Thành phố thông minh cần người dân và chính quyền “thông minh”

Cập nhật: 22/10/2019

VOV.VN - Thành phố thông minh không chỉ cần nền tảng cơ sở hạ tầng mà cần sự phối hợp, tương tác tốt của người dân, doanh nghiệp với chính quyền.

TP HCM đang lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân về xây dựng thành phố ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, chất lượng sống ngày càng tốt hơn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia rất quan tâm đến Đề án xây dựng TP HCM trở thành thành phố thông minh.

Thành phố thông minh là mọi hoạt động của thành phố đều áp dụng công nghệ thông tin. Ví dụ như Chính phủ điện tử, hệ thống giao thông thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong chống ngập, nộp thuế, hải quan, giám sát môi trường và quản lý rác thải… đều là một phần của thành phố thông minh.

Tất cả việc đó đều áp dụng công nghệ thông tin trên cơ sở hạ tầng cứng của thành phố. Nó góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hiệu quả điều hành, quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước…

thanh pho thong minh van hanh hieu qua thi phai co quy hoach tong the hinh 1
Doanh nghiệp, chính quyền và mọi người dân phải cùng kết nối, vận hành trên một hạ tầng thông minh.

Theo một số doanh nghiệp và chuyên gia, để thành phố thông minh vận hành hiệu quả thì phải có quy hoạch tổng thể đến chi tiết từ thiết lập đến vận hành ứng dụng công nghệ thông tin. Tức là cả doanh nghiệp, chính quyền và mọi người dân phải cùng kết nối, vận hành trên một hạ tầng thông minh.

Theo một số doanh nghiệp, để thực hiện đề án này hiệu quả thì thành phố cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp nắm rõ, tương tác tốt. Thành phố cần có khảo sát, đánh giá hiện trạng công nghệ của các doanh nghiệp để có sự kết nối phù hợp, hiệu quả.

Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Thái Sơn kiến nghị, để áp dụng thành phố thông minh hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố phải khảo sát trong bộ phận công nghệ của các doanh nghiệp xemdoanh nghiệp “vướng” những gì mà đang phải xử lý cơ học nhiều.

“Cộng đồng doanh nghiệp phải song song áp dụng công nghệ với thành phố, vì khi thành phố áp dụng công nghệ vào quản trị, điều hành mà doanh nghiệp không áp dụng thì cũng như không”, ông Việt Anh đề xuất.

Xây dựng thành phố thông minh là phải ứng dụng công nghệ thông tin, khi đó thành phố cần có phần mềm và phần cứng để vận hành tốt hệ thống này. Theo một số chuyên gia lĩnh vực công nghệ thông tin thì thành phố cần phát triển vi mạch và có phần cứng riêng này cho việc phát triển thành phố thông minh.

Hiện nay, TP HCM đã có chương trình phát triển công nghiệp vi mạch, chương trình này đã được nâng lên thành Chương trình của Quốc gia, đây là điều kiện thuận lợi của thành phố. Vì vậy, thời gian tới thành phố nên tập trung phát triển chương trình này mạnh mẽ hơn để ứng dung vi mạch vào mọi hoạt động của thành phố.

GS.TS Đặng Lương Mô, Đại học Tokyo, Cố vấn Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, về mặt thiết kế phần mềm TP HCM đã có đủ kinh nghiệm, nhưng về chế tạo vi mạch thì vẫn chưa có kinh nghiệm vì nó đòi hỏi đầu tư rất lớn.

“TP HCM vẫn có thể làm vi mạch nhưng không cần chế tạo vi mạch cạnh tranh với các nước đứng đầu thế giới. Thành phố có thể chế tạo vi mạch cho phần dùng riêng cho chương trình của thành phố, đây là một hướng mà thời gian tới thành phố cần và nên làm”, GS.TS Đặng Lương Mô nêu quan điểm.

Bên cạnh việc phát triển phần cứng riêng cho hạ tầng công nghệ thông tin của thành phố thông minh, việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung của thành phố sẽ là rất quan trọng.Kho dữ liệu này cần phải đủ lớn và kết nối giữa các cơ quan chức năng của thành phố sẽ giải quyết được sự rời rạc, thiếu liên thông giữa các cơ quan chức năng hiện nay.

Mặt khác, kho dữ liệu này sẽ giải quyết được những khó khăn của người dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính, liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, phải đi nhiều nơi, nhất là các thủ tục nhà đất, cấp phép xây dựng, các thủ tục tư pháp… nên đây cũng là chìa khóa để xây dựng chính quyền số.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực lưu ý, vấn đề quan trọng nhất trong việc xây dựng thành phố thông minh là phải có cơ sở dữ liệu tốt của người dân, doanh nghiệp, từ đó mới có thể kết nối với nhau, giống như một số thành phố thông minh khác trên thế giới đã làm.

Để xây dựng TP HCM trở thành thành phố thông minh và hoạt động hiệu quả, không chỉ cầnnền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt, có kho dữ liệu đầy đủ, sự kết nối, vận hành thuận lợi mà cần sự phối hợp, tương tác tốt của người dân, doanh nghiệp với chính quyền thành phố. Vì vậy, khi xây dựng thành phố thông minh thì cũng cần đào tạo người dân và chính quyền đều “thông minh”, hiện đại để vận hành và tương tác tốt./.

Từ khóa: thành phố thông minh, hạ tầng, kết nối thông tin, điều hành giám sát, vận hành thành phố thông minh

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập