“Thần tốc” phát triển năng lượng tái tạo đặt ra nhiều thách thức
Cập nhật: 25/09/2019
“Cơn sốt” Bitcoin chưa dừng lại, các nhà đầu tư chờ đợi quyết định của FED
Meey Map Ver 3.0: Thêm nhiều tính năng mới cho từng nhóm khách hàng chuyên biệt
VOV.VN - Nguồn năng lượng tạo cần sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, nguồn nhân lực, việc làm và nguồn tài chính...
Chỉ tính trong vòng 1 năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo. Với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành (5.000 MW), Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, quá trình phát triển “thần tốc” này cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, nguồn nhân lực/việc làm và nguồn tài chính… Để Việt Nam có thể vượt qua những thách thức này, rất cần sự chung tay, ủng hộ và nỗ lực hành động của các bên từ các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chính quyền và cộng đồng địa phương đến các tổ chức phát triển hay khối tài chính, ngân hàng.
Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) |
Đặt vấn đề về khả năng cung ứng của nguồn năng lượng tái tạo cũng như cơ cấu của nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, việc phát triển năng lượng mặt trời trong 1 năm vừa qua đã nâng công suất lên được gần 5.000 MW là con số rất lớn so với sự phát triển năng lượng chung của thế giới.
Đặc biệt, thời gian này Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách về phát triển năng lượng tái tạo, chiến lược này vừa tận dụng được tiềm năng trong nước, vừa thừa hưởng được thành tựu phát triển của khoa học công nghệ thế giới. Chính sách giá mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo (FIT) được áp dụng cho đến tháng 6/2019 và đang được xây dựng tiếp cơ chế giá này cho một vài năm nữa.
“Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều nhận định, nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam chiếm khoảng 10-15% công suất của hệ thống điện quốc gia. Nhiều quốc gia khác do có những đặc điểm khác nhau nên tỷ lệ năng lượng tái tạo còn có thể chiếm đến 30%, thậm chí phấn đấu đến 60 -70% tổng năng lượng của một quốc gia. Với Việt Nam, đến 2025, tổng công suất hệ thống điện khoảng gần 100.000 MW, thì năng lượng tái tạo khoảng 15.000 MW là vừa", ông Đỗ Đức Quân cho biết.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) - Cơ quan điều phối VSEA nhận định: Là quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo đa dạng và dồi dào, Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích khi chuyển dịch sớm sang phát triển năng lượng sạch.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) |
Hơn nữa, việc ưu tiên sử dụng năng lượng hiệu quả và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm, bảo vệ khí hậu, sức khỏe cộng đồng, tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo, tạo cơ hội thu hút đầu tư và tạo việc làm cho các địa phương phát triển kinh tế, thúc đẩy sự tham gia và sáng tạo của người dân, doanh nghiệp tư nhân vào thị trường năng lượng sạch.
Nghiên cứu khả năng ứng dụng thiết bị tích trữ năng lượng
Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để thúc đẩy sản xuất và thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ trong thời gian 2 năm, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia tăng nhanh từ không đáng kể lên hơn 9% với 2 nguồn chủ yếu là điện gió và điện mặt trời.
Ông Lê Hải Đăng, Trưởng Ban Chiến lược, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, với đặc thù năng lượng của Việt Nam hiện nay, 50% điện sử dụng do điện than đảm nhận. Trong các tháng đầu năm 2019, nguồn mặt trời đã bổ sung tốt cho cung cấp điện. Công suất tối đa ghi nhận 3.519MW, sản lượng phát 25-26 triệu kWh, tương đương 1 nhà máy điện than 1.200MW như Vĩnh Tân 1, 2, Duyên Hải 1.
Tuy nhiên, ông Đăng cũng cho rằng, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần phải có các giải pháp, tính toán, xác định giới hạn công suất truyền tải trên đường dây 500kV Bắc Nam; bổ sung thêm các hệ thống bảo vệ đặc biệt (sa thải phụ tải theo điện áp, theo giới hạn ổn định). Đồng thời, nghiên cứu khả năng ứng dụng thiết bị tích trữ năng lượng.
“Để đảm bảo cung cấp điện giai đoạn đến 2025, EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương tiếp tục khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo theo cơ chế giá FIT để có thể đưa vào vận hành thêm khoảng 12.700MW điện mặt trời và 7.200MW điện gió trong giai đoạn đến năm 2023. Trong đó, sớm hoàn thiện và ban hành các quy định phát triển năng lượng tái tạo theo hình thức đấu thầu, nhằm tăng cường tính minh bạch và giảm giá mua điện từ các dự án”, ông Đăng nói.
Đề cập đến việc phát triển hệ thống lưu trữ điện gió, điện mặt trời, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Như hiện nay, các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng như ngân hàng lớn đang tập trung đầu tư, nghiên cứu sáng tạo ra hệ thống lưu trữ mới, đảm bảo môi trường. Khi hệ thống lưu trữ điện phát triển, thương mại hoá, giá hành hợp lý… năng lượng tái tạo có tương lai tươi sáng hơn.
Bà Ngụy Thị Khanh đề xuất, để đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng, hài hòa lợi ích của các bên, Việt Nam cần tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin, giải pháp, bài học kinh nghiệm giữa các quốc gia, địa phương và hợp tác cùng hành động tháo gỡ khó khăn, mở đường đưa năng lượng sạch tới từng ngôi nhà Việt./.
Năng lượng tái tạo sẽ dần thay thế các nguồn điện truyền thống
Từ khóa: năng lượng, nguồn điện, truyền tài điện, cung ứng điện, năng lượng tái tạo
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN