Thăm nhà máy sản xuất trực thăng hàng đầu thế giới tại Ulan-Ude-LB Nga
Cập nhật: 13/09/2020
Nga sẵn sàng hỗ trợ bình thường hóa quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan
Hungary và Romania có kế hoạch tăng số lượng cửa khẩu biên giới
VOV.VN - Nhà máy hàng không Ulan-Ude là một trong ba cơ sở sản xuất máy bay và trực thăng cả quân sự và dân dụng của Tập đoàn Trực thăng Nga.
Nhà máy hàng không Ulan-Ude (công ty cổ phần“U-UAZ”), đóng tại thủ đô Ulan-Ude -nước cộng hòa Buriatia-LB Nga là một trong ba cơ sở sản xuất máy bay và trực thăng cả quân sự và dân dụng của Tập đoàn Trực thăng Nga(thuộc Tập đoàn nhà nước Rostec). Các sản phẩm của nhà máy được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam được coi là thị trường tiềm năng và hiện có tới 70% tổng số trực thăng đang hoạt động do Nga sản xuất.
Chiếc trực thăng Mi-8AMT(tên xuất khẩu của dòng máy bay này là Mi-171) được phi công lái biểu diễn bay vút lên cao, chạm vào mây, rồi dần hạ độ cao, chao nghiêng, lượn vòng tròn. Sau khoảng 15-20 phút bay trình diễn, máy bay hạ cánh xuống đường băng của khu vực bay thử nghiệm. Phi công thử nghiệm cấp cao Vasily Matveev giới thiệu về sự ưu việt của bảng điều khiển điện tử trong buồng lái:
“Chúng tôi có rất nhiều phiên bản trực thăng khác nhau. Có thể thực hiện rất nhiều phương án. Hệ thống điện tử cho phép bay trực thăng cả ngày lẫn đêm, kể cả điều kiện bão tuyết phức tạp. Trên trực thăng còn được trang bị bản đồ điện tử, hệ thống hồng ngoại để hoạt động vào ban đêm.
Theo lời ông Vasily thì hai trong số 3 chiếc Mi-171 và Mi-171A2 trưng bày trong sân nhà máy đã được lắp đặt hệ thống tự lái, cho phép trực thăng tự động vận hành theo tuyến đường bay và hạ cánh.
Công ty cổ phần“U-UAZ” được thành lập vào năm 1939. Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 80 năm hoạt động của mình, nhà máy đã sản xuất hơn 10 nghìn máy bay và trực thăng cả quân sự và dân dụng. Đây là nhà máy duy nhất ở Nga và là một trong số ít nhà máy trên thế giới có năng lực sản xuất cả máy bay và trực thăng.
Vào những năm 50 của thế kỷ trước, “U-UAZ” cùng với việc sản xuất tiêm kích MiG-15, đã trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên sản xuất máy bay phản lực. Tiếp đó, vào những năm 60, công ty đã ra mắt thành công trong ngành công nghiệp máy bay dân dụng, với việc cho ra đời chiếc máy bay chở khách An-24. Trong những năm 60-70, nhà máy sản xuất máy bay trực thăng có cánh quạt đồng trục - Ka-15 và Ka-18, Ka-25 chống tàu ngầm. Sau đó, việc sản xuất hàng loạt trực thăng Mi-8 bắt đầu, trở thành một trong những sản phẩm chính của nhà máy. Trong những năm 90, nhà máy đã chế tạo máy bay trực thăng mới Mi-8AMT (Mi-171) và Mi-8AMTSh (Mi-171Sh), biệt danh Kẻ hủy diệt.
Nhà máy tại Ulan-Ude là một trong những nhà sản xuất công nghệ trực thăng lớn nhất ở Nga. Để làm chủ các phân khúc thị trường mới, việc phát triển trực thăng loại Mi-171 liên tục được tiến hành, U-UAZ cung cấp cho thị trường tất cả các cải tiến mới, vì vậy Mi-8AMTSh-V, trực thăng Mi-8AMTSh-VA “Bắc Cực”, Mi-171A2 đã xuất hiện. Tất cả điều này đi kèm với sự chuyển đổi song song sang công nghệ kỹ thuật số, sản xuất và cải tiến các thiết bị công nghệ đặc biệt, đưa vào vận hành các thiết bị mới. Máy bay trực thăng Mi-171A2 được chứng nhận là một sản phẩm mới trên thị trường trực thăng.
Trong năm 2020 này, nhà máy Ulan-Ude đã giới thiệu 23 phiên bản trực thăng khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Các máy bay trực thăng tương lai Mi-171A2 (nhờ hệ thống cánh quạt mới giúp tăng tầm hoạt động và khả năng nâng lên 25%, Mi-171A3 (phục vụ cho các dàn khoan dầu ngoài khơi) dự kiến sẽ đưa vào sản xuất trong năm 2021 để cung cấp cho khách hàng.
Sản phẩm 240-trực thăng không người lái đóng vai trò giám sát, cảnh báo, tầm bay 250km có thể hoạt động trên không 2 tiếng-dự kiến sẽ bay thử trong quí IV/2020.
Công ty cổ phần "U-UAZ" còn có trung tâm đào tạo hàng không của riêng mình, trong đó bao gồm một tổ hợp huấn luyện trực thăng Mi-171. Phó trưởng bộ phận đào tạo bay Genady Leonov lưu ý rằng, công tác huấn luyện được các giảng viên soạn giáo trình riêng và giảng dạy cả lý thuyết, lẫn thực hành theo từng mẫu máy bay mà khách hàng đặt.
Giám đốc điều hành công ty cổ phần "U-UAZ" Leonid Yakovlevich Belykh khẳng định, nhà máy luôn đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng:“Chúng tôi chưa một lần nào hủy đơn hàng quốc phòng của đất nước cũng như chưa khi nào hủy các hợp đồng trong nước và xuất khẩu. Tất cả các hợp đồng chúng tôi đều thực hiện đúng hạn và không bị phàn nàn gì. Hiện nay chúng tôi đang sản xuất 23 loại Mi-171, nghĩa là đáp ứng, cung cấp cho từng khách hàng chiếc trực thăng của họ”.
Ông Belykh kể rằng, cả đời ông gắn bó với nhà máy, trải qua tất cả các vị trí công tác và đã 22 năm ở chức vụ giám đốc điều hành. Ông được nhận giải thưởng vì chế tạo trực thăng “Bắc cực”, ở nhiệt độ -55-60 độ có thể khởi động trong vòng 20 phút. Ông đã vinh dự được Tổng thống V.Putin tặng Huân chương Anh hùng Lao động Nga.
Khi biết chúng tôi là phóng viên của Việt Nam, nét mặt ông Belykh chuyển sang thân thiện hơn và hào hứng kể, trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, ông đã từng sang làm việc vào năm 1972.
Theo Tập đoàn Trực thăng Nga, tại Việt Nam, hiện có 80 máy bay trực thăng do Nga sản xuất đang hoạt động, trong đó khoảng 20% là máy bay dân dụng. Nhìn chung, trực thăng Nga chiếm 70% tổng số trực thăng đang được khai thác. Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng ở khu vực Đông-Nam Á đối với các sản phẩm của Nga.
Một số hình ảnh tại nhà máy hàng không Ulan-Ude:
Từ khóa:
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN