Thanh tra viên tuyên thệ là không cần thiết
Cập nhật: 25/10/2022
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
VOV.VN - Có ý kiến đề xuất bổ sung quy định về thủ tục tuyên thệ của Thanh tra viên, song cơ quan giải trình, tiếp thu dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) cho rằng không nên quy định.
Nội dung này được đề cập khi Quốc hội thảo luận dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) sáng 25/10, tại Kỳ họp thứ 4.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến đại biểu cần có quy định cụ thể ngạch, điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Thanh tra viên, thống nhất quy trình bổ nhiệm, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết (khoản 4 Điều 36).
Đối với đề nghị bổ sung quy định về thủ tục tuyên thệ của Thanh tra viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội chỉ có 4 chức danh phải tuyên thệ sau khi được bầu, gồm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Do đó, đề nghị không quy định về thủ tục tuyên thệ của Thanh tra viên.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nói rằng quy định tuyên thệ với đối tượng trên là không cần thiết, “không mang tính chất tuyên thệ có khi lại phản tác dụng”.
Cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cũng cho biết, quy định tiêu chuẩn Thanh tra viên phải có ít nhất 2 năm làm công tác thanh tra là quy định của Luật Thanh tra hiện hành, quá trình thực hiện cho thấy phù hợp; do đó, đề nghị Quốc hội cho kế thừa quy định này trong dự thảo Luật.
Về các đối tượng khác, tiếp thu ý kiến của đại biểu, xin được chỉnh lý lại để làm rõ cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác từ 5 năm trở lên thì cũng được bổ nhiệm làm Thanh tra viên.
Tránh “tuỳ nghi” thành lập thanh tra sở
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) bày tỏ tán thành việc duy trì hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành, trong đó giữ tổ chức Thanh tra huyện. Điều này sẽ đảm bảo phù hợp với thực tế và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ mà thanh tra huyện được giao ở các luật.
Bà Minh Tâm cũng đồng tình phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở ở các sở còn lại căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao, tuy nhiên cần cân nhắc về các trường hợp được thành lập. Tuy nhiên, bà lưu ý “nên chăng cần quy định ngay trong luật tiêu chí, điều kiện thành lập để thống nhất chung toàn quốc, tránh dẫn đến tuỳ nghi, mỗi địa phương có mô hình khác nhau”.
Cơ quan tiếp thu, giải trình dự án luật cho biết, để đáp ứng yêu cầu quản lý thì một số cơ quan thuộc Chính phủ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) và cơ quan khác của Nhà nước (Ban Cơ yếu Chính phủ) đã được luật giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Do đó, dự thảo Luật chỉ quy định việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành ở cơ quan thuộc Chính phủ khi đáp ứng đủ 2 điều kiện: được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước và được luật giao nhiệm vụ thanh tra.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng dự thảo chưa đề cập cụ thể các trường hợp nêu trên và cũng chưa làm rõ với cơ quan có tổ chức ngành dọc thì việc thành lập cơ quan thanh tra có cả ở địa phương hay chỉ ở trung ương.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cũng đồng tình tục giữ Thanh tra huyện như hiện hành với nhận định những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà là do chưa được quan tâm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Việc không duy trì Thanh tra huyện tuy giảm được số lượng lớn cơ quan, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các địa bàn cấp huyện.
Liên quan đến thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, ông Phạm Văn Hoà đánh giá là cần thiết, song không nhất thiết nơi nào cũng có tổ chức thanh tra mà phải có tiêu chí, nguyên tắc cụ thể.
Tương tự, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng lưu ý không phải cơ quan trực thuộc Chính phủ nào hay sở nào ở địa phương cũng cần lập cơ quan thanh tra mà mà tuỳ tính chất, nhiệm vụ và biên chế mỗi tỉnh để UBND quyết định.
Từ khóa: Luật thanh tra sửa đổi, chức danh tuyên thệ, bổ nhiệm thanh tra viên, thành lập thanh tra sở, thanh tra tổng cục, Quốc hội thảo luận Luật Thanh tra
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN