“Thắp lửa” nơi đại ngàn: Đảng viên tiên phong xóa nghèo
Cập nhật: 24/10/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Bên cạnh việc gương mẫu đi đầu, đảng viên và các gia đình đảng viên là những nhân tố tích cực tạo nên sự đổi thay ở bản làng, xây dựng hệ ý thức trong giai đoạn mới. Họ chính là những người mở đường, mở lối nơi đại ngàn.
Trong bài 2 của loạt bài: “Thắp lửa” nơi đại ngàn VOV đã đề cập đến những đóng góp không nhỏ của cán bộ, đảng viên cùng các chiến sỹ biên phòng, thầy cô giáo nơi biên giới Mường Tè trong việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho Đảng. Đời sống từng bước ổn định, nhận thức của bà con nâng lên, từ đó, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Lai Châu đã xuất hiện nhiều đảng viên, gia đình đảng viên tiêu biểu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng.
Bên cạnh việc gương mẫu đi đầu, đảng viên và các gia đình đảng viên là những nhân tố tích cực tạo nên sự đổi thay ở bản làng, xây dựng hệ ý thức trong giai đoạn mới, để từ đó biến những suy nghĩ, khát khao về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc thành động lực, hành động, dấy lên phong trào thi đua sôi nổi trong cộng đồng các dân tộc ở Lai Châu.
Đảng bộ tỉnh Lai Châu hiện có trên 30.000 đảng viên, trong đó đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 70%; 100% thôn, bản đã thành lập được chi bộ. Đảng viên sau khi kết nạp phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm, thực sự là những hạt nhân ở cơ sở.
Nhớ lại năm 2010, khi được Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ Ly Sạ Pu tuyên truyền, vận động vào Đảng, anh Pờ Lò Hừ, dân tộc La Hủ, ở bản Pha Pu, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu nhớ mãi lời ông Pu nói: Vào đảng để giúp dân bản xóa nghèo. Lời nói mộc mạc, gần gũi ấy đã chạm vào trái tim của Hừ, bùng cháy trong anh một khao khát cống hiến cho dân, cho đảng ngay từ chính bản làng mình:
"Được vào Đảng bản thân tôi rất vui, càng ngày càng hiểu biết hơn và mình phải làm ăn để giúp đỡ dân. Là Bí thư chi bộ, là đảng viên phải hướng dẫn cho bà con biết làm ăn, phát triển kinh tế, nếu không giúp được dân làm ăn thì đời sống sẽ mãi khó khăn, không phát triển được, dân trí thấp, không xóa được những hủ tục lạc hậu" - anh Pờ Lò Hừ nói.
Định cư ở bản mới, làm gì để thoát nghèo luôn là câu hỏi mà anh Hừ trăn trở để không phụ lòng những người đã tin tưởng, giúp đỡ mình vào đảng. Đầu tiên anh Pờ Lò Hừ cùng vợ bàn nhau đầu tư nuôi trâu, bò và trồng lúa. Để làm được kinh tế, không như những người khác trong bản, cả vợ chồng Hừ không uống rượu, không hút thuốc lào và chỉ đẻ 2 con, hàng ngày chăm chỉ lên nương từ sáng sớm đến chiều muộn. Đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để tăng năng suất.
Dần dần, đàn trâu bò của gia đình ngày càng nhân lên với hơn 150 con; lúa thu mỗi năm hơn 200 bao, tổng thu nhập dần tăng lên, trung bình đạt 300 triệu đồng/năm. Có của ăn của để, vợ chồng anh Hừ không tiêu sài hoang phí, sẵn sàng giúp những nhà còn đói đứt bữa, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và vận động các gia đình khác cũng làm theo mình.
Nhận bao thóc chứa chan nghĩa tình của vợ chồng anh Hừ, chị Ly Na Đồ, hộ gia đình khó khăn ở bản Pha Pu xúc động nói: "Năm nào nhà anh Hừ cũng cho thóc, cho gạo, con mình đỡ đói. Mình cũng cố gắng làm nương để đủ thóc ăn nhưng chưa đủ. Anh Hừ cũng bảo phải cố lên, vợ chồng không uống rượu nữa, bảo nhau trồng lúa nước, chăn nuôi thêm con gà, con lợn mới đủ ăn được".
Đời sống ngày một nâng cao, người dân ở bản Pha Pu càng thêm tin tưởng, quý mến và bầu anh Pờ Lò Hừ làm Bí thư, trưởng bản. Chi bộ của anh Hừ nay đã có 5 đảng viên đều là người dân tộc La Hủ. Chị Pờ Hù So, ở bản Pha Pu cho biết: "Bí thư chi bộ Pờ Lò Hừ giúp bà con rất nhiều. Anh ấy vận động chúng tôi phải cho con đi học để biết chữ, biết cách còn làm ăn; vận động cả phụ nữ này, thanh niên này chăm chỉ trông lúa, trồng cây ăn quả, thoát nghèo để được làm đảng viên, để giúp dân, giúp bản mình không còn nghèo nữa".
Cùng với những trăn trở suy nghĩ về tập tục lao động sản xuất lạc hậu, đời sống kinh tế của đồng bào Cống còn thua kém các dân tộc khác trong vùng, anh Lò Văn Hùng, ở bản Xám Láng, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã chuyển đổi những vạt nương bạc màu, kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây quế. Với phương châm mình là đảng viên phải làm trước để cho dân học tập và noi theo, anh Hùng đã trồng hơn 2ha quế cùng chăn nuôi lợn nái. Từ một hộ gia đình khó khăn, gia đình đảng viên Lò Văn Hùng đã vươn lên thành hộ khá giả.
Từ khi vào Đảng, anh Hùng đã bồi dưỡng, giới thiệu để kết nạp đảng cho 2 đảng viên trẻ là Lò Văn Thương và chị Lý Thị Sung. Đến nay, ở xã Nậm Khao đã có 91 đảng viên là đồng bào dân tộc Cống, chiếm tỷ lệ đảng viên cao nhất so với các dân tộc ở xã. Anh Hùng được bà con dân bản yêu mến và không ngần ngại bầu anh giữ chức vụ trưởng bản, bởi bà con thấy rõ ở anh ý trí và khát vọng làm giàu, đặc biệt là luôn chia sẻ, giúp đỡ người dân khốn khó.
Anh Lò Văn Hùng nói: "Bản thân luôn muốn nêu gương trước bà con, muốn vậy mình phải có kinh tế và phải gương mẫu thì bà con mới nghe theo. Để bà con thoát nghèo, tôi đã tuyên truyền hướng dẫn cho bà con thật cụ thể, ví dụ như là muốn cây trồng trên nương muốn phát triển tốt, cho thu nhập, bà con phải làm cỏ, xới đất, rồi mới trồng thì mới cho thu hoạch được".
Năm 2016, khi vừa tròn 26 tuổi, Pờ Chà Song, dân tộc Si La, ở xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu vinh dự được kết nạp vào Đảng. Cùng suy nghĩ như anh Lò Văn Hùng, Song luôn có khát khao đưa đời sống kinh tế của đồng bào Si La ở quê hương mình phát triển như những dân tộc khác.
Đau đáu với suy nghĩ đó, đảng viên trẻ Pờ Chà Song đã đầu tư trang trại chăn nuôi cá lồng trên lòng hồ sông đà kết hợp với dịch vụ ăn uống. Là người đầu tiên ở xã phát triển mô hình này, với kinh nghiệm còn ít ỏi, bước đầu Song nuôi 9 lồng cá trắm, chép, cá nheo. Từ năm 2019 bắt đầu có thu nhập từ nuôi cá, dù chưa nhiều nhưng cũng là động lực để Song cố gắng hơn nữa với hy vọng lan tỏa sang nhiều hộ cùng làm để thoát nghèo và làm giàu.
Đảng viên Pờ Chà Song chia sẻ: "Bây giờ tôi đang có 9 lồng cá và có thể phát triển hơn thế nữa. Tuy nhiên tôi cũng muốn đoàn viên thanh niên trong xã cùng bỏ công để cùng tôi chăm sóc, phát triển nghề nuôi cá lồng ở địa phương. Tôi suy nghĩ là mô hình mình tiên phong làm mà nhân rộng được, lan tỏa được thì mới thành công. Và khi mình được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng bản thân mình phải tiên phong đi đầu trong mọi hoạt động và cố gắng, cố gắng hơn nữa".
Đánh giá về những đóng góp của đảng viên người dân tộc thiểu số đối với sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, ông Phạm Hồng Bình, Phó Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ và ông Mạc Quang Mạnh, Phó Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Lai Châu khẳng định: Những năm qua, nhiều đảng viên là người dân tộc thiểu số trở thành nhịp cầu nối giữa lòng dân - ý Đảng, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống của đồng bào. Đặc biệt nhiều đảng viên đã không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ; áp dụng hoa học kỹ thuật, mô hình cây, con mới để lan tỏa trong bản làng, thắp lên niềm tin phấn đấu vào đảng trong thế hệ trẻ.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ nói: "Đối với những địa bàn khó khăn, bà con còn hạn chế trong nhận thức cũng như trình độ phát triển kinh tế- xã hội thì những đảng viên điển hình như thế này rất đáng trân trọng. Họ vừa là người trực tiếp ở cơ sở, là đồng bào dân tộc thiểu số có uy tín với nhân dân và đồng thời qua những việc làm thực tế của họ đã tạo sức lan tỏa và là tấm gương để động viên và giúp đỡ, vận động bà con học và làm theo, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương".
Phó Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Lai Châu phân tích: "Việc kết nạp đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất quan trọng. Thứ nhất là để tăng số lượng đảng viên ở những bản xa xôi, khó khăn. Các đảng viên này sẽ làm nòng cốt trong công tác vận động và giúp đỡ quần chúng ưu tú phấn đấu vào đảng, kết nạp đảng viên trong đồng bào dân tộc, tạo nguồn cán bộ ở cơ sở, kể cả trước mắt cũng như trong những năm tới".
Dẫu đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số như Cống, Mảng, La Hủ, Si La ở biên giới Lai Châu còn nhiều khó khăn, như xã Pa Ủ của đảng viên Pờ Lò Hừ vẫn còn trên 80% số hộ nghèo, nhưng những người như anh Hừ, anh Hùng, hay đội ngũ đảng viên trẻ kế cận như Pờ Chà Song, dân tộc Si La là những tín hiệu tích cực cho thấy những giải pháp phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số ở Lai Châu đã có hiệu quả. Từ những “ hạt giống đỏ” này sẽ mở lối cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng, hăng hái phát triển kinh tế để thoát nghèo.
Đây là bài 3 trong loạt bài: Những đảng viên dân tộc thiểu số “ thắp lửa” nơi đại ngàn. Trong bài cuối, VOV sẽ đề cập đến những giải pháp để tiếp tục tạo nguồn phát triển đảng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng ở vùng đồng bào dân tộc La Hủ, Mảng, Cống, Si La ở vùng đặc biệt khó khăn tỉnh Lai Châu./.
Từ khóa: Thắp lửa nơi đại ngàn, mở lối nơi đại ngàn, đảng viên ở vùng núi
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN