Tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển du lịch miền núi Khánh Hòa
Cập nhật: 13/11/2024
VOV.VN - Hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Thế nhưng, 2 địa phương này đang là "vùng trũng" trên bản đồ du lịch tỉnh Khánh Hòa. Phát triển tích hợp du lịch với nông nghiệp nhằm tiêu thụ nông sản, góp phần thay đổi diện mạo miến núi là vấn đề đang được đặt ra cấp thiết.
2 huyện miền núi tỉnh Khánh Hòa có tổng diện tích hơn 1.500 km2, giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Đây là vùng núi cao, có khí hậu mát mẻ cũng là nơi có văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc các dân tộc thiểu số. Cả hai địa phương Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đều sở hữu tài nguyên rừng phong phú, môi trường sinh thái rừng đa dạng, địa hình đồi núi và hệ sông suối, thác còn nguyên sơ, có sức hấp dẫn đối với du khách. Nơi đây có nhiều loài trái cây thơm ngon như sầu riêng, mít nghệ, chôm chôm, măng cụt...
Tuy vậy, phát triển du lịch trong những năm qua tại 2 địa phương này gặp nhiều khó khăn, chủ yếu đón khách tham quan trong tỉnh, với mức chi tiêu thấp khoảng 500 ngàn đến 1 triệu đồng/người. Khách chủ yếu đi về trong ngày, chi tiêu vào ăn uống, vận chuyển. Các chuyên gia du lịch cho rằng, miền núi Khánh Hòa đang có nhiều điểm nghẽn như thiếu các sản phẩm đặc thù trải nghiệm, thiếu phối hợp của các doanh nghiệp lữ hành, quảng bá du lịch còn hạn chế.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Chí Công, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Nha Trang cho biết, 20 năm qua, tỉnh Khánh Hòa chủ yếu chăm lo du lịch biển, đảo còn du lịch miền núi chưa được quan tâm, phát triển đúng tầm: "Nhiều khi làm các chính sách, chúng ta đã lãng quên câu chuyện cân bằng trong phát triển sản phẩm du lịch. Khai thác được sản phẩm vừa du lịch biển, đảo, vừa du lịch miền núi, gắn với các điều kiện thiên nhiên về văn hóa bản địa, đó là tiềm năng của du lịch Khánh Hòa. Vì vậy, cần có định hướng dịch chuyển trong thời gian tới. Muốn khách du lịch có thời gian lưu trú dài hơn, ngoài du lịch biển, đảo cần kết hợp du lịch miền núi nữa để tương hỗ. Chính nhiều trải nghiệm thú vị như vậy, giúp thời gian lưu trú của du khách kéo dài, du lịch sẽ phát triển bền vững hơn".
Khó khăn đối với miền núi tỉnh Khánh Hòa là hạ tầng du lịch còn hạn chế. Huyện Khánh Sơn chỉ có 10 cơ sở lưu trú du lịch với gần 60 phòng nghỉ, một số cửa hàng dịch vụ tập trung ở khu vực trung tâm huyện nhằm phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và số ít khách du lịch. Huyện Khánh Vĩnh cũng trong tình trạng tương tự. Nhìn chung, số lượng và chất lượng hệ thống dịch vụ du lịch hiện nay chưa tạo sức hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Còn về hệ thống giao thông cũng gặp nhiều trở ngại khi phát triển du lịch tại huyện Khánh Sơn. Tỉnh lộ 9 là đường duy nhất kết nối Khánh Sơn với các vùng lân cận hiện còn nhỏ hẹp và khó đi lại. Sắp tới, tuyến đường liên vùng nối huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh được đầu tư sẽ phá thế độc đạo của Tỉnh lộ 9, kết nối với các tuyến đường khác, hình thành mạng lưới giao thông đa dạng, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho rằng, cần phải có chính sách thu hút đầu tư vào hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông để du lịch miền núi phát triển:"Tỉnh Khánh Hòa đang đầu tư đường liên vùng Khánh Vĩnh, Khánh Sơn. Sau này, con đường này được hình thành, giao thông đến Khánh Sơn sẽ dễ dàng hơn. Việc phát triển sản phẩm du lịch huyện Khánh Sơn sẽ dễ dàng. Việc phát triển sản phẩm du lịch Khánh Sơn sẽ tốt hơn. Hạ tầng dịch vụ Khánh Sơn đến nay mới có 60 phòng lưu trú rất ít, cơ sở như nhà hàng, cửa hàng mua sắm cũng đang ít, không đủ phục vụ du khách. Khánh Sơn cũng nên xúc tiến mời các nhà đầu tư đến đầu tư các cơ sở dịch vụ này".
Huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh đang triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Từ các nguồn đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các địa phương này đang xây dựng những mô hình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, đào tạo nhân lực du lịch. Từ đó, tiếp tục tham gia và tổ chức các chương trình phối hợp, xúc tiến đầu tư, kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp du lịch xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc sắc, mang nét đặc trưng của địa phương; nâng cao chất lượng dịch vụ để kích cầu thu hút khách du lịch.
Ông Phan Đình Phùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh định hướng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng tại vùng miền núi gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái:"Trong thời gian tới, cần có nguồn nhân lực đủ kiến thức, kỹ năng phục vụ du khách. Núi rừng, điều kiện tự nhiên hoang sơ chưa có tác động lớn của con người vào môi trường thiên nhiên, đây là lợi thế. Chúng tôi định hướng du lịch miền núi phải gắn với bảo vệ môi trường và phát triển môi trường rừng".
Việc kết nối giữa du lịch và nông nghiệp để tương hỗ, gia tăng giá trị, tăng sức hấp dẫn của điểm đến là vấn đề được đặt ra rất cấp bách. Nếu phát triển được du lịch cộng đồng thì bộ mặt miền núi, tư duy của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ nhanh chóng thay đổi.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngay tại miền Trung đã có nhiều mô hình tích hợp giữa du lịch và nông nghiệp thành công như tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Với số lượng du khách lớn, nhiều nông sản hấp dẫn nên cơ hội hợp tác phát triển du lịch và nông nghiệp rất lớn: “Tư duy kinh tế phải thấm đẩm hơn, phải tích hợp, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Khoan hãy nghĩ tới việc xuất khẩu, thị trường khách du lịch Khánh Hòa là bao nhiêu? Chúng ta cần kích hoạt thị trường này lên. Ngay thị trường nội tỉnh thôi. Bản thân ngành nông nghiệp phục vụ du lịch, tỉnh Khánh Hòa đã đủ dư địa phát triển. Bây giờ, nông nghiệp phải gắn với du lịch, không cần đi tìm kiếm thị trường, bởi đã có khách tới đây rồi. Bây giờ phải làm sao kết nối được”.
Từ khóa: Khánh Hòa, miền núi,Khánh Sơn ,Khánh Vĩnh,du lịch
Thể loại: Xã hội
Tác giả: thái bình/vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN