Thay đổi “bất ngờ” khi cho học sinh THCS ở Lào Cai nghỉ thứ 7

Cập nhật: 22/10/2019

VOV.VN -Mặc dù mới ít ngày áp dụng cho học sinh cấp THCS được nghỉ ngày thứ 7, nhưng công tác dạy và học ở tỉnh Lào Cai đã có nhiều thay đổi bất ngờ.

Vài tuần trở lại đây, trong tất cả các buổi học tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán Trú THCS xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, đặc biệt là các buổi học chiều luôn đông đủ sĩ số, không khí học tập sôi nổi, hăng say, so với trước kia, đây là điều khác biệt rất lớn.

Theo cô Dương Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, khác biệt rõ rệt này bắt đầu từ khi áp dụng cho học sinh nghỉ học ngày thứ 7. Điều “bất ngờ” là có rất nhiều khó khăn của nhà trường trước đây chưa làm thế nào giải quyết được thì giờ đây lại hết sức dễ dàng.

thay doi "bat ngo"  khi cho hoc sinh thcs nghi thu 7 hinh 1
Các môn học được xen ghép nhằm giảm thiểu áp lực cho học sinh.

Đơn cử như việc duy trì sĩ số học sinh vào các buổi chiều học ngoài giờ, phụ đạo hay bồi dưỡng. Trước kia, mỗi tuần có 3 buổi chiều nhà trường tổ chức các hoạt động ngoài giờ, phụ đạo hay bồi dưỡng cho một bộ phận học sinh, nhưng chỉ có học sinh diện bán trú ở lại trường còn đến lớp, còn lại số học sinh ngoại trú nhiều em sau buổi học sáng về nhà là không quay lại nữa. Nhưng từ khi áp dụng tăng số buổi học chiều cả 5 ngày/tuần để dành ra nghỉ thứ 7; đồng thời dàn đều, cân đối các tiết học; bố trí cho toàn bộ học sinh ngoại trú ăn, nghỉ trưa tại trường thì hiệu quả vượt ngoài mong đợi.

“Bởi vì trước kia 12h mới hết tiết 5 buổi sáng, các em học sinh ngoại trú quay trở về nhà, đi bộ 4 – 5 cây số, ăn cơm xong sau đó quay trở lại trường để tham gia hoạt động thì hầu như không tham gia được. Đến bây giờ tổ chức cho các em cùng ăn, cùng nghỉ với các em bán trú tại trường vào buổi trưa thì các em có nhiều thời gian nghỉ trưa hơn, rồi không khí học buổi chiều cũng đông đúc hơn, vui vẻ hơn, tâm thế học cũng tốt hơn rất nhiều”, cô Lan Anh chia sẻ.

thay doi "bat ngo"  khi cho hoc sinh thcs nghi thu 7 hinh 2
Tỷ lệ chuyên cần ở các trường vùng cao được nâng lên từ khi áp dụng học 5 ngày/tuần.

Đối với học sinh các địa bàn vùng cao ở Lào Cai, những buổi không đi học ở nhà là những khoảng thời gian vô cùng quý báu. Vì hầu hết học sinh gia cảnh đều khó khăn, chủ yếu làm nông nghiệp, nhà lại neo người, cuối tuần có thêm hẳn một ngày ở nhà phụ giúp gia đình là điều hết sức ý nghĩa.

Em May Thị Liên, học sinh lớp 8A, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Lùng Phình chia sẻ:“Em nhà xa, ở bán trú cả tuần, năm nay học 5 ngày thì em có thêm ngày thứ 7 để giúp bố mẹ những việc như chăn trâu, hái rau lợn hay trông em. Em vẫn còn có các em ở dưới tiểu học nữa, bây giờ chiều thứ 6 có thể được về cùng với chúng”.

Ông Đỗ Văn Sáng, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Bắc Hà cho biết, dù là cấp THCS nhưng thực ra độ tuổi các em vẫn còn nhỏ, nhiều học sinh nhà xa vào ở bán trú cả tuần mới về nên rất nhớ nhà. Trước kia, cứ chiều thứ 6 thấy học sinh bên tiểu học nghỉ là học sinh cấp THCS cũng tâm trạng xốn xang, bởi đa phần học sinh vùng cao đều tự đi học, nhà có anh chị em thì lớn dắt theo bé, thấy các em về bản thân cũng muốn về theo, thành ra ngày thứ 7 ở lại học chất lượng khó như mong muốn. Cho đến khi áp dụng học 5 ngày/tuần thì tỷ lệ chuyên cần được cải thiện rõ rệt.

“Từ khi triển khai chương trình này thì lịch nghỉ của tiểu học và THCS gần như đồng bộ nên học sinh lên lớp từ thứ 2 đến thứ 6 cơ bản là tốt, chuyên cần của học sinh vùng cao chuyển biến khá mạnh mẽ. So với trước kia tăng được khoảng 3-4%, góp phần tích cực để chúng tôi triển khai kế hoạch giáo dục và định hướng nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng dân tộc thiểu số”, ông Sáng nói.

Ông Sáng cũng cho hay, chẳng nói gì học sinh, ngay cả các thầy cô đến cuối tuần cũng “xốn xang” vì thiệt thòi nhất ở vùng cao là giáo viên “cắm bản” cấp THCS. Nhóm giáo viên này cuối tuần chỉ được nghỉ duy nhất ngày chủ nhật, những trường hợp nhà xa “đi về thì vất mà ở lại cũng chẳng đành”. Theo quy định được bố trí thêm một ngày nghỉ “phó” ngẫu nhiên vào giữa tuần nhưng trong điều kiện thường xuyên khan hiếm giáo viên bấy lâu nay thì không đơn giản có thể bố trí được. Đến khi áp dụng lịch dạy mới, các thầy cô THCS ở vùng cao cũng phần nào bớt khó.

Theo ông Bùi Ngọc Minh, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học – Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai, sau khi có sự thống nhất, đồng thuận từ phụ huynh, học sinh và cán bộ giáo viên, nhân viên các nhà trường, tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 187 trường THCS trong toàn tỉnh đều đã áp dụng học 5 ngày/tuần đối với cấp THCS, trong đó 5 buổi sáng và 2 buổi chiều thực hiện theo chương trình của Bộ GD-ĐT, các buổi chiều còn lại bố trí các hoạt động bổ trợ, ngoại khóa trên nguyên tắc không gây quá tải cho học sinh; đồng thời thường xuyên rà soát, đánh giá để có điều chỉnh cho phù hợp.

“Làm sao cho học sinh học 5 ngày nhưng các em vẫn cảm thấy nhẹ nhàng, cảm thấy mỗi ngày đến trường đều có thể tiếp thu được nhiều tri thức nhất, đồng thời phát triển hoàn thiện năng lực, phẩm chất của mình, chứ để dồn ép lại mà gây quá tải cho học sinh thì chúng tôi tránh tuyệt đối việc đó”, ông Minh cho biết.

Con số thống kê cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ chuyên cần trung bình cấp THCS trong toàn tỉnh Lào Cai đạt 97,3%, riêng khu vực vùng cao đạt 96,8%, tăng mạnh so với tháng trước cũng như cùng kỳ năm học trước khi chưa áp dụng học 5 ngày/tuần và đang tiếp tục phát huy tốt. Những tín hiệu đầu tiên này quả thực là điều “bất ngờ”, phải chăng đó cũng là chìa khóa tháo gỡ “nút thắt” trong cải thiện tỷ lệ chuyên cần ở các trường vùng cao – nơi “trước mắt phải có chuyên cần rồi mới nghĩ đến chất lượng”?./.



Từ khóa: Lào Cai, thay đổi bất ngờ, học sinh THCS nghỉ thứ 7

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập