“Thắp lửa” nơi đại ngàn: Phát triển đảng viên dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn
Cập nhật: 25/10/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Phát triển đảng viên dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn gặp không ít khó khăn do đồng bào còn nhiều hủ tục lạc hậu, trình độ nhận thức còn hạn chế, đời sống kinh tế còn vất vả.
Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ “Đảng phải phát triển tổ chức của mình một cách thận trọng, vững chắc và rộng rãi trong quần chúng... đặc biệt đẩy mạnh việc phát triển Đảng vào các vùng xung yếu, các cơ sở còn ít đảng viên”, nhiều năm qua công tác phát triển đảng viên nói chung, phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số nói riêng, nhất là trong cộng đồng 5 dân tộc đặc biệt khó khăn là Cống, Mảng, La Hủ, Si La, Lự được các cấp ủy đảng tỉnh biên giới Lai Châu triển khai bằng nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, từng dân tộc.
Tuy nhiên công tác này cũng còn không ít khó khăn do đồng bào còn nhiều hủ tục lạc hậu, trình độ nhận thức còn hạn chế, đời sống kinh tế còn vất vả. Bài cuối trong loạt bài: “Thắp lửa” nơi đại ngàn đề cập những cách làm hay để Lai Châu tiếp tục nhân rộng, củng cố tổ chức cơ sở đảng ở các xã, bản vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn.
Trong số hơn 2.300 đảng viên mà tỉnh Lai Châu kết nạp từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến 31/8/2022, có 22 đảng viên mới là dân tộc Cống; dân tộc tộc Mảng có 14 người; La Hủ là 58 và Si La là 10 đảng viên. Con số này còn khá khiêm tốn, phần nào phản ánh được những khó khăn từ nhiều năm qua trong công tác phát triển đảng viên trong các dân tộc này.
Ông Cao Duy Đan, Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết: Đảng bộ có 79 đảng viên, trong đó có 15 đảng viên là dân tộc Mảng. Với đặc thù là một xã miền núi với hơn 40% là đồng bào dân tộc Mảng, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, trình độ văn hóa chưa đạt so với yêu cầu đề ra, nhiều thanh niên sau khi học xong THCS, THPT đã đi làm ăn xa… là một trở lực lớn trong công tác phát triển đảng ở các bản người Mảng ở Trung Chải. Từ năm 2015 đến nay, toàn xã chỉ kết nạp được 5 đảng viên mới là đồng bào dân tộc Mảng. Có chi bộ trong vài năm không phát triển thêm đảng viên nào, như chi bộ bản Nậm Xẻ; bản Nậm Sảo 2; bản Nậm Nó.
Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải nói: "Thực hiện chỉ tiêu kết nạp đảng, nhất là khu vực nông thôn và lại là đảng viên dân tộc ít người là điều mà đảng ủy xã rất trăn trở, vì đây là công việc khó. Xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, hầu như các em có nhận thức, học hành đầy đủ lại đi làm ăn xa. Do vậy thông qua các cuộc họp ban chấp hành, chúng tôi đã định hướng đối với các nhà trường định hướng sớm cho học sinh về việc lập nghiệp tại quê hương, bên cạnh đó là xã cũng bồi dưỡng nguồn quần chúng ưu tú là các cháu xuất ngũ trở về địa phương để xem xét kết nạp vào đảng".
Năm 2020, đoàn viên thanh niên ưu tú Hù Chà Soan, dân tộc Si La, ở Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè được tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Do thường xuyên đi làm ăn xa nên Soan chưa viết đơn xin vào Đảng. Nguyện vọng của Hù Chà Soan là có thể lập nghiệp và có việc làm ổn định ngay trên chính mảnh đất quê hương, cùng góp sức với các bạn trẻ xây dựng bản làng ngày càng có cuộc sống khấm khá, đồng bào mình không còn hủ tục lạc hậu.
"Bản thân em cũng như nhiều bạn khác cũng rất mong muốn có việc việc làm, có thu nhập ổn định trên quê hương của mình. Đi làm ăn xa cũng bấp bênh và cũng không tham gia sinh hoạt đoàn thường xuyên nên không phấn đấu được. Chúng em cũng mong muốn, đối với những người không hưởng lương, khi tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về đảng thì tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ để yên tâm xuống xã học tập" - Hù Chà Soan nói.
Đối với địa bàn miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn, việc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số là giải pháp quan trọng để thu hút đảng viên trẻ là người dân tộc thiểu số đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Theo ông Trần Đức Hiển, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Mường Tè, tỉnh Lai Châu, trong những năm qua huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có các chính sách riêng biệt của Nhà nước dành cho đồng bào Cống, Mảng, La Hủ, Si La về định canh định cư; phát triển giáo dục; y tế…
Xác định công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo các cấp ủy tập trung khảo sát, phân tích, tìm ra nguyên nhân những chi bộ bản, trường học, trạm y tế hiện còn ít đảng viên; chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển đảng viên.
"Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo các Ban xây dựng đảng, đặc biệt là trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện mở lớp bồi dưỡng tìm hiểu về đảng cho các quần chúng là thanh niên, những quần chúng ưu tú của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi cũng chỉ đạo Ngành giáo dục tập trung nâng cao giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện tốt nhiệm vụ phổ cập giáo dục xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, giáo dục THCS và phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Từ việc nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trình độ dân trí sẽ được nâng lên" - Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Mường Tè nói.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV xác định, mục tiêu hàng năm kết nạp từ 1.000 đảng viên trở lên, trong đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất quan tâm đến công tác phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có ít đảng viên, xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng.
Theo ông Mạc Quang Mạnh, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lai Châu, để thực hiện được mục tiêu trên, giải pháp quan trọng hàng đầu là tiếp tục nhân rộng các hạt nhân tích cực ở cơ sở; lấy vai trò của đảng viên trẻ để lan tỏa, khích lệ đồng bào mình thi đua lao động, sản xuất, học tập nâng cao trình độ, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, phấn đấu trở thành đảng viên. Đồng thời cấp ủy đảng ở cơ sở phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nhằm đảm bảo tính kế thừa, phát triển liên tục, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Đặc biệt thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ sản xuất để người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
"Tới đây tỉnh tiếp tục thực hiện việc mà một số huyện đã làm rất hiệu quả và sáng tạo, đó là mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về đảng và lớp bồi dưỡng đảng viên mới theo cụm xã và cụm xã, vì nhiều xã cách huyện đến hơn 100km. Tỉnh cũng tiếp tục chỉ đạo huyện ủy biên giới phối hợp với đảng ủy bộ đội biên phòng tăng cường cán bộ, đảng viên bộ đội biên phòng tham gia sinh hoạt với các chi bộ bản biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm tình hình cũng như là phát hiện, bồi dưỡng nhân tố tích cực cho đảng" - Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lai Châu nói.
Ở nơi biên giới đại ngàn còn nhiều gian nan vất vả, những hạt giống đỏ” nảy mầm đang từng ngày vươn lên, làm điểm tựa, “ thắp lửa” để đồng bào các dân tộc Lai Châu vượt qua khó khăn, từ bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những ngọn lửa hồng ấy sẽ mãi rực sáng, mở lối, tiếp sức cho lớp lớp thế hệ trẻ tiếp bước, cống hiến cho Đảng, cho dân, để một ngày không xa đưa miền núi tiến kịp miền xuôi./.
Từ khóa: Thắp lửa nơi đại ngàn, Phát triển đảng viên dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, phát triển Đảng viên là người dân tộc
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN