Tháo gỡ điểm nghẽn “tàu cá 3 không”
Cập nhật: 3 giờ trước
VOV.VN- Đã gần 7 năm qua, kể từ khi Ủy ban Châu Âu cảnh báo thẻ vàng đối với hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nghề cá nước ta đã có chuyển biến tích cực theo hướng vì một nghề cá bền vững và hội nhập. Tuy vậy, sau 4 đợt thanh tra, kiểm tra, Ủy ban Châu Âu đã chỉ ra 3 nội dung cần khắc phục.
Đã gần 7 năm qua, kể từ khi Ủy ban Châu Âu cảnh báo thẻ vàng đối với hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nghề cá nước ta đã có chuyển biến tích cực theo hướng vì một nghề cá bền vững và hội nhập. Tuy vậy, sau 4 đợt thanh tra, kiểm tra, Ủy ban Châu Âu đã chỉ ra 3 nội dung cần khắc phục. Đó là vẫn còn tình trạng tàu cá đánh bắt vượt ranh giới; một số tàu cá ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình dài ngày trên biển và việc xử phạt vi phạm hành chính chưa quyết liệt.
Nan giải nhất hiện nay là câu chuyện tàu cá “3 không”: không đăng ký, không đăng kiểm và không giấy phép khai thác thủy sản. Ngoài tàu cá “3 không”, hành trình gỡ thẻ vàng cũng còn lắm gian nan. Hiện, 28 tỉnh ven biển, đặc biệt là các tỉnh khu vực duyên hải Trung bộ tiếp tục vào cuộc quyết liệt, đưa ra các giải pháp cụ thể để từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn với mục tiêu không chỉ là gỡ thẻ vàng EU mà còn hướng đến phát triển một nghề cá bền vững.
"Tôi cũng trông cho có giấy tờ cấp phép để mình ra vào cửa thoải mái. Có giấy tờ để tôi đi ra vô khỏi phiền phức, trời đây không có giấy tờ, không có sổ sách sao mình dám hoạt động, ra kêu vào ra kêu vào sao dám đi."
"Tàu của tôi không có giấy tờ, ra vô toàn đi chui đi lủi cũng cực. Nay nghe thông tư 06 Trạm biên phòng xuống hướng dẫn cho tôi đi làm giấy tờ nên tôi mừng lắm. Có giấy tờ tôi đi các cảng gần đây cũng được chứ không có đi chui mệt lắm."
Đó là chia sẻ của những ngư dân có phương tiện đánh bắt thủy sản trong diện “tàu cá 3 không” được ngành chức năng thông báo đi làm các thủ tục quy định khi hành nghề trên biển. Những “tàu cá 3 không” là không đăng ký, không giấy phép hoặc hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, không đăng kiểm hoặc đăng kiểm hết hiệu lực.
Theo báo cáo từ Cục Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm này, cả nước còn hơn 7.000 tàu cá “3 không”. Hiện các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên còn nhiều tàu cá “3 không”.
Hơn 1 tháng nay, tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng quyết liệt ngăn chặn không cho ra khơi đối với những tàu cá không đủ điều kiện hoạt động trên biển.
Ông Nguyễn Trung Hải, chủ tàu cá “3 không” có chiều dài 15 m ở thành phố Quảng Ngãi lo lắng: “Tôi cũng làm quanh quanh lộng đây, không dám đi đâu xa, đi xa phức tạp. Cũng trông ra khỏi tình trạng 3 không, thứ nhất là có giấy tờ, có cấp số để mình hoạt động dễ hơn. Mấy tháng nay phải ở nhà ăn chơi thì làm sao có tiền nuôi con được”.
Ông Vũ Duyên Hải, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhắc lại 3 “điểm nghẽn” mà Đoàn công tác Ủy ban Châu Âu chỉ ra trong đợt kiểm tra lần thứ 4 hồi năm ngoái, đến nay vẫn chưa giải quyết rốt ráo. Đó là vẫn xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; việc truy xuất nguồn gốc thủy sản còn hạn chế và còn nhiều tàu cá “3 không”.
Theo ông Vũ Duyên Hải, đây là những “tàu ma” ngoài biển có thể xuất hiện bất cứ vùng biển đảo nào và rất khó kiểm soát: “Có địa phương làm được nhưng tại sao nhiều địa phương không làm được. Rất nhiều lần Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản hướng dẫn là phải lập danh sách để giao cho cán bộ thôn, ấp. Cũng đề nghị Bộ đội Biên phòng quản lý giúp và cán bộ thôn, ấp quản lý được”.
Đại tá Đoàn Thanh Long, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, khó khăn nhất hiện nay đối với việc kiểm soát tàu cá “3 không” là việc ngư dân mua bán tàu cá không sang tên, đi hành nghề ngoài tỉnh nhiều năm không về khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
“Tôi nghĩ chúng ta tập trung việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép. Cái này không phải mình ngành nông nghiệp làm được mà đề nghị các xã, phường cùng vào cuộc. Bây giờ phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng phương tiện xem hiện nay xã có bao nhiêu tàu, bán đi bao nhiêu tàu, mua mới bao nhiêu tàu”, Đại tá Đoàn Thanh Long nói.
Đại úy Nguyễn Văn Mạnh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đang quản lý số tàu cá rất lớn ở 2 xã Tịnh Kỳ, Tịnh Khê của thành phố Quảng Ngãi. Đây cũng là một trong những địa phương còn nhiều tàu cá “3 không”. Vì vậy, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị còn tăng cường kiểm soát, không để số tàu cá này ra khơi. Đại úy Nguyễn Văn Mạnh khẳng định, khi nào chủ các tàu cá hoàn thiện hồ sơ, được cấp phép thì lúc đó mới cho tàu cá ra khơi:
“Bà con cũng có nguyện vọng, tâm tư trong thời gian chờ cấp giấy tờ, cấp số đăng ký, giấy phép thì bà con mong muốn được đi biển. Nhưng Trạm thì tổ chức tuyên truyền, khi nào được cấp giấy phép, tấy tờ đăng ký thì mới đi biển. Trong thời gian chờ đợi thì bà con cố gắng làm nghề khác để có thu nhập,” Đại úy Nguyễn Văn Mạnh cho hay.
Qua rà soát đợt 1, tỉnh Quảng Ngãi còn hơn 1.000 tàu thuyền trong diện tàu cá “3 không”. Tiến hành sàng lọc trong số này, địa phương đã loại bỏ 230 tàu không được tiếp tục đăng ký để vươn khơi. Tiếp tục rà soát đợt 2, tỉnh này phát hiện thêm 540 tàu cá “3 không”. Điều này cho thấy, thực tế còn nhiều tàu cá “3 không” nhưng bà con không khai báo hoặc mua bán mà không làm thủ tục chuyển nhượng, sang tên. Chỉ đến khi hết hạn giấy phép khai thác hoặc hết hạn đăng kiểm, ngư dân không làm được thủ tục gia hạn mới khai báo với cơ quan chức năng.
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu cán bộ cấp xã, phường phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng tàu cá, từng chủ tàu để nắm rõ từng con tàu kích thước, số hiệu, điều kiện đăng kiểm…
“Hiện nay một trong những nhiệm vụ đặt ra đối với tỉnh đó là phải nắm chắc, quản lý chặt đối với hiện trạng tàu các loại ở địa phương. Từ đó có giải pháp quản lý đối với từng nhóm tàu, từng trường hợp. Trong này có vấn đề đặt ra là sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị với địa phương. Ở đây phải nhấn mạnh rất quan trọng vai trò của chính quyền thôn, xã trong quản lý số lượng tàu thuyền, chủ tàu cũng như ngư dân. Công tác phối hơp, công tác quản lý hiện trạng đội tàu trên địa bàn các địa phương chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo, đó là hạn chế tỉnh đã chỉ ra và yêu cầu các địa phương chấn chỉnh nghiêm thời gian tới”, ông Trần Phước Hiền nói.
Trong khi tỉnh Quảng Ngãi còn lúng túng xử lý tàu cá “3 không” thì các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa đã xử lý xong đối với nhóm tàu cá này. Tại tỉnh Bình Định, trước đây có gần 1.000 chiếc tàu cá “3 không”. Nhận thấy những tàu cá này có nguy cơ cao vi phạm IUU nên Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định chủ động phối hợp các địa phương rà soát danh sách và yêu cầu các chủ tàu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, đến nay địa phương này không còn “tàu cá 3 không”.
“Tỉnh Bình Định làm trước khi có Thông tư 06/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông hướng dẫn thực hiện. Đầu tiên là rà soát, phối hợp các địa phương rà soát hết. Đề nghị các địa phương tận xã, thôn rà soát danh sách những tàu chưa đăng ký, tổng hợp về rồi làm. Thủ tục làm như Thông tư 06. Đến khi Thông tư ra đời chúng tôi làm liền và rất nhanh. Đến cuối tháng 7/2024 chúng tôi đã làm xong 97 “tàu 3 không”, cơ bản xong”.
Hiện nay, tại 28 tỉnh, thành phố ven biển vẫn còn khoảng 7.000 tàu cá “3 không”. Đây chính là một trong những “điểm nghẽn” mà Đoàn Kiểm tra của Ủy ban Châu Âu đã chỉ ra và đề nghị sớm khắc phục tiến tới gỡ thẻ vàng.
Ngày 04/11/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công điện về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Theo Công điện của Thủ tướng, tàu cá “3 không” chính là một trong những điểm nghẽn mà Ủy ban Châu ÂU khuyến cáo tháo gỡ nếu muốn gỡ thẻ vàng.
Sau gần 7 năm nỗ lực cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã có nhiều Chỉ thị, Nghị định, Thông tư được ban hành với những quy định nghiêm ngặt hướng tới gỡ thẻ vàng IUU, xây dựng một nghề cá bền vững và hội nhập.
Loạt bài: "Vì một nghề cá bền vững và hội nhập"
Bài 1: Tháo gỡ điểm nghẽn "tàu cá 3 không"
Bài 2: Số hóa và cấu trúc lại nghề cá
Từ khóa: điểm nghẽn, tàu cá, điểm nghẽn, 3 không,IUU, Ủy ban Châu Âu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thành long/vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN