Tết đầu tiên của những người Lào mang quốc tịch Việt Nam
Cập nhật: 21/01/2020
Cháy điểm kinh doanh máy hàn ở vùng ven TP.HCM
Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đón 4 triệu lượt, cao điểm 970 chuyến bay một ngày
VOV.VN - Phụ nữ Lào về làm dâu tại các bản làng đồng bào Cơ Tu nhận được sự đùm bọc, cưu mang của người dân địa phương.
Cuối năm 2019 là mốc thời gian không thể nào quên đối với 20 người Lào sống dọc biên giới 2 huyện vùng cao Tây Giang và Nam Giang của tỉnh Quảng Nam. “Trên tay các anh/chị là quyết định của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Điều đó có nghĩa rằng kể từ giờ phút này, các anh/chị đã là người Việt Nam”. Lời thông báo của người chủ trì lễ trao quốc tịch khiến những người Lào có mặt tại buổi lễ rơm rớm nước mắt. Tết này, gia đình họ sum vầy bên bếp lửa nhà sàn, dưới mái nhà Gươl trong niềm vui chung của cộng đồng.
Kể từ cuối năm 2019, 3 cô gái người Lào được mang quốc tịch Việt Nam.
|
Bản Atu 1, xã Ch’ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam nằm cuộn tròn giữa bốn bề núi cao. Từ đây qua các bản Tomo, Tà Vàng, huyện Kalum, tỉnh Sê Kông, Lào non 3 tiếng đồng hồ đi bộ đường rừng. Vào những ngày Tết hay lễ hội xuân, trai gái hai bên thường qua lại, giao duyên nhau, kết nên những mối tình đẹp xuyên biên giới.
Năm ấy, Pơ Loong Thị Sóp, cô gái Lào sống ở bản Avol, huyện Kalum, tỉnh Sê Kông vừa tròn 22 tuổi. Tơ Ngol Nhông, chàng trai Cơ Tu ở xã Ch’ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cũng đang tuổi thanh xuân. Hai người đem lòng yêu nhau chỉ qua mấy lần gặp gỡ. Vài tháng sau, họ làm lễ cưới. Đám cưới xuyên biên giới diễn ra đơn giản. Tơ Ngol Nhông theo vợ về ở rể tại bản Avol, huyện Kalum, tỉnh Sê Kông, Lào. Cuộc sống quá khó khăn với 6 đứa con còn nhỏ, cuối năm 2013, Tơ Ngol Nhông bàn với vợ con về sống ở xã Ch’ơm, huyện Tây Giang. Năm ngoái, hai vợ chồng sinh thêm 1 đứa con trai. Bây giờ, đứa bé nhất còn ngủ trong tấm vải sau lưng mẹ, đứa lớn đã 16 tuổi mà vẫn chưa có giấy khai sinh.
Một mối tình xuyên biên giới khác cũng đã nên duyên vợ chồng. Đó là tình yêu giữa anh Bh’ling Đông, chàng trai Cơ Tu với cô gái Lào là chị Zơ Râm Ná. Trong một lần qua bản Tà Vàng, huyện Kalum, tỉnh Sê Kông làm nhà cho người thân, Bh’ling Đông gặp Zơ Râm Ná. Hai người yêu nhau rồi cưới nhau. Do không có của cải để bắt vợ về Việt Nam, Bh’ling Đông phải ở rể tại nhà của Zơ Râm Ná. Năm 2012, khi đã đủ tiền để bắt vợ theo phong tục của dân bản Tà Vàng, Đông dẫn vợ về bản Atu 1, xã Ch’ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam sinh sống. Chính quyền và dân làng Cơ Tu ở xã Ch’ơm yêu thương cấp cho miếng đất để vợ chồng Đông dựng nhà.
Vợ chồng Bh'ling Đông - Zơ Râm Ná dưới mái nhà gươl.
|
20 trường hợp người Lào nhập quốc tịch Việt Nam vào cuối năm ngoái hầu hết là phụ nữ theo chồng. Không ít người đã định cư tại các bản làng vùng cao 2 huyện Tây Giang và Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cả chục năm nhưng chưa được công nhận là người Việt. Quá trình di cư tự do dọc tuyến biên giới Việt - Lào những năm trước đã gây nhiều khó khăn trong việc quản lý hộ tịch, hộ khẩu. Những gia đình có cha người Việt, mẹ người Lào hoặc cha người Lào, mẹ người Việt đều bị thiệt thòi về các khoản trợ cấp chính sách xã hội của nhà nước Việt Nam dành cho đồng bào miền núi. Vợ chồng cưới nhau không có giấy hôn thú nên khi sinh con cũng không làm được giấy khai sinh, không thể làm thủ tục nhập học cho con.
Ông A Lăng Rếp, Phó Chủ tịch UBND xã Ch’ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, phụ nữ Lào về làm dâu tại các bản làng đồng bào Cơ Tu nhận được sự đùm bọc, cưu mang của người dân địa phương. Các già làng họp dân để chia gạo, nhường đất, giúp họ ổn định cuộc sống nhưng khó nhất là giải quyết các thủ tục liên quan đến pháp lý. Theo ông A Lăng Rếp, trên địa bàn xã hiện có 3 trường hợp cha người Việt, mẹ người Lào mới được nhập quốc tịch: "Trước kia,người Lào qua đây ăn Tết bên mình rất nhiều, qua đó họ tìm hiểu nhau và lấy nhau. Phụ nữ là người Lào về đây lấy chồng thì báo lên cơ quan chức năng để đảm bảo vừa được nhập quốc tịch, vừa có nơi ở ổn định. Khi họ về đây, chúng tôi thấy họ cũng rất khó khăn nên hỗ trợ về tinh thần, vận động bà con giúp họ làm nhà ở".
Tỉnh Quảng Nam có đường biên giới dài hơn 155 km giáp nước bạn Lào. Các bản làng vùng giáp ranh phía Lào, không ít người tìm cách qua Việt Nam sinh sống. Ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho rằng, những người Lào qua đây sinh sống dù được chính quyền và người dân địa phương đùm bọc, giúp đỡ nhưng mong muốn của họ là được nhập quốc tịch Việt Nam. Năm 2017, chính quyền tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông, Lào ký kết bản ghi nhớ về phối hợp triển khai thực hiện Thỏa thuận của hai Chính phủ Việt Nam - Lào.
Ông A Lăng Mai cho biết thêm, bản ghi nhớ này có đề cập việc hỗ trợ làm các thủ tục công dân cho những người di cư tự do, kết hôn không giá thú dọc biên giới hai nước.
Ngày 3/7/2019, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định cho 20 người Lào đang cư trú tại tỉnh Quảng Nam được nhập quốc tịch Việt Nam. Tết Canh Tý - 2020 là cái Tết đầu tiên những người Lào mang quốc tịch Việt Nam ăn Tết cổ truyền với bà con vùng cao 2 huyện Tây Giang và Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Những công dân vừa được nhập quốc tịch Việt Nam cùng góp gà, mổ heo, chung ly rượu cần, chúc nhau đón chào xuân mới đầy ấm áp, yêu thương!./.
Tết Lào tại Jakarta: Thấm đậm tình hữu nghị Việt – Lào
Từ khóa: tết, Tết Nguyên đán, tết đầu tiên của những người Lào, quốc tịch Việt Nam
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN