Tham vọng hạt nhân không thành của Thụy Điển

Cập nhật: 24/04/2020

VOV.VN - Không phát triển được phương tiện mang, Thụy Điển đã phải ngậm ngùi chôn vùi tham vọng hạt nhân và lịch sử đã chứng minh đó là lựa chọn đúng.

Nguyên tử vì Hòa bình

Sau Thế chiến II, sức mạnh quân sự của Liên Xô ám ảnh nhiều nước châu Âu, thúc đẩy nhiều quốc gia tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân. Giống như các quốc gia khác, với hy vọng rằng vũ khí hạt nhân có thể giúp duy trì tính trung lập cũng như để đảm bảo an ninh trong Chiến tranh Lạnh, Thụy Điển đã quyết định sở hữu vũ khí nguyên tử. Ban đầu, nước này cố gắng để có được kỹ thuật và công nghệ vũ khí hạt nhân từ nước ngoài. Mỹ với tư cách là cường quốc hạt nhân đầu tiên của thế giới và là người bảo đảm an ninh châu Âu, được coi là một đối tác hợp lý.

tham vong hat nhan khong thanh cua thuy dien hinh 1
Vào những năm 1950, Thụy Điển đã chọn dòng máy bay Saab làm phương tiện mang bom hạt nhân; Nguồn: nationalinterest.org

Tuy nhiên, từ những ngày đầu Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã theo đuổi chiến lược thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất điện - ý tưởng “Nguyên tử vì Hòa bình” của Tổng thống Eisenhower, theo đó, vật liệu và bí quyết hạt nhân sẽ chỉ được chuyển giao cho các chính phủ nước ngoài với điều kiện nghiên cứu và phát triển hạt nhân nhằm mục đích hòa bình, không phục vụ nghiên cứu vũ khí.

Thụy Điển đã cự tuyệt chính sách này, trong khi đó, việc mua vũ khí hạt nhân trực tiếp từ Hoa Kỳ cũng là một lựa chọn không hấp dẫn và cũng là không khả thi đối với Thụy Điển. May mắn cho người Thụy Điển, ở nước này có rất nhiều đá phiến chứa Uranium.

Phương tiện mang

Vào giữa những năm 1960, Thụy Điển có đủ vật liệu phân hạch để chế tạo bom hạt nhân trong sáu tháng, tuy nhiên, nước này cần một phương tiện mang vũ khí đáng sợ đó. Một máy bay tấn công hạt nhân chuyên dụng và cũng là một trong những "mảnh ghép còn thiếu" trong chuỗi máy bay Saab của Thụy Điển (trong khoảng từ 35 đến 37 chiếc) là phương án được chọn.

Các yêu cầu đối với máy bay tấn công hạt nhân của Thụy Điển khác với các quốc gia lớn khác do đối thủ tiềm năng nhất (Liên Xô) của quốc gia Bắc Âu này cách đó chưa đầy 500km trên khắp Baltic, trong khi máy bay ném bom của Mỹ sẽ phải bay xa hơn mười lần để tiếp cận mục tiêu - điều thể hiện rõ trong các thiết kế như B-36 và B-52 - có sải cánh, dung tích nhiên liệu, cũng như tải trọng lớn.

Ngoài ra, máy bay ném bom hạt nhân của Thụy Điển sẽ phải có khả năng hoạt động từ các sân bay phân tán, theo học thuyết quân sự của Thụy Điển. Từ các yêu cầu đó, cấu hình máy bay ném bom hạt nhân của Thụy Điển sẽ rất khác biệt so với các đối tác từ Mỹ hoặc Liên Xô, và ngay từ đầu, máy bay ném bom Thụy Điển được dự kiến bay với tốc độ cao - khoảng Mach 2. Nhiều thiết kế với cánh quét hoặc cánh tam giác đã được xem xét nghiên cứu, và thiết kế mang mã số A36 đã được chấm.

tham vong hat nhan khong thanh cua thuy dien hinh 2
Nhiều phương án thiết kế máy bay mang bom hạt nhân đã được cân nhắc để lựa chọn; Nguồn: sturgeonshouse.ipbhost.com

Saab 36 (còn được gọi là Projekt 1300) là máy bay ném bom siêu thanh hai động cơ, được Saab bắt đầu phát triển vào năm 1952, là một phần trong chuỗi dự án 1300 của SAAB. Nó có cánh tam giác như máy bay chiến đấu Saab 35 Draken, tốc độ bay trong phạm vi Mach 2+ (tốc độ tối đa Mach 2,14), trần bay - 18.000m, dài - 17m, cao - 2,5m, sải cánh - 9,6m, diện tích cánh - 54m2, trọng lượng rỗng - 9.000kg, tổng trọng lượng - 15.000kg, bán kính hoạt động - 410km, phi hành đoàn - 1 phi công.

Cũng như các máy bay Thụy Điển khác cùng thời, A36 được dự kiến sử dụng động cơ được chế tạo theo giấy phép của Anh. Trong số các động cơ được xem xét có Havilland Gyron và nhỏ hơn Gyron junior, tuy nhiên, sau đó, người ta đã quyết định trang bị động cơ phản lực Bristol Olympus - cùng loại động cơ cung cấp cho máy bay ném bom Vulcan của Anh. Trước năm 1957, thiết kế của A36 hay Saab 36 (theo chỉ định chính thức của Không quân Thụy Điển) đã gần như hoàn thiện.

Phá sản

Saab 36 đã phải đối mặt với một số hạn chế về thiết kế ảnh hưởng đến khả năng và hiệu quả của nó. Các nhà thiết kế của Tập đoàn Saab tính rằng, nếu vũ khí gắn bên ngoài thân hoặc cánh máy bay sẽ tạo ra lực cản, làm giảm hiệu suất của máy bay phản lực. Tốc độ cao Mach 2+ cũng sẽ tạo ra một lượng nhiệt lớn có thể làm hỏng vũ khí, hoặc thậm chí tệ hơn là khiến chúng bị “nấu chín” hoặc vô tình phát nổ.

tham vong hat nhan khong thanh cua thuy dien hinh 3
Saab 36 (A36) là phương án đạt đến giai đoạn thử nghiệm hầm gió; Nguồn: wikipedia.org

Vì vậy, bom hạt nhân 800kg, rơi tự do sẽ phải được lưu giữ bên trong một khoang vũ khí kín, cách ly nhiệt độ cao nguy hiểm - điều giúp giảm lực cản, cải thiện hiệu suất, nhưng cũng sẽ hạn chế tải trọng, giảm khối lượng nhiên liệu dự trữ cũng như không gian cho hệ thống điện tử hàng không và các hệ thống khác. Không gian bên trong sẽ chỉ đủ cho một quả bom, làm giảm hiệu quả của máy bay ném bom và hạn chế sử dụng hệ thống vũ khí chiến thuật để phục vụ mục đích răn đe chiến lược.

Thụy Điển loại Saab 36 khỏi chương trình vì thiết kế không thật hoàn thiện, không đủ khả năng để phát triển vũ khí hạt nhân và các chương trình phòng thủ quan trọng khác. Dự án máy bay ném bom hạt nhân siêu thanh đã chính thức bị hủy bỏ vào năm 1957 (dù A36 đã đạt đến giai đoạn thử nghiệm hầm gió - wind tunnel testing) và sau đó, chương trình vũ khí hạt nhân của Thụy Điển đã bị Quốc hội Thụy Điển (Riksdag) hủy bỏ vào năm 1968.

Thụy Điển chính thức từ bỏ tham vọng hạt nhân vào đầu những năm 1970 - khi nước này vận chuyển tất cả vật liệu phân hạch ra nước ngoài. Một số tiền tiết kiệm được sử dụng để phát triển A37 Viggen - một máy bay chiến đấu tấn công và là một trong những máy bay phản lực đầu tiên kết hợp thiết kế cánh tam giác thành công. A37 Viggen đã thể hiện là một máy bay đa năng được tín nhiệm cao trong suốt những năm 1970 và những thập kỷ sau đó, chứng tỏ việc hủy bỏ các dự án trên là lựa chọn đúng đắn./.

Từ khóa: Tham vọng hạt nhân không thành của Thụy Điển, chương trình hạt nhân của Thụy Điển, A35, Saab 36, Nguyên tử vì Hòa bình

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập