Thảo luận “Thơ Việt thế hệ mới”

Cập nhật: 29/09/2021

(VOV5) - "Nếu chỉ dùng một từ nói về nhà thơ thế hệ hôm nay, là từ Mở – Mở về biên độ không gian không chỉ ở Việt Nam mà người viết khắp thế giới – Mở rộng về nhiều phong cách, trường phái."

Nghe âm thanh bài viết qua giọng đọc PTV Sơn Tùng tại đây:

Mới đây, Chuyên đề Văn+, thuộc CLB Văn học trẻ - Hội nhà văn Hà Nội đã tổ chức thảo luận trực tuyến về chủ đề “Thơ Việt thế hệ mới”. Hơn 90 tác giả trong và ngoài nước tham dự, bao gồm các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình đang sung sức đã tham gia thảo luận, tranh biện sôi nổi hơn 3 tiếng đồng hồ.

Đây là một trong hai thảo luận được Chuyên đề Văn + của CLB Văn học trẻ - Hội nhà văn Hà Nội tổ chức thời gian gần đây nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng; cũng là một mô hình hiệu quả trong tình hình chưa thể tổ chức các tọa đàm trực tiếp do ảnh hưởng của dịch Covid 19.

Trong hơn ba giờ đồng hồ, xung quanh chủ đề “Thơ Việt thế hệ mới” nổi bật có hai vấn đề được quan tâm nhiều hơn, đó là việc phân loại về độ tuổi, xu hướng sáng tác thơ hiện nay và quan niệm về giá trị đích thực của thơ ca.

Thảo luận “Thơ Việt thế hệ mới” - ảnh 1Tọa đàm do CLB Văn học trẻ tổ chức - Ảnh: CLB Văn học trẻ.

Tiến sĩ Phan Tuấn Anh, một người sáng tác thơ đồng thời làm phê bình văn học có cái nhìn lạc quan về đội ngũ những người sáng tác trẻ. Anh chỉ ra những dòng thơ đã và đang được những người sáng tác trẻ gần đây thực hành, sáng tạo dựa trên những lợi thế của thế hệ, thời đại: "Theo tôi thơ trẻ hiện nay bao gồm ba dòng: dòng thơ trò chơi – Dựa vào trò chơi ngôn ngữ khởi đầu là Nguyễn Thế Hoàng Linh - ứng dụng ngôn ngữ mạng, nói lái, tạo ra tiếng cưới. Thơ phì đại – Vượt ra đường biên thông thường, biến thành dạng thức lớn hơn thơ truyền thống, thơ văn xuôi, thí dụ Nguyễn Lãm Thắng, Trịnh Sơn viết những bài thơ dài có tính chất trường ca, lai ghép văn xuôi.

Thứ ba là thơ cực hạn – thơ mini – chỉ một vài dòng thôi nhưng tạo ra những nhận thức mới. Về tính chất thì gói gọn trong ba từ N – E – W. N là new – mới mẻ, electric – điện tử, truyền thông, truyền tải qua mạng, ngôn ngữ mạng và world- thế giới- nhà thơ trẻ giỏi ngoại ngữ, nói được vấn đề của toàn cầu".

Không đi vào chi tiết tiêu chí độ tuổi, nhà thơ Hoàng Anh Tuấn coi trọng tinh thần trẻ trong sáng tác và theo anh điều đó mới làm nên diện mạo của thơ Việt thế hệ mới: "Theo tôi tinh thần trẻ trong sáng tác là điều quan trọng hơn khi chúng ta phân định rạch ròi về độ tuổi. Chúng ta phân định bằng tinh thần trong sáng tác thì hợp lý và đúng hơn. Vì có thể người trẻ tuổi nhưng tinh thần sáng tác không trẻ và ngược lại. Đội ngũ sáng tác trẻ hiện nay rất đông đảo."

Với lối nhận định, phân tích cá tính, sắc sảo, TS Hà Thanh Vân tập trung vào từ khóa của buổi thảo luận. Từ đó, chị bày tỏ quan niệm, cách nhìn về thơ Việt thế hệ mới: "Nếu chỉ dùng một từ nói về nhà thơ thế hệ hôm nay, là “Mở” – Mở về biên độ không gian không chỉ ở Việt Nam mà người viết khắp thế giới – Mở rộng về nhiều phong cách, trường phái.

Tôi nghĩ trong thơ không có gì lạc hậu, đã cũ. Thơ có giá trị là hay hay không và công chúng tiếp nhận như thế nào. Ngày nay vẫn có những người viết truyền thống lục bát rất hay, được lòng công chúng. Nhà thơ không bị giới hạn bởi bất cứ điều gì, không bó khuôn trong trường phái nào cả.

Cái Mở thứ ba, thế hệ Y hay Z đều có điều thuận lợi hơn thế hệ trước là nhìn thế giới với con mắt mở hơn và ngược lại, tận dụng được lợi thế công nghệ. Cái mở thứ tư là công chúng mở rộng và có nhiều dạng công chúng. Như tôi thấy có nhiều bài thơ bị chê dở nhưng vẫn có nhiều người khen. Cuối cùng, khác với cái nhìn u ám của nhiều người rằng ít nhà phê bình đến với thơ và ngược lại. Vấn đề là chúng ta có tìm đến với nhau không. Vào các nhóm thơ, văn chương số lượng người tham dự vẫn rất là đông. Tôi lạc quan về thơ Việt thế hệ mới."-TS Hà Thanh Vân khẳng định.

Thảo luận “Thơ Việt thế hệ mới” - ảnh 2

Cũng trong thảo luận, có những ý kiến, trao đổi khác nhau rằng sự công nhận của đông đảo công chúng có thực sự quyết định giá trị thực sự của thơ ca hay không. Từ những theo dõi liền mạch, TS Trần Ngọc Hiếu cho rằng: "Quan sát về thơ hai thập niên đầu thế kỷ 21 điểm được nhất là thơ khá đa thanh, nhiều tìm tòi, lối đi và lối nào cũng có lượng công chúng riêng. Đôi khi số đông công chúng chưa thể quyết định vào tương lai thơ ca mà lại do một nhóm độc giả nhỏ quyết định. Một điểm được nữa là văn hóa thơ ca rộng mở hơn rất nhiều hơn các giai đoạn trước.

Theo dõi trang dịch thơ của các dịch giả thầm lặng thì chưa bao giờ chúng ta có thể tiếp cận được các gương mặt nổi bật của thơ ca thế giới. Thí dụ như trang của Nguyễn Huy Hoàng. Chúng ta có nhiều điều kiện hiểu, biết thơ ca thế giới. Thế hệ chúng ta có hàng triệu nhà thơ, bài thơ nhưng rất ít bài thơ còn lại với lịch sử thơ ca. Số công chúng quan trọng nhưng không phải là tất cả. Cái quan trọng là ai đọc thơ anh và anh có cảm thấy hài lòng với mình. Đôi khi chỉ cần một nhóm nhỏ đọc thơ của mình cũng thấy được an ủi rất nhiều".

Thơ chỉ cần một nhóm người đọc chọn lọc, tinh hoa – Đó là một thực tế đang diễn ra và chính các tác giả cũng thấy tự bằng lòng. Đành là vậy, nhưng đôi khi, nói như nhà thơ Nguyệt Phạm, đó là một lựa chọn chẳng đặng đừng: "Các nhà thơ trẻ khoảng dưới 30 tuổi hầu hết có fanpage có đưa thơ mình lên có lượng theo dõi khoảng 2000 người và viết thơ cũng tốt nhưng khi có họ nỗ lực trở thành chuyên nghiệp khi gửi thơ đến tạp chí nọ kia thì không được chọn. Họ không được công nhận, có lẽ các biên tập viên chưa để ý đến các cái tên mới. Cho nên các nhà phê bình chưa tiếp cận được các cái tên mới".

Nhã Thuyên cho rằng được đông đảo công chúng biết đến không phải là điều mà người viết nên bận tâm bởi thơ ca không thể định giá trong ngày một ngày hai: "Mình cứ lặng lẽ làm việc thì nghĩ theo hướng khác. Còn khi đẩy mình ra bên ngoài, bắt buộc phải nghe nhiều giọng, nhiều tiếng nói khác nhau thì câu chuyện mở ra những hướng buộc mình nghĩ đi nghĩ lại. Một nghiên cứu về sáng tác trong dịch bệnh thế giới thì nhiều người tìm đến việc đọc thơ nhưng thơ về corona không mang lại giá trị về ngôn ngữ, phong cách văn học. Từ đó đặt ra câu hỏi không gian sống liệu có ảnh hưởng đến sáng tác của mình. Câu chuyện về thơ Việt vẫn là chủ đề lớn. Nhóm “Tôi viết tiếng Việt” chẳng hạn có những tác giả mang nhiều kỳ vọng về tương lai nhưng họ chưa từng xuất hiện trong bất cứ một không gian văn học nào".

Cũng trong thảo luận về “Thơ Việt thế hệ mới”, có những ý kiến xoay quanh mối quan hệ giữa phê bình và sáng tác thơ. Ý kiến của TS Nguyễn Thanh Tâm cho thấy cách nhìn nhận rất khách quan về giá trị của thơ ca trẻ.

Đó cũng là điều mà mỗi người viết, người làm phê bình cần nhận thức đúng trong quá trình sáng tạo để không đánh mất cảm hứng và cá tính chỉ vì những phiền lụy ngoài thân: "Mỗi người có một quan niệm riêng về giá trị văn chương thơ ca sự lựa chọn và loại bỏ. Bây giờ thế hệ viết 2000 hoặc trẻ hơn khá đông đảo, thí dụ như tập “Cô độc nên thơ” của Nam Thi của Tao đàn. Cái việc mở rộng không gian thơ, không gian đọc với các nhà thơ trẻ là điều mà cần thiết còn truyền thống hay hiện đại không quan trọng lắm vì chúng ta sẽ có lựa chọn giá trị của mình và cần tôn trọng điều đó.”.

Từ khóa:

Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập