Thanh Hoá dẫn đầu cả nước về số đơn vị hành chính sáp nhập
Cập nhật: 19/08/2024
Thủ tướng dự và phát biểu tại Tọa đàm “Hướng tới Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD 16"
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO)
VOV.VN - Thanh Hóa là địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn nhiều nhất cả nước. Địa phương này đã hoàn thành việc sáp nhập 143 xã thành 67 xã (giảm 76 xã). Thanh Hoá đã làm gì để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, cán bộ, đảng viên, và hơn cả là mang lại hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy hành chính sau sáp nhập.
Theo tìm hiểu của phóng viên thì số đơn vị hành chính cấp xã ở Thanh Hoá ảnh hưởng, chịu tác động từ sáp nhập nhiều hơn cả số đơn vị hành chính cấp xã hiện có của một số tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang… Điều này cho thấy số lượng cán bộ, công chức bị ảnh hưởng từ sáp nhập rất lớn. Thế nhưng, những người trực tiếp chịu tác động như ông Lê Văn Sỹ, ông Nguyễn Lê Phong, ở xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống đều nhận thức được tinh thần, trách nhiệm của mình, để đi đến lợi ích lớn, đó là lợi ích của nhân dân, đất nước.
"Sau khi sáp nhập lại và kiêm thêm thì rõ ràng phải sắp xếp lại lịch thời gian và phối hợp với công việc mới nữa, với bộ phận khác nữa thì mình phải bố trí thời gian cho nó hợp lý để làm việc có hiệu quả".
"Trước đây là công việc của 6 người làm nhưng bây giờ dồn lại có 3 người, trong địa bàn người thì đông, nhưng mà mức độ phụ cấp chưa đầy 1,8 triệu đồng/tháng với mức lương hiện nay và nếu cả Bí thư chi bộ thì cũng chưa đầy 3 triệu đồng/tháng. Thứ hai nữa là về đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội không có gì cả".
Đối với cấp xã, trước đây là 18 người thực hiện cho 18 chức danh, sau sáp nhập giảm xuống 10 người thực hiện 18 vị trí việc làm. Thanh Hóa được Trung ương ghi nhận, đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu của cả nước trong thực hiện sáp nhập, tinh giản bộ máy. Đến nay, toàn tỉnh đã giảm từ 5.971 thôn, tổ dân phố xuống còn 4.393 thôn, tổ dân phố (giảm 1.578 thôn, tổ dân phố); hoàn thành việc sáp nhập 143 xã thành 67 xã (giảm 76 xã); tiến hành sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, truyền thanh - truyền hình, giảm từ 64 đầu mối xuống còn 27 đầu mối (giảm 37 đầu mối). Tiến hành sắp xếp lại các phòng và tương đương trực thuộc các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy từ 32 đầu mối xuống còn 25 đầu mối...
Thế nhưng, cái được với Thanh Hoá không đơn thuần là con số, mà đó còn là sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, ngay từ đầu Thanh Hoá làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân; trong quá trình triển khai, thực hiện phải đảm bảo công khai, minh bạch; khi ban hành văn bản hướng dẫn phải rõ ràng, cụ thể, đặc biệt là xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn để bố trí cán bộ, nhất là xây dựng người đứng đầu phải bằng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể.
"Khi sắp xếp theo tiêu chí, tiêu chuẩn, khi đối chiếu là mình biết, chứ không có chuyện lựa chọn không có tiêu chí, từ bằng cấp, chuyên môn, năng lực lãnh đạo; kết quả khi 3 xã sáp nhập lại chọn 1 người đứng đầu thì 3 xã đấy, 3 đồng chí đấy ở địa phương đấy có đưa được phong trào lên không thì phải bằng sản phẩm, hiệu quả và được cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá để chọn bố trí người đứng đầu. Có như vậy mới bảo đảm tính công bằng và khách quan, minh bạch trong công tác bố trí cán bộ. Từ đó cán bộ dôi dư thì chúng ta vận động, hỗ trợ chính sách để chuyển đổi công việc, giảm được bộ máy cán bộ công chức".
Thanh Hoá chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, từ xây dựng vị trí việc làm, quản lý công việc đầu vào, giám sát sản phẩm công việc đầu ra phải đảm bảo được hiệu quả, chất lượng. Việc sáp nhập, tinh giản cũng đã giúp Thanh Hoá tiết kiệm hằng trăm tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng, Thanh Hoá cũng như các địa phương khác không tránh khỏi những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình giải quyết sau sáp nhập.
Ông Lê Xuân Hùng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy huyện Nông Cống cho rằng: "Bên cạnh những kết quả đạt được thì khó khăn chung là đội ngũ cán bộ giảm, địa bàn rộng, mà chế độ cán bộ, đặc biệt cán bộ thôn làng, cán bộ bán chuyên trách thì chưa đáp ứng được nhu cầu, mức thu nhập của họ còn rất thấp. Cái thiết chế văn hóa của một số thôn, làng, sau khi sáp nhập lại vừa thừa, vừa thiếu, có những đơn vị là dư nhà văn hóa, nhưng mà lại không nằm ở vị trí trung tâm để tổ chức các hoạt động của địa phương, cũng là những cái khó khăn cho việc chỉ đạo hoạt động của các đơn vị".
Một vấn đề nữa là tình trạng cơ sở vật chất, trụ sở làm việc thừa-thiếu cục bộ, nhiều năm chưa giải quyết được, gây lãng phí tiền của nhà nước, đây là tình trạng chung ở các địa phương, không riêng gì Thanh Hoá. Đặc biệt là việc quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả tài sản công dôi dư trên địa bàn. Báo cáo của Sở Tài chính Thanh Hoá cho biết, số lượng tài sản công dôi dư là 537 cơ sở. Dù đã được phê duyệt phương án sắp xếp nhưng việc thực hiện phương án còn chậm, vướng mắc, kéo dài, dẫn đến tài sản không được sử dụng, bảo dưỡng, xuống cấp, gây lãng phí.
Tại phiên họp HĐND tỉnh Thanh Hoá mới đây, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hoá cho rằng, việc giải quyết, sắp xếp tài sản dôi dư gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thủ tục pháp lý: "Việc chậm này trách nhiệm ngoài cơ quan Thường trực ra có các đơn vị liên quan, đặc biệt là các đơn vị có tài sản dôi dư. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp để làm triệt để nội dung này. Tuy nhiên, việc xử lý một tài sản liên quan đến rất nhiều khâu, kế hoạch quản lý sử dụng đất và nhiều kế hoạch xây dựng khác, khi sắp xếp thì phải cần phải có phương án, cho nên nó cũng gây nên tình trạng chậm và đặc biệt chúng tôi không phủ nhận có sự chậm trễ của chính cơ quan thường trực".
Giai đoạn 2023-2025 dự kiến tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện sắp xếp 153 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố. Đáng chú ý là sẽ sáp nhập huyện Đông Sơn vào Thành phố Thanh Hoá. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng với kinh nghiệm, sự chuẩn chu đáo, Thanh Hoá tiếp tục thể hiện vai trò là tỉnh dẫn đầu cả nước về kết quả, hiệu quả sau sáp nhập.
Từ khóa: Thanh Hóa, Thanh Hóa,Thanh Hoá dẫn đầu về số đơn vị hành chính sáp nhập,đơn vị hành chính, sáp nhập đơn vị hành chính
Thể loại: Nội chính
Tác giả: sỹ đức/vov1
Nguồn tin: VOVVN