Tên lửa và radar tạo ra sức mạnh áp đảo cho chiến đấu cơ Nga

Cập nhật: 21/12/2022

VOV.VN - Mặc dù Nga chỉ đạt được một số bước tiến hạn chế trong không chiến, nhưng điều này vẫn không thể làm lu mờ sự thật rằng: Không quân Ukraine đang phải đối mặt với các đối phương có ưu thế vượt trội.

Gần 10 tháng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, cuộc chiến giành quyền kiểm soát không phận vẫn quyết liệt và chưa bên nào làm thực sự làm chủ bầu trời.

Tầm quan trọng của tên lửa và radar

Đánh giá của Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute - RUSI) về cuộc xung đột cho rằng, Nga có nhiều lợi thế về quân số và khí tài vì thế Ukraine vẫn có thể thua trong cuộc chiến trên không nếu không có sự giúp đỡ của phương Tây.

Mặc dù không quân Nga hạn chế hoạt động trên những vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát, một phần do lo ngại rủi ro, nhiều máy bay chiến đấu của Nga vẫn có thể bắn hạ máy bay Ukraine bằng tên lửa không đối không tầm xa, trong khi những tên lửa này nằm ngoài tầm bắn của phía Ukraine.

“Các phi công Ukraine thừa nhận rằng, máy bay chiến đấu Su-30SM và Su-35S của Nga hoàn toàn vượt trội máy bay chiến đấu của Không quân Ukraine về mức độ kỹ thuật. Nhờ được tích hợp radar mảng pha N011M Bars và N035 Irbis-E, chúng có khả năng quan sát tầm thấp và dễ dàng phát hiện và bắn máy bay Ukraine dù có rất nhiều chướng ngại trên chiến trường”, báo cáo của RUSI nêu rõ.

Trong một số tình huống, máy bay chiến đấu của Nga bay nhanh và ở độ cao hơn 12.000m vẫn có thể bắn hạ máy bay Ukraine đang bay tầm thấp để tránh bị phát hiện. Ngoài ra chiến đấu cơ của Nga còn được trang bị nhiều vũ khí tiến tiến, như tên lửa không đối không R-77-1, loại tên lửa hoạt động theo cơ chế “bắn và quên”, có thể tấn công mục tiêu một cách độc lập nhờ hệ thống tìm kiếm radar chủ động. Trong khi đó, máy bay chiến đấu của Ukraine vẫn sử dụng tên lửa R-27 cũ có radar dẫn đường bán chủ động, đòi hỏi máy bay phải liên tục bám mục tiêu để tên lửa có thể phát hiện được.

Do mục tiêu của R-27 cần phải được chiếu sáng liên tục nên thiết bị cảnh báo radar trên máy bay Nga có thể thông báo cho phi công biết biết họ đang bị nhắm mục tiêu và phi công sẽ kích hoạt thiết bị gây nhiễu, phóng mồi nhử hoặc thực hiện hoạt động lẩn tránh. Trái lại radar trên tên lửa R-77-1 hầu như im lặng và chỉ hoạt động vài giây trước khi chạm đích, khiến các phi công Ukraine khó phát hiện bức xạ radar và không có nhiều thời gian để phản ứng.

"Trong suốt cuộc xung đột, các máy bay chiến đấu của Nga có thể thường xuyên khóa radar và phóng tên lửa R-77-1 vào các máy bay chiến đấu Ukraine ở khoảng cách hơn 100 km”, báo cáo của RUSI cho biết.

"Mặc dù việc tấn công ở tầm xa như vậy sẽ có xác suất sát thương thấp, nhưng điều đó buộc các phi công Ukraine phải phòng thủ hoặc có nguy cơ bị trúng đạn trong khi máy bay đối phương vẫn nằm ngoài tầm bắn hiệu quả của họ, và chỉ cần vài phát bắn tầm xa như vậy, máy bay Nga coi như đã thành công”.

Bay thấp để tránh bị phát hiện sẽ làm gia tăng nguy cơ rủi ro mà các phi công Ukraine phải đối mặt, vì họ sẽ dễ bị trúng hỏa lực của Nga phóng từ mặt đất hoặc bị rơi xuống đất.

Nga thay đổi chiến thuật trên không

Theo RUSI, thời gian gần đây, Nga được cho là đã thay đổi chiến thuật trên không để giành ưu thế. Moscow đã bố trí máy bay chiến đầu tầm cao tăng cường thực hiện các cuộc tuần tra. “Những cuộc tuần tra này đã được chứng minh mang lại hiệu quả cao khi đối phó với máy bay chiến đấu của Ukraine. Sự kết hợp giữa tiêm kích đánh chặn Mig-31BM và tên lửa không đối không tầm xa R-37M đã gây ra nhiều vấn đề cho Ukraine”.

Theo báo cáo của RUSI, Nga đã sử dụng máy bay Su-35S và gần đây là máy bay đánh chặn Mig-31BM tiến hành các cuộc tuần tra chiến đấu trên không và bắn hạ một số lượng lớn máy bay tấn công của Ukraine hoạt động gần tiền tuyến, trong khi Kiev không có khả năng bắn trả ở khoảng cách xa như vậy.  

Tên lửa R-37M có tầm bắn 300 km và không quân Nga được cho là đã phóng 6 tên lửa này mỗi ngày trong tháng 10 vừa qua. “Tốc độ cực cao của tên lửa cùng với tầm bắn hiệu quả rất xa và thiết bị tìm kiếm được thiết kế để tấn công những mục tiêu bay tầm thấp khiến máy bay đối phương rất khó lẩn tránh”, RUSI nhận định.

Tuy vậy, Nga vẫn thiếu máy bay tiếp dầu để duy trì các cuộc tuần tra thường xuyên. Nhưng nếu máy bay của Ukraine hạn chế hoạt động vì sợ nguy cơ rủi ro thì điều này sẽ làm gia tăng gánh nặng đối với lực lượng phòng không của Ukraine, khiến họ phải tiêu tốn nhiều tên lưa phòng không tầm ngắn và tầm xa, cũng như pháo phòng không.

Ở giai đoạn đầu xung đột, từng có lo ngại về việc lực lượng phòng không của Ukraine sẽ nhanh chóng bị tên lửa và máy bay chiến đấu của Nga áp đảo do phần lớn khí tài phòng không trong biên chế quân đội Ukraine thừa hưởng từ Liên Xô, trong đó có các tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Strela-10, Tunguska, Osa và Tor, tầm trung Buk và tầm xa S-300. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Ukraine đã nhận được nhiều loại vũ khí phòng không khác nhau của phương Tây.

Mối đe dọa từ tên lửa đất đối không và vũ khí phòng không vác vai của Ukraine, chẳng hạn như tên lửa Stinger, "đã làm thay đổi hoạt động và hạn chế đáng kể hiệu quả của các phi công Nga”, RUSI nhấn mạnh. Báo cáo cho biết, kể từ tháng 4, phi công Nga thường tránh tiến sâu vào không phận Ukraine do lo ngại bị tổn thất. Dù lực lượng phòng không Ukraine đến nay hoạt động khá hiệu quả, nhưng không thể phủ nhận được sức mạnh của không quân Nga. RUSI lưu ý. “Bất chấp dòng chảy vũ khí của phương Tây vào Ukraine, mối đe dọa mà máy bay Nga gây ra đối với các lực lượng, cơ sở hạ tầng và căn cứ quân sự của Ukraine vẫn rất lớn”./.

Từ khóa: xung đột nga ukraine, cuộc không chiến tại ukraine, máy bay chiến đấu Nga, lực lượng phòng không ukraine, không quân nga, chiến đấu cơ Nga, tên lửa đất đối không, máy bay chiến đấu ukraine, ưu thế của không quân nga, radar, tên lửa không đối không tầm xa R-37M, vũ khí phòng không vác vai, phương tây cung cấp vũ khí cho ukraine, máy bay chiến đấu Su-35S, chiến thuật trên không

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập