Thảm họa Làng Nủ - Nhận định nguyên nhân ban đầu

Cập nhật: 02/10/2024

VOV.VN - Sáng nay tại Hà Nội, Khoa Địa chất, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội tổ chức hội nghị khoa học "Thảm họa Làng Nủ - Nguyên nhân và giải pháp phòng tránh" với sự tham dự của nhiều chuyên gia địa chất sau chuyến thực địa tại Làng Nủ trở về.

 

Tại hội thảo, các diễn giả Khoa Địa Chất, trường ĐH Khoa học Tự nhiên báo cáo kết quả khảo sát và nhận định ban đầu về nguyên nhân thảm họa Làng Nủ cùng một số khu vực trọng điểm tỉnh Lào Cai, các phát hiện sớm và phòng tránh ẩn họa tương tự Làng Nủ ở các khu vực miền núi Việt Nam.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nguyên nhân gây nên thảm họa ở Làng Nủ là lũ bùn đá thường xảy ra trong những đợt mưa lớn, kéo dài nhiều ngày tại các lưu vực suối ở vùng núi, nơi có địa hình dốc, vỏ phong hóa/tầng đất dày.

Theo PGS. TSKH. Vũ Cao Minh, các hộ dân sống ở khu vực dưới chân các đồi, núi, đặc biệt là các hộ cắt xẻ phần chân sườn các đồi, núi khi phát hiện các vết nứt trên đồi cỡ một vài mét là phải xem xét di dời và lưu ý.

"Khi thấy có vết nứt, biện pháp đơn giản nhất là che phủ bạt, hoặc dùng các tấm tôn che, các tấm không thấm nước ghim các ghim thép để làm sao không thấm vào trong, bởi nước thấm vào trong sẽ làm cho áp lực lớn, dễ sạt hơn. Nếu chúng ta ngăn nước vào thì sẽ giảm được tốc độ và những nguy cơ phát sinh. Chúng ta cũng phải thiết kế các ống thoát nước ngang để rút nước từ trong mái dốc ra", ông Minh nói.

Vì mưa là yếu tố chủ yếu kích hoạt trượt lở, nên các hệ thống quan trắc mưa hiện tại cần có mật độ cao hơn, phát hiện sớm mưa lớn cực đoan. Các hệ thống quan trắc chuyên sâu về ổn định mái dốc, nâng cao độ chính xác công tác dự báo qua ứng dụng phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Cũng cần tăng cường truyền thông thông tin cảnh báo sớm, đảm bảo chính quyền các cấp, đặc biệt là người dân trong vùng bị tác động của trượt lở nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác và hiểu rõ các hành động cần triển khai khi có yêu cầu.

GS Đỗ Minh Đức lưu ý những giải pháp cần triển khai sắp tới: "Giải pháp trước mắt là ứng phó, xây dựng các bộ cơ sở dữ liệu, thành lập hệ thống bản đồ các loại hình ví dụ như nhà cửa, đường sá, giao thông như thế nào. Mục tiêu cuối cùng là không có thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sả. Tiếp theo là cảnh báo và hành động sớm".

Bên cạnh đó, khi rủi ro trượt lở đạt đến mức rủi ro cấp 1 theo nghị định của Chính phủ, chính quyền địa phương cần hạn chế người và phương tiện lưu thông lân cận các khu vực nguy cơ cao, tới rủi ro cấp 2 và cao hơn, cần cấm các phương tiện lưu thông qua các khu vực nguy cơ cao; di chuyển dân trong khu vực nguy cơ cao đến nơi an toàn và chỉ quay lại khi không còn cảnh báo nguy cơ trượt lở. Chính quyền và người dân cần chú ý đến tính bất thường và cực đoan của thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu và chuẩn bị kịch bản ứng phó với những tình huống khó khăn nhất.

Từ khóa: Làng Nủ, Thảm họa Làng Nủ, làng nủ, lào cai, sạt lở ở làng nủ,mưa lũ ở làng nủ,thiệt hại ở làng nủ,người dân làng nủ

Thể loại: Xã hội

Tác giả: bích ngọc/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan