Thanh Hoá: DN và người dân nỗ lực tìm tiếng nói chung trong xả nước thải đạt chuẩn đã qua xử lý

Cập nhật: 23/08/2024

VOV.VN - Tình trạng mùi hôi phát sinh trong không khí xảy ra tại Trang trại bò sữa, thuộc Công ty TNHH 2 thành viên Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (có địa chỉ tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa).

 

Vấn đề này xảy ra, một phần do người dân địa phương chưa đồng thuận khiến dự án không thể xả nước thải đạt tiêu chuẩn ra khu vực được cấp phép, đặt doanh nghiệp vào tình thế khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và hiện hữu nguy cơ lớn với môi trường xung quanh.

Gần 2 tuần sau khi VOV phản ánh, chúng tôi trở lại khu vực trang trại, mùibốc ra từ đây vẫn không thuyên giảm. Chính quyền địa phương cho rằng, rất khó để xử lý mùi vì trang trại rất gần khu dân cư, thêm nữa là doanh nghiệp vẫn chưa thể xả thải dù nước thải đạt tiêu chuẩn cột B - theo QCVN 62-MT:2016/BTNMT – Quy chuẩn quốc gia về nước thải chăn nuôi, đủ điều kiện xả thải ra môi trường. Tình trạng này diễn ra do người dân phản đối, ngăn cấm doanh nghiệp xả thải, và việc này không biết sẽ kéo dài đến bao giờ.

 2 lần phải điều chỉnh vị trí điểm xả nước thải đã qua xử lý và đạt chuẩn

Đến thời điểm hiện tại, dự án đã xin điều chỉnh điểm xả thải 2 lần, do gặp phản đối từ người dân. Đầu tiên, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt tại Quyết định 1611/QĐ-UBND ngày 3/5/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa, điểm xả thải của dự án được đặt tại hồ Vũng Lùng.

Tuy nhiên, khi giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả thải từ trang trại đến hồ Vũng Lùng, đi qua một số hộ dân của xã Yên Mỹ, người dân yêu cầu công ty chuyển vị trí xả thải. Sau đó, doanh nghiệp đã họp bàn nhiều lần và trình UBND tỉnh cho thay đổi vị trí xả thải sang điểm mới. Vị trí xả thải mới nằm cách chân đập Khe Tre (thuộc xã Yên Mỹ) 50m (theo văn bản số 204/UBND-NN của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 06/1/2022 và giấy phép môi trường 166/GP-UBND).

Trong quá trình thi công điểm xả này, một lần nữa, công ty tiếp tục gặp phải phản ứng từ người dân, yêu cầu thay đổi vị trí xả thải. Công ty tiếp tục họp thống nhất với người dân và trình UBND tỉnh điều chỉnh điểm xả tới vị trí số 3 tại cuối thôn Tân Xuân, đầu thôn Tân Tiến, xã Yên Lạc, huyện Như Thanh (theo văn bản số 10030/UBND-NN ngày 15/07/2024).

Việc người dân nhiều lần yêu cầu điều chỉnh vị trí điểm xả nước thải đã qua xử lý đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án.

 

Một vấn đề đáng quan tâm khác là chất lượng nguồn nước xả thải từ trang trại có đảm bảo vệ sinh? Theo quan sát, trang trại bò sữa nằm trọn trên đồi cao, vì vậy nước mặt tự nhiên  sẽ chảy xuống khu dân cư. Khi lượng mưa quá lớn, hệ thống thoát nước (nước mặt tự nhiên) chưa đảm bảo thì sẽ gây tràn, có ảnh hưởng đến đời sống người dân. 

Được biết, trước đây khi chưa có trang trại bò sữa, mỗi khi có mưa, nước trên khu vực đồi cao thuộc khu vực xây dựng giai đoạn 1 dự án hiện tại chảy ra nhiều phía trong đó có  chảy nhiều  xuống hồ Yên Mỹ, thế nhưng từ khi hình thành trạng trại bò sữa, nước khu vực này không được đổ xuống hồ Yên Mỹ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa mà dồn về phía sau cánh đồng có khu dân cư (vì hồ Yên Mỹ là nơi cung cấp nước sạch cho Khu Kinh tế Nghi Sơn).

Chị Hoàng Thị Sâm, Trưởng thôn Ổn Lâm cho biết: "Năm nay tôi 58 tuổi rồi, trước đây nước mưa không đọng lại, còn nay nước mưa không thoát được nhanh, đọng lại”".

Theo bà Lê Thị Liên (ngụ thôn Ổn Lâm, xã Yên Mỹ), nhà sống gần trang trại, trong cơn mưa lớn cuối tháng 4 vừa qua, gia đình bà có lấy nước tại mương thoát nước mặt của trang trại bò dẫn vào ao thì xuất hiện tình trạng có cá chết.

Đại diện UBND huyện Nông Cống cho biết, sau khi tiếp nhận những kiến nghị, phản ánh của người dân, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã vào cuộc kiểm tra vấn đề môi trường, nguồn nước gây hiện tượng cá chết tại ao cá nhà bà Liên. "Huyện đã mời một đơn vị độc lập lấy 3 mẫu nước mặt, gồm mẫu nước tại hồ lắng thu gom nước mưa từ trang trại; mẫu nước tại ao cá nhà bà Liên và mẫu nước tại mương thoát nước mưa thôn Ổn Lâm. 

Kết quả xét nghiệm cho thấy, nhiều thành phần trong các mẫu nước vượt ngưỡng cho phép. Đáng chú ý là thông số COD, BOD… vượt quy chuẩn theo QCVN 08:2023/BTNMT. Đại diện UBND huyện Nông Cống cho biết, đơn vị đã có yêu cầu trang trại bò sữa Yên Mỹ giải trình kết quả này.

Về vấn đề này, đại diện của trang trại cho biết: “Đối với QCVN 08:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, đây là quy chuẩn cao nhất để đánh giá và phân loại chất lượng môi trường nước mặt làm căn cứ cho việc cho việc bảo vệ, sử dụng nguồn nước. Nên đây không phải là cơ sở để đánh giá chất lượng nước bị ô nhiễm. Trong khi đó, mẫu nước được lấy từ hố lắng của hệ thống thoát nước mưa là vị trí lắng, nước mưa tồn đọng cục bộ, có thể chứa cả một số thành phần hữu cơ lắng đọng và bị phân hủy nên khi so sánh với quy chuẩn mức A - QCVN 08:2023/BTNMT dành cho nước mặt ao hồ sẽ không chính xác”.

Ngày 16/8, phóng viên VOV đã làm việc với Sở TNMT Thanh Hóa, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về vấn đề môi trường. Đơn vị này cho biết, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thanh Hoá cũng đã có đoàn về kiểm tra, lấy mẫu tại trang trại bò sữa Yên Mỹ.

Khi được hỏi về vấn đề mùi hôi và nguồn nước mặt tại đây, bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Giám đốc Chi cục môi trường tỉnh Thanh Hoá cho biết, đoàn kiểm tra không lấy mẫu nước mặt vì hiện nay nhà máy chưa xả thải; đối với mùi hôi, hiện nay trang trại đã tiến hành quan trắc môi trường không khí định kỳ hàng quý để đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp cần sự phối hợp của người dân và chính quyền

Do không thể xả thải theo đúng quy định của pháp luật nên lượng phân và nước thải tồn lại trong khu vực dự án có thể gây thêm mùi hôi ảnh hưởng tới đời sống người dân. Như vậy, muốn giải quyết vấn đề mùi hôi, thì việc đầu tiên cần phải làm là giải quyết vấn đề xả thải đúng quy định cho doanh nghiệp.

Hiện nay, doanh nghiệp cũng đã thực hiện các giải pháp tích cực để giảm thiểu mùi hôi và bảo vệ môi trường như: Tăng cường trồng cây xanh xung quanh khu vực trang trại, xem xét phương án đầu tư bổ sung màn chắn mùi hôi ra khu vực dân cư. Bên cạnh đó, trang trại phối hợp với UBND xã Yên Mỹ hoàn chỉnh hệ thống mương dẫn nước mưa từ trang trại ra khu vực dân sinh, phòng tránh trường hợp bồi lắng ảnh hưởng đến đất canh tác của nhân dân. Công ty cũng trang bị cho tất cả các hộ dân có nhà ở thấp hơn đường tấm chắn nước ở ngoài cổng để ngăn nước tràn vào cổng trong trường hợp mưa lớn kéo dài, rất hiệu quả. Bổ sung chế phẩm vi sinh vào thức ăn ủ chua, phun vào nền chuồng để ngăn mùi, che phủ hố ủ chua bằng bạt nilon, vệ sinh hố ga thu gom nước bề mặt tại trang trại sau mỗi đợt mưa.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, chính quyền huyện Như Thanh và huyện Nông Cống đã cấp phép về nước thải và hệ thống xả thải cho công ty, sau khi xác nhận công ty  xem xét  đã đạt đầy đủ các quy chuẩn. .

Công ty mong muốn phối hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền tới người dân, giúp người dân hiểu một cách đúng đắn về việc  nước thải chăn nuôi sau xử lý đã đạt chuẩn, đồng thời có các biện pháp mạnh mẽ hơn giúp nối lại việc xả thải hợp pháp, tránh các rủi ro cho môi trường và đời sống của người dân quanh khu vực dự án.

Từ khóa: trại bò, Thanh Hóa, trại bò Yên Mũ, Nông Cống,ô nhiễm nguồn nước, bốc mùi

Thể loại: Xã hội

Tác giả: pv/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập