Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk): Nâng cao năng lực cho các lớp truyền dạy đánh chiêng
Cập nhật: 19/10/2020
Phụ nữ tiên phong trong phát triển kinh tế xanh (28/11/2024)
Loạt bài: Vững vàng trước thiên tai - Bài 2: Cùng nông dân gieo mầm (4/10/2024)
(VOV5) -Nhờ công tác bồi dưỡng, đến nay thành phố Buôn Ma Thuột đã hình thành được nhiều đội chiêng trẻ.
Trong 2 năm qua, trung tâm Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng truyền dạy và nâng cao năng lực đánh cồng chiêng cho các nghệ nhân. Từ các lớp này, các nghệ nhân đã có thêm những kỹ năng cần thiết trong quá trình đứng lớp, cải thiện chất lượng các lớp truyền dạy đánh chiêng cho thanh thiếu niên ở địa phương ngày càng tốt hơn. Qua đó, góp phần đào tạo nên những đội chiêng trẻ trong buôn làng, gìn giữ nhịp chiêng của dân tộc.
Nhờ công tác bồi dưỡng, đến nay thành phố Buôn Ma Thuột đã hình thành được nhiều đội chiêng trẻ |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Em Hoàng Bảo Long Niê, Buôn K’Bu, xã Hòa Khánh cho biết, các em được nghệ nhân truyền đạt rất tận tình, cộng với niềm yêu thích sẵn có nên việc học đánh chiêng trở nên dễ dàng hơn. "Con rất vui khi thấy các bạn đánh cồng chiêng, con cũng thích đánh cồng chiêng. Giống các bạn đánh thì con cũng đánh theo. Con đã đánh được 2 bài rồi, nghệ nhân dạy cho con đánh theo nhịp cốc cốc, không khó, rất là dễ" - em nói.
Lớp học đánh chiêng được mở từ giữa hè năm nay tại buôn K’Bu có 30 thanh thiếu niên ở các buôn trong xã Hòa Khánh theo học, trong đó có khoảng 10 học viên nữ. Do học trong hè nên thời gian học rất linh động, các em vừa có thể học lý thuyết vừa trực tiếp thực hành mỗi ngày. Mặc dù mới làm quen nhưng các em rất hào hứng với việc học đánh chiêng.
Đội chiêng trẻ xã Hòa Xuân (thành phố Buôn Ma Thuột) biểu diễn trong lễ khai giảng năm học mới chỉ sau 10 ngày luyện tập |
Em Lò Thị Thùy Dung K Buôr, Buôn K’Bu, xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ: "Năm nay con mới biết được học cồng chiêng nên khi được chọn đi học thì con rất vui. Con rất thích học chiêng, nghe tiếng cồng chiêng rất hay. Con đánh vài cái cũng đúng nên bác chọn con luôn".
Nghệ nhân Y Klêc K’đoh trực tiếp truyền dạy tại lớp học đánh chiêng buôn K’Bu chia sẻ, để chuẩn bị cho việc đứng lớp, trước đó ông đã được tham gia lớp tập huấn bồi dưỡng về kỹ năng truyền dạy. Dù còn những hạn chế khi áp dụng thực tế nhưng càng về sau, việc truyền dạy của ông đã dần trở nên dễ dàng hơn, các học viên tiếp thu tốt hơn. Cùng với đó, lãnh đạo và chính quyền địa phương cũng tích cực quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ phương tiện để lớp học diễn ra đều đặn, nhất là sau khi hết giãn cách xã hội.
Nghệ nhân Y Klêc K’đoh tâm sự: "Chúng tôi đã học lớp kỹ năng về truyền dạy đánh chiêng dân tộc Êđê, may mắn bây giờ được sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước để truyền lại cho các cháu sau này tiếp tục hướng về tiếng cồng chiêng của người Êđê. Cho nên chúng tôi đã học được bao nhiêu thời thì cũng sẽ hết sức truyền dạy lại cho các cháu đạt được kết quả tốt".
Theo bà Phạm Thị Hải Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Buôn Ma Thuột, trong nhiều năm qua, Trung tâm Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Buôn Ma Thuột thường xuyên tổ chức lớp truyền dạy đánh chiêng cho thanh thiếu nhi. Riêng trong dịp hè năm 2020 này, có 3 lớp truyền dạy được tổ chức tại xã Ea Kao, Hòa Khánh và Hòa xuân. Nhờ đó, thành phố Buôn Ma Thuột đã dần hình thành nên các đội chiêng trẻ đến từ các thôn, buôn, sẵn sàng tham gia các hoạt động giao lưu cồng chiêng được tổ chức.
Thành phố Buôn Ma Thuột đã mở nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực truyền dạy cho nghệ nhân |
Nhằm cải thiện và tạo sự chủ động nguồn nghệ nhân có sẵn trong buôn làng, trong 2 năm qua, Trung tâm Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Buôn Ma Thuột đã tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực đánh chiêng, phương pháp truyền dạy đánh chiêng cho các nghệ nhân đứng lớp để về phục vụ việc truyền dạy cồng chiêng tại các buôn làng.
"Trong tháng 6/2020 vừa rồi thì chúng tôi đã mở một lớp truyền dạy đánh chiêng cho 12 nghệ nhân, trong đó có 8 nghệ nhân của xã Ea Kao và 4 nghệ nhân của xã Hòa Khánh. Để phát huy được những kiến thức mà các nghệ nhân đã được học trong thời gian vừa rồi thì trên cơ sở mà các nghệ nhân được đi học về truyền dạy lại các kiến thức, các kinh nghiệm đã được học cho con em mình ở trong buôn" - bà Bình nói.
Từ các lớp bồi dưỡng này, nhiều nghệ nhân đã được tiếp cận với các kỹ năng sư phạm, khả năng truyền đạt, hướng dẫn được đầy đủ và bài bản hơn. Qua đó họ sẽ thuận lợi hơn trong quá trình đứng lớp, truyền dạy lại cho các học viên. Đây được kỳ vọng sẽ là đội ngũ nòng cốt trong quá trình truyền dạy tại các buôn, góp phần tích cực vào việc gìn giữ các bài bản chiêng cũng như khơi dậy, tiếp lửa cho thế hệ trẻ trong buôn làng tiếp tục gìn giữ và phát huy nhịp cồng chiêng của cộng đồng, dân tộc mình.
Từ khóa:
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5