Thách thức “đặt nặng” trên vai tân Thủ tướng Iraq
Cập nhật: 02/02/2020
Giữ gìn bản sắc văn hoá qua du lịch cồng chiêng ở Lâm Đồng
Phu Quoc and reasons for its selection as venue of APEC 2027
VOV.VN-Giữa bối cảnh Iraq đối mặt với làn sóng biểu tình và đứng trước nhiều khó khăn về kinh tế-xã hội, nhiệm vụ của tân Thủ tướng Allawi là không hề dễ dàng.
Hôm qua (1/2), Tổng thống Iraq Barham Salih chỉ định ông Mohammed Tawfiq Allawi làm tân Thủ tướng của nước này, thay cho ông Adil Abdul Mahdi mới tuyên bố từ chức. Tuy nhiên, trong bối cảnh Iraq đang đối mặt với làn sóng người biểu tình phản đối chính phủ, yêu cầu loại bỏ các chính trị gia tham nhũng và không đủ năng lực lãnh đạo đất nước, nhiệm vụ của ông Allawi được nhận định là không hề dễ dàng.
Tân Thủ tướng IraqMohammed Tawfiq Allawi. Ảnh: Reuters |
Kể từ ngày 1/10 năm ngoái, hàng chục nghìn người Iraq đã xuống đường tham gia các cuộc biểu tình tại thủ đô Baghdad và các tỉnh miền Nam đòi chính quyền tiến hành cải cách toàn diện, cải thiện các dịch vụ công, tạo thêm việc làm cho người dân và chấm dứt nạn tham nhũng. Các cuộc biểu tình đặt ra thách thức lớn chưa từng thấy đối với chính phủ kể từ sau khi Iraq tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cách đây gần hai năm. Chính vì thế, trong tuyên bố mới nhất, tân Thủ tướng Iraq Allawi cho biết, với cương vị mới, ông sẽ tiến hành chống tham nhũng và giải quyết các cuộc biểu tình đang diễn ra tại Iraq.
"Tôi muốn nói chuyện trực tiếp với người dân sau khi ngài Tổng thống ủy thác cho tôi thành lập nội các mới. Tôi quyết định nói chuyện với người dân trước khi nói chuyện với bất kỳ ai khác bởi vì người dân chính là quyền lực của tôi. Nếu không có sự hy sinh và nhẫn nhịn của người dân thì đất nước sẽ không thấy bất kỳ thay đổi nào”.
Ngoài ra, Thủ tướng Allawi cho biết, ông sẽ tổ chức cuộc bầu cử sớm dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế: "Tôi cam kết sẽ nỗ lực làm việc để chuẩn bị cho một cuộc bầu cử sớm với sự tham khảo ý kiến của các bên liên quan bao gồm Ủy ban bầu cử độc lập và Liên Hợp Quốc. Cuộc bầu cử sẽ diễn ra theo thể chế hiến pháp và luật pháp".
Thủ tướng Allawi cũng cho biết sẽ có thể từ chức nếu các phe phái chính trị tại Iraq cố tình áp đặt các ứng viên cho các vị trí trong nội các. Ông Allawi sẽ có nhiệm vụ thành lập một chính phủ mới trong vòng một tháng.
Tổng thống Iraq Salih chỉ định ông Allawi làm Thủ tướng sau khi Cựu Thủ tướng Abdul Mahdi đã phải từ chức hồi tháng 11 năm ngoái do làn sóng biểu tình phản đối chính phủ tại Iraq bùng phát yêu cầu loại bỏ các chính trị gia tham nhũng và không đủ năng lực lãnh đạo đất nước khiến nền kinh tế ngày càng trì trệ và tình trạng thất nghiệp tăng cao.
Từ chỗ là một trong những quốc gia Arab giàu có nhất, với trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 5 thế giới song giờ đây Iraq thường xuyên phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế-xã hội. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), ở Iraq tỷ lệ thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên lên tới hơn 40% và hơn 60% dân số sống ở mức nghèo khổ. Trong khi đó, nạn tham nhũng tràn lan, cướp đi một phần đáng kể của ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh đó, các cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra yêu cầu chính phủ mới phải có một sự cải tổ toàn diện, một cuộc cải cách lớn. Đã có hơn 460 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.
Trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội như vậy, sự ra đi của Thủ tướng Abdul Mahdi là điều cần thiết, song tạo ra một thách thức lớn lên tân Thủ tướng Allawi. Ông Allawi được cho là sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn các vị trí vào nội các do sự ganh đua của các đảng phái, vốn đã làm kéo dài tình trạng bế tắc chính trị tại quốc gia Trung Đông này.
Ngoài ra, Tân Thủ tướng phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn của việc xây dựng lại phần lớn đất nước sau một cuộc chiến tàn khốc chống nhóm IS, cũng như giải quyết các vấn đề kinh tế cấp thiết và tình trạng thiếu điện, nước./.
Từ khóa: Tân Thủ tướng Iraq, thách thức, khủng hoảng kinh tế xã hội, Iraq chống IS, bầu cử sớm
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN