Thân thương chiếu cói Kim Sơn

Cập nhật: 18/06/2021

[VOV2] - Làng nghề cói Kim Sơn nằm ngay gần Nhà thờ đá Phát Diệm, Ninh Bình. Trải qua cả trăm năm quai đê lấn biển, người Kim Sơn đã tạo nên những bãi bồi mênh mông để trồng cói và lấy đó làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm cói, đặc biệt là chiếu cói.

Cách Hà Nội chưa đầy 100 cây số, Ninh Bình là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn bởi những danh thắng đẹp cả về cảnh quan và ý nghĩa lịch sử: Nhà thờ Đá Phát Diệm, di tích thờ Triệu Quang Phục, Bãi Ngang - Cồn Nổi, rừng ngập mặn Kim Sơn... Trong đó, làng cói Kim Sơn là một trong những điểm du lịch mới được du khách trong và ngoài nước ưa thích bởi tới đây du khách được tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm những điều thú vị của một làng nghề thủ công truyền thống lâu đời ở Ninh Bình.

Người dân Kim Sơn đã dùng cây cói làm thành nhiều sản phẩm như: Chiếu, thảm, làn, khay, hộp, đĩa, cốc, tách, túi xách, mũ … nhưng chủ yếu vẫn là các loại chiếu như: Chiếu trơn (chiếu không cải hoa); chiếu đàn (chiếu trơn vào loại xấu), chiếu đậu (chiếu màu trắng ngà, làm bằng thứ cói tốt); chiếu hoa (chiếu có cải hoa hoặc in hoa), chiếu gon (chiếu dệt bằng thứ cói thân cao và dài), chiếu liền (chiếu hẹp khổ và dài), chiếu cạp (chiếu mép có viền vải); chiếu lõi; …

Nói đến chiếu cói Kim Sơn là nói tới sự hội tụ những tuyệt kỹ tinh xảo nhất của một chiếc chiếu, từ sự cầu kỳ về nguyên liệu đến việc lên khung dệt. Ngay khi bước chân đến cổng làng, du khách đã nghe thấy thanh âm đặc trưng của làng nghề. Đó là lúc những người thợ thủ công nơi đây đang dệt những chiếc chiếu đẹp về hình thức, tốt về chất lượng và chứa đựng cả tâm tình của mình trong mỗi sản phẩm.

Gia đình đầu tiên chúng tôi ghé thăm là nhà anh Nguyễn Văn Tấn, thợ dệt chiếu có tiếng trong làng. Anh Tấn cho biết, mỗi năm làng cung cấp cho thị trường hàng triệu chiếc chiếu với mẫu mã và chủng loại khác nhau: chiếu đậu, chiếu cạp điều, chiếu cải.... Anh Tấn tự hào khoe: chiếu cói này nổi tiếng ở Việt Nam, nghề dệt này là nghề truyền thống, chiếu được làm bằng nguyên liệu cói tự nhiên, kể cả sợi đay cũng tự nhiên. Ngày xưa anh chị học nhanh lắm, cứ bố mẹ giật thì con văng, cứ học hỏi nhau làm, mà bây giờ cả làng làm như thế.

Theo anh Nguyễn Văn Tấn, mỗi chiếc chiếu được dệt bởi 2 người thợ, một người giật và 1 người văng sợi cói. Chiếu được giật đều thì sẽ bền hơn trong quá trình sử dụng bởi các sợi cói được đan bện rất dày với các sợi đay. Người văng sợi cói cần phải phối hợp nhịp nhàng với thợ giật để đảm bảo việc dệt chiếu hiệu quả nhất. Một cặp thợ giỏi mỗi ngày dệt được từ hai đến ba chiếc chiếu. Chiếu sau khi dệt xong phải đem phơi nắng cho trắng, sau đó mới đem đi in hoa văn và cuối cùng sẽ được đem đi hấp trong lò để đảm bảo chất lượng, màu sắc hoa văn không bị phai.

Trong số các loại chiếu của Kim Sơn, chiếu cải hoa và chiếu đậu là mặt hàng đặc sản. Được anh Tấn giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà anh Vũ Văn Thịnh, người làm chiếu cải giỏi nhất huyện Kim Sơn để tìm hiểu về cách làm loại chiếu đặc biệt này.

Chiếu cải hoa có bố cục đối xứng chặt chẽ đến nghiêm ngặt: cạp điều rộng, đường chỉ thẳng, 4 góc và xung quanh là những hoa văn đẹp. Chiếu chỉ có 2 màu: đỏ tươi và trắng hồng. Màu trắng hồng là màu nền của chiếu, màu đỏ tươi rực rỡ là màu cải hoa, cải chữ, thể hiện ước mơ của con người. 

Dệt chiếu cải là cả một quá trình lao động sáng tạo, vất vả, tỉ mỉ từ khâu chọn cói, phơi cói, nhuộm cói… đặc biệt là khâu dệt cải hoa của chiếu. Để dệt được một chiếc chiếu cải theo yêu cầu của khách hàng, anh Thịnh và những người thợ Kim Sơn phải dành rất nhiều thời gian bởi từng chi tiết, hoa văn trên chiếu đều được người thợ dệt thành hình luôn chứ không phải dệt thô rồi in hình theo khuôn chữ in sẵn. Đó chính là điều đặc biệt của chiếu cải Kim Sơn.

Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là dệt chiếu đậu, đòi hỏi cầu kỳ và tinh xảo hơn. Phải chọn cói kỹ, sao cho đều, trắng ngà, dài thon, tròn tắp, mỗi sợi chỉ nhỉnh hơn cái nan hoa xe đạp. Sợi đay phải săn, nhỏ, mịn. Khi dệt phải làm cho chiếu có múi nổi nho nhỏ, gọi là múi na, trông như một kiểu hoa văn tự nhiên. Chiếu đậu không chỉ bền, mà còn thể hiện nét đẹp nguyên bản của cây cói và tôn thêm sự khéo léo tỉ mỉ của người dân Kim Sơn.

Mời nghe âm thanh tại đây:

Từ khóa: chiếu cói, Kim Sơn, Ninh Bình, làng nghề, thủ công, truyền thống, sản phẩm

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập