương Đức Hiển số tiền 248.000.000 đồng để xin việc cho cháu vào làm việc tại Đài truyền thanh - truyền hình huyện Tuần Giáo. Như vậy điều này thể hiện ông Nguyễn Mạnh Cường là người có nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến vụ án và cần phải triệu tập tại phiên tòa sắp tới để làm rõ bản chất của việc trao nhận số tiền này là gì?
Trước đó vào giữa tháng 4/2020, gia đình bị can Nguyễn Hải Phong, bản thân bị can và Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Điện Biên đều có đơn xin thay đổi biện pháp ngăn chặn, đơn xin bảo lãnh cho bị can đang bị tạm giam được áp dụng biện pháp tại ngoại vì lý do sức khỏe yếu (trong phiên tòa phúc thẩm nhân viên y tế xác nhận bị can bị mắc bệnh huyết áp cao), gia đình có địa chỉ rõ ràng không có khả năng bỏ trốn và bị can không có khả năng vi phạm các quy định pháp luật khác, tuy nhiên cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tuần Giáo không chấp nhận các đơn này với lý do đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của công dân, tội vi phạm của bị can theo luật có mức án phạt cao. Đây là cách làm thể hiện sự máy móc và không công bằng, khiến bị can không có cơ hội đưa ra các bằng chứng chứng minh mình vô tội theo đơn tố cáo đã gửi cho các cơ quan chức năng, ông Trần Ngọc Tuyên cho biết thêm./.
Từ khóa:
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN