"Thắp lửa" nơi đại ngàn: Từ những bản "trắng" đảng viên
Cập nhật: 22/10/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Nhiều đảng viên trẻ đã “thắp lửa” nơi bản làng, tạo niềm tin với Đảng trong đồng bào các dân tộc, yên tâm định canh, định cư xây dựng cuộc sống mới.
Là tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Tây Bắc, Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó 85% là dân tộc thiểu số, có 5 dân tộc đặc biệt khó khăn là Cống, Mảng, La Hủ, Si La, Lự.
Vào những năm 2005-2010, tại 75 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, tình trạng bản trắng đảng viên tồn tại dai dẳng, trở thành nỗi lo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đây chính là những trở ngại khiến cho các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước khó đến được với bà con. Cũng từ đó, cái đói, cái nghèo và những hủ tục cứ đeo bám lấy đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây. Trước thực trạng đó, bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, từ cấp ủy cơ sở đã ngày đêm ươm mầm những “hạt giống đỏ” để phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, khơi dậy khát vọng xóa nghèo cho bà con dân bản.
Loạt bài: “ Thắp lửa” nơi đại ngàn của nhóm Phóng viên VOV Tây Bắc đề cập nội dung này để bạn đọc hình dung được hành trình đổi thay trong đời sống của các dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ở Lai Châu.
Người La Hủ thuộc nhóm dân tộc Tạng - Miến và được biết đến với nhiều cái tên khác như Xá Lá Vàng, Cò Xung, Khù Sung, Khả Quy... Đây là dân tộc thiểu số ít người trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, sinh sống duy nhất ở huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Trải qua nhiều thế hệ du canh, du cư qua các cánh rừng nơi thượng nguồn Sông Đà, theo mỗi mùa lá rụng để sinh tồn, số lượng người La Hủ giảm dần theo từng năm, hiện còn khoảng 13.000 người và đứng trước nguy cơ suy thoái về dân số. Thế nhưng, nhờ ánh sáng của Đảng soi đường dẫn lối, người dân La Hủ đã từ bỏ tập tục di cư tự do để xuống núi định cư. Nhiều đảng viên trẻ đã “thắp lửa” nơi bản làng, tạo niềm tin với Đảng trong đồng bào các dân tộc ,yên tâm định canh, định cư xây dựng cuộc sống mới.
"Trước đây người La Hủ sống du canh du cư, đời sống vất vả lắm, chỉ sống phụ thuộc vào rừng, cái ăn cái mặc cái gì cũng thiếu rất nhiều".
"Nhà bằng lá vừa dựng xong, bố mẹ lại thu dọn nồi niêu bảo đi sang bản mới, lại phát rừng chỗ mới để làm nương. Cũng chẳng nhớ được là đã bao nhiêu lần đêm tối mò mẫm trong rừng để đi tìm chỗ mới làm nhà nhưng chỉ nhớ là ai cũng đói, cũng khổ".
Đó là những ký ức khó quên của những tháng ngày vất vả vượt núi, băng rừng theo bố mẹ đi tìm vùng đất mới để mưu sinh của anh Pờ Lò Hừ và chị Ly Ca So, ở bản Pha Pu, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Giờ đứng giữa vườn tam thất đỏ hơn 5 năm tuổi, anh Pờ Lò Hừ, Bí thư chi bộ, trưởng bản Pha Pu không nghĩ anh và bà con có thể thoát được cái đói, cái nghèo đeo đẳng qua nhiều đời như thế: "Ngày trước người La Hủ ở rải rác, mỗi người một nơi, giờ định cư ở bản mới, bà con cũng nghĩ rằng phải làm ăn ổn định ở quê mới, để ổn định và phát triển. Nhà nào cũng đủ ăn, được chăm sóc sức khỏe, con cái được đi học."
Ông Ly Xạ Pu, ở bản Nhú Ma, xã Pa Ủ cho biết: cuộc sống khó khăn, cộng với tập quán du canh du cư, thiếu hiểu biết nên đồng bào La Hủ năm này qua năm khác chỉ quanh quẩn với việc tìm đất, dựng lán, phát quang cỏ cây và trọc lỗ tra hạt. Khi hạt bắt đầu nảy mầm cũng là lúc mái lá lợp nhà úa vàng, bà con lại bỏ đi tìm mảnh đất khác. Hành trình ấy nối tiếp như một vòng tuần hoàn từ đám nương này qua cánh rừng khác và khi nhìn thấy chim bay từng đàn xà xuống nơi nào thì bà con tìm đến nơi đó để thu hoạch.
Ông Ly Xạ Pu kể: "Trước đây, du canh du cư theo nhóm hộ là rất nhiều, trên rừng già chủ yếu là phát nương thôi. Thiếu đói thì cứ đi đào củ mài, củ nâu và kiếm được cái gì ăn được thì ăn vào để sống thôi. Nhà chỉ có lán tạm, chăn màn cũng không có, quần áo cũng không có mặc. Thế rồi đêm ngủ cũng chỉ biết lấy củi đốt xung quanh. Ngày trước khổ lắm, đời sống của bà con chỉ lủi thủi trong rừng như thế thôi."
Bà con đi nhiều và sau mỗi bước chân họ là núi rừng bị tàn phá, đất đai bạc màu, cây cối bị đốn hạ để mùa đói cứ thế qua đi và mùa di cư thế chỗ. Sau những cuộc du canh, du cư đó, cuộc sống của bà con cũng không được cải thiện, đói nghèo vẫn hoàn đói nghèo.
Chủ tịch UBND xã Pa Ủ Phí Chí Giá chia sẻ: "Vận động bà con du canh, du cư từ trên rừng hoặc các chỏm bản xuống định cư cũng cần phải có một quá trình. Cấp ủy, chính quyền đã vào cuộc vận động, đặc biệt như ở Hà Nê và Hà Xi, trước đây là 2 nhóm hộ khác nhau. Qua quá trình vận động bà con xuống núi, cùng với các chính sách đầu tư của bản và nhà nước, hiện tại bà con tập trung về một bản để xóa dần đi những khó khăn."
Mỗi năm đất trời có 4 mùa xuân - hạ - thu - đông, nhưng người La Hủ ở huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu phải cõng trên lưng thêm 2 mùa, đó là mùa di cư và mùa đói. Sau những nhọc nhằn của mưa nắng, mỗi sớm mai thức dậy, mỗi nhà cũng chỉ có những chiếc nồi trơ đáy không cơm, bếp không củi lửa. Ký ức đó, nó như những khúc tre trên rừng, đầu của đốt này là cuối của đốt khác mà không có sự khác biệt nào ngoài đói khổ, lam lũ.
Khi cái ăn, cái mặc còn khó khăn thì nhận thức về đảng của đồng bào người Mảng cũng như 4 dân tộc ít người đặc biệt khó khăn ở Lai Châu hẳn là chưa thể đầy đủ, họ không mấy mặn mà với việc vào đảng. Hơn nữa, đó còn chưa tính đến những quy định trong điều lệ đảng, các đối tượng kết nạp đảng phải học hết bậc Trung học cơ sở, không vi phạm chính sách dân số, chưa từng vi phạm pháp luật. Trong khi đó, hầu hết người La Hủ, Mảng, Cống, Si La ở Lai Châu trình độ văn hóa còn thấp, đàn ông, phụ nữ uống rượu triền miên…Hành trình ươm những hạt giống đỏ nơi đại ngàn càng thêm gian nan hơn bao giờ hết. Đây cũng là nội dung mà VOV.VN đề cập trong bài 2 của loạt phóng sự: “ Thắp lửa” nơi đại ngàn. Mời quý độc giả đón đọc./.
Từ khóa: người La Hủ, người dân tộc thiểu số, du canh du cư, đời sống người dân tộc, người vùng cao
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN