Thách thức chờ đợi tân Thủ tướng và chính phủ mới thiên hữu của Pháp
Cập nhật: 22/09/2024
Lệnh ngừng bắn ở Lebanon -“tia hy vọng đầu tiên” trong cuộc xung đột Trung Đông? (28/11/2024)
Indonesia lý giải nguyên nhân và chiến lược thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình (28/11/2024)
VOV.VN - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa thông qua thành phần chính phủ mới của tân Thủ tướng Michel Barnier, với toàn bộ 39 thành viên đều thuộc các đảng trung dung và cực hữu. Sự kiện diễn ra hơn 2 tháng sau cuộc bầu cử hồi đầu tháng 7 dẫn tới một “Quốc hội treo” và làm sâu sắc thêm sự chia rẽ chính trị tại Pháp.
Tân chính phủ tại Pháp sẽ có 17 bộ trưởng, trong đó 7 người thuộc liên minh trung dung của Tổng thống Macron và 3 người thuộc đảng bảo thủ Những người Cộng hòa của ông Barnier. Trong số các vị trí chủ chốt, ông Jean-Noel Barrot sẽ thay thế ông Stephane Sejourne là Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao. Ông Barrot, 41 tuổi, một chính trị gia trung dung được biết đến với công trình chuyển đổi kỹ thuật số và các vấn đề châu Âu. Ông có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế phức tạp, đặc biệt là trong Liên minh châu Âu.
Ông Bruno Retailleau giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. Ông Sébastien Lecornu tiếp tục được bổ nhiệm là Bộ trưởng Quân đội Pháp. Ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố năng lực quân sự của Pháp, bao gồm hiện đại hóa các hệ thống phòng thủ và quản lý viện trợ quân sự cho Ukraine. Vai trò lãnh đạo của ông trong lĩnh vực quốc phòng sẽ rất quan trọng khi Pháp điều hướng vai trò của mình trong NATO và giải quyết căng thẳng địa chính trị gia tăng do các cuộc chiến ở Ucraina và Trung Đông.
Trong khi đó, vị trí Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính được trao cho Antoine Armand, người mới chỉ 33 tuổi. Là một nhân vật mới nổi trên chính trường Pháp, ông Armand sẽ có trọng trách chỉ đạo các chính sách tài khóa của Pháp và quản lý ngân sách năm 2025 sắp tới, trong bối cảnh Ủy ban châu Âu đang gây áp lực nhằm giải quyết khoản nợ ngày càng tăng của Pháp.
Thành phần và định hướng của chính phủ Pháp rất quan trọng bởi nước này có tiếng nói quan trọng hàng đầu trong chính sách của Liên minh châu Âu, là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới và là thành viên có vũ khí hạt nhân và quyền phủ quyết tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, với với việc gạt các đảng cánh tả và cực tả sang một bên dù những đảng này đã giành được kết quả cao trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, tân Thủ tướng Barnier sẽ phải đối mặt với không ít những thách thức.
Chuyên gia Alexander Turnbull của AP nhận định: “Phe cánh tả, vốn có số lượng đại biểu quốc hội lớn nhất, không được trao cơ hội thành lập chính phủ thiểu số và từ đó đã từ chối nhượng bộ và tham gia vào một liên minh thiên tả hơn. Đối với phe cực hữu, họ không phải là một phần của nội các mới này nhưng họ đã nêu rõ các điều kiện của mình và với tư cách là những người lập vua với nhóm nghị sĩ lớn thứ hai, họ có thể gây khó khăn cho các nỗ lực của tân Thủ tướng. Nhiệm vụ đầu tiên của liên minh không quá mới này sẽ là thúc đẩy ngân sách năm 2025 của Pháp. EU đang gây áp lực lên chính phủ để giảm thâm hụt và nợ của đất nước. Việc tăng thuế có thể khiến ông Barnier rơi vào thế khó và gây ra những cuộc tranh luận gay gắt tại Quốc hội."
Nổi tiếng với vai trò là nhà đàm phán hàng đầu của EU về Brexit, ông Barnier, một chính trị gia kỳ cựu 73 tuổi không còn xa lạ với các nhiệm vụ chính trị phức tạp. Tuy nhiên, việc thành lập một chính phủ có thể tồn tại trong một quốc hội chia rẽ như vậy sẽ thử thách kinh nghiệm sâu rộng và sự nhạy bén chính trị của ông. Bài kiểm tra chính trị lớn đầu tiên của tân Thủ tướng Pháp sẽ diễn ra vào ngày 1/10, khi ông dự kiến có bài phát biểu về chính sách chung trước Quốc hội.
Từ khóa: pháp, chính phủ, tân chính phủ pháp, chính phủ mới của pháp, chính phủ thiên hữu, thách thức đợi chờ pháp, thách thức của tân thủ tướng pháp, thách thức đối diện tân chính phủ pháp, tổng thống macron, quốc hội treo, michel barnier
Thể loại: Thế giới
Tác giả: thu hoài/vov1 tổng hợp
Nguồn tin: VOVVN