Thất bại bẽ bàng nhất của đặc nhiệm tinh nhuệ Mỹ Ranger

Cập nhật: 24/03/2020

VOV.VN - Do mắc nhiều sai lầm, đặc nhiệm thiện chiến Mỹ đã phải trả giá quá đắt.

Mong muốn tốt hơn

Năm 1991, Mohammed Siad Barre - Tổng thống Cộng hòa Liên bang Somalia - bị lật đổ bởi phe đối lập vũ trang. Một vòng xung đột dân sự mới nổ ra tại quốc gia đông Phi này, dẫn đến sự tàn phá và nạn đói khủng khiếp, làm ít nhất 300 nghìn người chết. Mùa xuân năm 1992, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã kiến tạo một sứ mệnh cung cấp lương thực thực phẩm cho dân thường Somalia. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu tiên, các đoàn xe nhân đạo đã bắt đầu bị cản trở bởi các nhóm chiến binh vũ trang địa phương.

Không những phải “bôi trơn” cho chúng, mà đa phần, lương thực thực phẩm không đến tay các đối tượng cần được cứu trợ. Liên Hợp Quốc đã quyết định phái một đội quân gìn giữ hòa bình hạn chế ở Somalia để bảo vệ các đoàn xe cứu trợ, gồm đại diện của 20 quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ. Tuy nhiên, can thiệp mang tính nhân đạo của quốc tế vào các vấn đề nội bộ của nước này đã bị lãnh đạo Liên minh Quốc gia Somalia (SNA) - Tướng Muhammad Aydid - coi là sự thù địch, người thực sự tuyên chiến với lực lượng gìn giữ hòa bình.

Tình hình ngày càng tồi tệ

Cuộc chiến giữa các lực lượng Liên Hợp Quốc và phiến quân bắt đầu. Ngày 5/6/1993, lực lượng gìn giữ hòa bình đã chịu tổn thất đầu tiên, khi 24 binh sĩ Pakistan bị bắn trong một cuộc phục kích, sau đó cùng ngày, các chiến binh đã tấn công nhiều nhóm bảo vệ hòa bình. Đáp lại, Không quân Mỹ đã phát động một loạt các cuộc tấn công vào các căn cứ của phiến quân, phá hủy trụ sở SNA, đài phát thanh và nhà Aidid. Tuy nhiên, các hành động trả đũa đã làm phức tạp hóa mối quan hệ với người dân địa phương, một phần lớn trong số đó đã thể hiện thù địch công khai đối với Mỹ.

that bai be bang nhat cua dac nhiem tinh nhue my ranger hinh 1
Một nhóm đặc nhiệm Mỹ tham gia chiến dịch “Tiếp tục hy vọng”; Nguồn: wikipedia.org

Lãnh đạo Liên Hợp Quốc yêu cầu đội ngũ gìn giữ hòa bình bắt giữ hoặc, trong trường hợp cần thiết, tiêu diệt Aidid. Phần thưởng 25 nghìn USD đã được đưa ra để lấy đầu thủ lĩnh phiến binh. Để làm việc này, một lực lượng đặc nhiệm Ranger của Mỹ đã được phái đến Somalia, bao gồm các phân đội thuộc đại đội độc lập của Trung đoàn tác chiến độc lập số 1 "Delta"; Đại đội dù số 2 Tiểu đoàn dù 3 (PDB) Trung đoàn Dù 75 của Lực lượng Đặc nhiệm Lục quân Mỹ; phi đội trực thăng Trung đoàn 160 Không quân Lục quân (AA) thuộc Lực lượng Đặc nhiệm, các đơn vị không quân và tìm kiếm và cứu hộ từ Phi đội 24 Không quân Đặc nhiệm.

Chiến dịch mang mật danh “Tiếp tục hy vọng” này nằm dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Harrison - Cục trưởng Cục chiến dịch đặc biệt thuộc Bộ Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Bộ Quốc phòng Mỹ - người đã bay tới Thủ đô Mogadishu của Somalia. Sau khi tiến hành một số hoạt động gây tranh cãi và không thành công, quân đội Mỹ đã quyết định tạm thời chuyển mục tiêu từ Aidid sang các cộng sự thân cận nhất của y.

Thất bại bẽ bàng

Mục tiêu của bộ chỉ huy quân sự Mỹ là Omar Salad - một cố vấn của Aidid - kẻ vào ngày 3/10/1993, sau một cuộc biểu tình chống Mỹ, được cho là trú ngụ trong một tòa nhà ba tầng màu trắng gần khách sạn Olympic, trong khu ổ chuột dày đặc ở thủ đô Mogadishu. Theo một số nguồn tin, bản thân Aidid có thể sống ở đó. Sống trong các khu nhà “Biển Đen” (như người Mỹ gọi khu vực này) chủ yếu là các tín đồ của Aidid, ước tính, có từ 2 đến 6 nghìn chiến binh và dân quân, được trang bị nhiều loại vũ khí ấn tượng.

Đặc nhiệm Ranger Mỹ với 160 tay súng bắt đầu chiến dịch lúc 15:00h, đổ bộ từ trực thăng đáp xuống tòa nhà mục tiêu và bắn phá sân bằng lựu đạn tấn công. Tuy nhiên, sau vài phút trôi qua, từ các tòa nhà lân cận hỏa lực đánh trả lực lượng dù Mỹ rất mạnh. Phản ứng này của phiến quân là một bất ngờ cực kỳ khó chịu đối với người Mỹ. Tuy nhiên, các đặc nhiệm Mỹ đã bắt được Omar Salad và 23 thành viên khác của SNA (Aidid không có mặt trong tòa nhà) và đã phải rất vất vả để đưa các thủ lĩnh của các chiến binh vào xe Hammer.

Đoàn xe Mỹ đã bị tấn công dữ dội, các đường phố của Mogadishu sau vài giờ đã xuất hiện nhiều chướng ngại vật nối tiếp nhau. Một trong những chiếc trực thăng Mỹ trong đó có 6 binh sĩ đã bị phiến quân bắn hạ. Các Ranger đã buộc phải cử một bộ phận chiến đấu để bảo vệ những chiếc xe bị tắc đang tìm cách tẩu thoát - những người đang trong vòng vây dày đặc của lực lượng phiến quân. Một cuộc giao tranh khốc liệt xảy ra với ước tính, trong vài giờ không dưới 60.000 viên đạn đã được bắn ra.

that bai be bang nhat cua dac nhiem tinh nhue my ranger hinh 2
Phiến quân Somalia được vũ trang tốt và rất cơ động; Nguồn: wikipedia.org

Mỗi giờ trôi qua, tình hình của tám mươi lính tinh nhuệ Mỹ đang bị bao vây ngày càng tồi tệ - đạn dược, nước và thuốc đã hết. Chỉ đến đêm khuya sau khi quân chi viện từ phía lực lượng gìn giữ hòa bình đến tiếp sức, các Ranger với những tổn thất lớn đã vất vả thoát khỏi vòng vây. Sáng sớm ngày 4/10, họ có mặt trong doanh trại quân đội Pakistan.

Điều không lặp lại

Trong suốt chiến dịch, Ranger đã có 19 binh sĩ thiệt mạng, 84 bị thương và 1 bị bắt làm tù binh (chưa kể Malaysia có 1 chết, 7 bị thương; Pakistan 7 bị thương). Ngoài ra, phiến quân đã phá hủy ba máy bay trực thăng Black Hawk, ba xe Hammer và một xe tải - kết quả thảm họa đối với các lực lượng nổi tiếng thiện chiến Mỹ tham gia chiến dịch.

Nhận thất bại bẽ bàng ở Somalia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Les Espin ngay lập tức từ chức. Vụ việc ở Mogadishu đã gây ra sự phản đối công khai rộng rãi mà Tổng thống Clinton không thể không phản ứng. Theo lệnh của Tổng thống Mỹ, tất cả các hoạt động quân sự ở Somalia đã bị hạn chế, và đến ngày 31/3/1994, việc rút người lính Mỹ cuối cùng khỏi đất nước này đã được thực hiện.

Một thỏa thuận ngừng bắn vô thời hạn đã được ký kết với nhà lãnh đạo phe đối lập Somalia Aidid. Chiến dịch ở Mogadishu là lần cuối cùng có số các đơn vị lớn như vậy của quân đội Mỹ tham gia. Từ đó, Lầu Năm Góc cẩn thận hơn với sinh mạng của binh lính, các hoạt động tác chiến thiên về không kích. Năm 2001, Ridley Scott đã thực hiện bộ phim "Đại bàng đen rã cánh" - “The Fall of the Black Hawk” để tưởng nhớ các sự kiện bi thảm của tháng 10/1993.

Kinh nghiệm xương máu

Mổ xẻ chiến dịch “Tiếp tục hy vọng”, các chuyên gia quân sự cho rằng, thất bại của đặc nhiệm tinh nhuệ Mỹ có nguyên nhân sâu xa do đánh giá sai đối phương, sự yếu kém của công tác trinh sát nắm bắt đối thủ, giáo điều trong chiến thuật, chọn sai vùng tác chiến nên không tận dụng được sự hỗ trợ của lực lượng quân sự Liên Hợp Quốc, huấn luyện yếu kém của binh lính tham gia chiến dịch, lực lượng tìm kiếm cứu hộ mỏng, sự yếu kém của lực lượng thiết giáp và sai lầm của cấp chỉ huy…

that bai be bang nhat cua dac nhiem tinh nhue my ranger hinh 3
Do mắc nhiều sai lầm, đặc nhiệm Mỹ đã phải đón nhận một thất bại bẽ bàng; Nguồn: russian7.ru

Trong chiến dịch này, đặc nhiệm Mỹ đã dùng hệ thống thông tin liên lạc cồng kềnh nhưng kém hiệu quả, gây ra một số vấn đề nghiêm trọng trong việc chỉ huy các đơn vị (đảm bảo thông tin liên lạc giữa các nhóm và báo cáo trực tiếp từ các nhóm đến Bộ chỉ huy trung tâm chiến dịch); thiếu thống nhất về chỉ huy - các đơn vị và các nhóm thực hiện đồng thời cả mệnh lệnh của chỉ huy cấp trên trên chiến trường và mệnh lệnh của bộ chỉ huy Lực lượng đặc biệt.

Ngoài thực tế thông tin và mệnh lệnh của Bộ chỉ huy đến đối tượng thường xuyên bị chậm trễ, sự thiếu thống nhất của mệnh lệnh đã gây ra sự nhầm lẫn tai hại trong việc chỉ huy và phối hợp của các đơn vị trong một trận chiến nhịp độ cao trong địa hình đô thị. Đội hình xe máy rời khỏi thành phố đã di chuyển với tốc độ tối đa do hỏa lực truy đuổi rất rát của kẻ thù. Do đó, mỗi lệnh thay đổi tuyến đường theo dữ liệu trinh sát đường không theo thời gian thực đã bị trễ ít nhất vài giây. Tại thời điểm nhận lệnh, xe dẫn đầu đoàn đã vượt qua chỗ cần rẻ, nên phải tính toán lại tuyến đường cho cả đoàn xe./.

Từ khóa: Đặc nhiệm, đặc nhiệm tinh nhuệ Mỹ, Ranger, chiến dịch “Tiếp tục hy vọng”, Muhammad Aydid

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập