Tên lửa không đối không mang lại sức mạnh áp đảo cho Nga trên chiến trường
Cập nhật: 01/03/2023
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Dù gặp khó khăn khi tấn công các mục tiêu trên mặt đất nhưng lực lượng không quân Nga lại rất thành công trong việc bắn hạ các mục tiêu trên không.
Sự thiếu hụt các loại vũ khí không đối đất dẫn đường đã cản trở khả năng của Nga trong việc tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Nhưng nhờ sở hữu những tên lửa không đối không mạnh mẽ và nhiều tên lửa trong số này có tầm bắn vượt xa tên lửa Ukraine, Nga có thể ngăn chặn máy bay Ukraine một cách hiệu quả.
Theo các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở ở London, cả Nga và Ukraine đều có nguy cơ cạn kiệt kho dự trữ tên lửa. Ông Douglas Barrie, thành viên cấp cao của IISS cho biết: “Một trong những điều mà tất cả các chuyên gia đều thừa nhận là tỷ lệ sử dụng vũ khí dẫn đường phóng từ trên không khá cao. Chúng ta có thể thấy những khoảng trống về năng lực sản xuất và sự thiếu hụt tên lửa trong kho dự trữ của cả Nga và Ukraine”.
Theo các chuyên gia phương Tây, các cuộc không kích của Nga không chỉ gặp thách thức lớn do sự đáp trả từ máy bay và hệ thống phòng không của Ukraine mà còn do thiếu đạn dược thông minh.
“Quan trọng nhất là tên lửa Kh-101. Đây là tên lửa hành trình tầm xa phóng từ trên không mà Nga hay sử dụng nhất. Ngoài ra họ cũng thiếu một số loại tên lửa không đối đất chiến thuật”, ông Douglas Barrie lưu ý.
Chuyên gia này nói thêm, ngoài Kh-101, Nga cũng thiếu khá nhiều tên lửa Kh-38. Đây là tên lửa không đối đất tầm ngắn được dùng để chống lại các mục tiêu bọc thép và không bọc thép.
Tên lửa Kh-38 có chiều dài 4,2m, đường kính thân 0,31m, vận tốc 2,2 Mach. Tên lửa có tầm bắn lên tới 40km, có thể tấn công tiêu diệt tất cả các loại tăng - thiết giáp hạng nặng, các công sự và hầm ngầm, khi cần có thể tiêu diệt cả các trận địa radar mặt đất. Tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính, ngoài ra nó cũng có thể được thay đổi cấu hình để sử dụng hệ thống dẫn đường bằng laser và radar, hệ thống định vị vệ tinh.
Theo ông Douglas Barrie, Ka-38 ra đời từ thời Liên Xô nhưng không quân Ukraine chưa từng mua tên lửa này với số lượng lớn. Tình trạng thiếu hụt tên lửa không đối đất đã buộc Nga phải sử dụng tên lửa phòng không S-300 để tấn công các mục tiêu trên mặt đất.
Kho tên lửa không đối không lợi hại
Tuy vậy, không quân Nga lại rất thành công khi chống lại máy bay của Ukraine nhờ có kho dự trữ tên lửa không đối không đầy uy lực.
“Không quân Nga thực sự có lợi thế nhờ các tên lửa không đối không tầm trung và tầm xa”, ông Barrie cho biết, ý nói đến những máy bay chiến đấu Su-35S được trang bị tên lửa R-77-1 dẫn đường bằng radar chủ động, sử dụng nhiên liệu rắn, có tầm bắn hiệu quả 90km. Được phát triển dựa trên tên lửa R-77 phiên bản đầu, R-77-1 có khả năng cơ động rất lớn nên việc né tránh nó trở lên vô cùng khó khăn. Radar trên tên lửa R-77-1 hầu như im lặng và chỉ hoạt động vài giây trước khi chạm đích, khiến các phi công Ukraine không có nhiều thời gian để phản ứng.
Ngoài R-77-1, các máy bay chiến đấu của Nga, gồm Su-35M và Su-30M - cũng đã sử dụng tên lửa R-37M, có tầm bắn 321km, theo Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute - RUSI).
Trái lại, các máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27 cũ của Ukraine, có từ thời Liên Xô chỉ được trang bị tên lửa R-27 có tầm bắn 80km. Tên lửa R-27 sử dụng radar bán chủ động, yêu cầu máy bay phóng chỉ dẫn mục tiêu liên tục để tên lửa có thể phát hiện ra. Điều này khiến máy bay giảm khả năng cơ động và dễ trở thành mục tiêu tấn công. Trong khi đó, máy bay Nga có thể dễ dàng nắm bắt tín hiệu radar của đối phương, thông báo cho phi công biết họ đang bị nhắm mục tiêu. Phi công sẽ kích hoạt thiết bị gây nhiễu, phóng mồi nhử hoặc thực hiện hoạt động lẩn tránh.
Vấn đề phức tạp hơn đối với Ukraine nằm ở chỗ hầu hết tên lửa tầm xa của Nga đều là tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động, cho phép chúng dễ dàng phát hiện và tự động tấn công máy bay của đối phương. RUSI lưu ý, tên lửa không đối không tầm xa của Nga đã buộc các phi công Ukraine phải phòng thủ hoặc đối mặt nguy cơ bị bắn hạ. Ngoài ra chúng cũng rất hiệu quả trong cản trở năng lực tấn công của lực lượng không quân Ukraine.
Các nhà phân tích cho rằng, Ukraine sẽ tiếp tục rơi vào tình thế bất lợi trong các cuộc không chiến, nếu phương Tây vẫn chần chừ trong việc cung cấp máy bay chiến đấu và tên lửa đất đối không tiên tiến như AIM-120D do Mỹ sản xuất, có tầm bắn khoảng 160km cho nước này./.
Từ khóa: tên lửa nga, lực lượng không quân ukraine, tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa không đối không, không quân nga, tên lửa không đối đất, nga bắn hạ mục tiêu ukraine, chiến sự nga ukraine, xung đột nga ukraine, tên lửa Ka-38, tên lửa R-77-1, phương tây cung cấp vũ khí cho ukraine, lợi thế của nga
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN