Tên lửa Iskander-M của Nga lộ “tử huyệt” sau đòn tấn công dồn dập vào Ukraine

Cập nhật: 2 ngày trước

VOV.VN - Tên lửa Iskander-M của Nga lộ “tử huyệt” sau khi tiến hành các cuộc tấn công liên tiếp vào cây cầu Zatoka ở Ukraine. Điều này khiến Kiev nhanh chóng phát triển các biện pháp đối phó.

Vào đêm 16/2, lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc tấn công phối hợp vào cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng của Ukraine trong đó có trung tâm hậu cần, cầu chiến lược, cơ sở năng lượng và sân bay.

Một trong những mục tiêu chính của Nga là cây cầu Zatoka, một tuyến đường quan trọng giữa khu vực Odessa và Budjak, đóng vai trò là tuyến đường chiến lược để phương Tây vận chuyển vũ khí từ Romania vào Ukraine.

Nga đã tấn công cây cầu bằng hai tên lửa Iskander-M. Tên lửa đầu tiên được cho là đã bắn trúng các cấu trúc hỗ trợ của nhịp cầu, gây hư hỏng kết cấu. Theo kênh Telegram Iznanka thân Nga, khung cầu đã bị suy yếu và cần phải gia cố

Đáng chú ý, lực lượng Ukraine đã vô hiệu hóa tên lửa Iskander-M thứ hai bằng kỹ thuật tác chiến điện tử, khiến nó phát nổ trên Biển Đen tại khu vực gần cây cầu.

Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với giao thông trên cầu Zatoka đều có thể cản trở đáng kể dòng vũ khí và đạn dược mà NATO vận chuyển đến các lực lượng Ukraine ở các khu vực phía Nam, đặc biệt là xung quanh thành phố Odessa.

“Tử huyệt” của tên lửa Iskander-M

Đây không phải cuộc tấn công đầu tiên của Nga vào cây cầu này. Vào ngày 31/10/2024, lực lượng Nga đã phóng hai tên lửa đạn đạo Iskander-M từ Crimea, cùng với 8 tên lửa không đối đất Kh-59/69 từ máy bay chiến thuật trên Biển Đen vào cầu Zatoka. Đây là một phần của cuộc tấn công quy mô lớn hơn, trong đó có cả các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ Rostov-on-Don nhắm vào Kramatorsk. Lực lượng phòng không Ukraine tuyên bố đã đánh chặn được 2 trong số 8 tên lửa dẫn đường trong cuộc tấn công này

Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M của Nga được cho là một trong những loại vũ khí hiệu quả nhất trong cuộc xung đột. Hệ thống tên lửa này có khả năng cơ động cao và có thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay, khiến nó trở thành vũ khí tấn công rất hiệu quả.

Đáng chú ý, tên lửa có quỹ đạo bán đạn đạo với tốc độ đầu cuối siêu thanh, khiến radar đối phương khó phát hiện và làm giảm thiểu thời gian đánh chặn. Để tăng khả năng xuyên thủng lá chắn phòng thủ tên lửa của Ukraine, tên lửa Iskander-M có đầu đạn được trang bị mồi bẫy nhằm gây nhiễu và đánh lạc hướng hệ thống phòng không của đối phương. Ngoài ra, hệ thống dẫn đường của tên lửa cũng được thay đổi để phù hợp với môi trường đối kháng điện tử mạnh và tăng độ chính xác khi tấn công mục tiêu. 

Khả năng bay không theo quỹ đạo thông thường khiến tên lửa Iskander-M rất khó bị các hệ thống phòng không đánh chặn.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng, tên lửa Iskander-M có “gót chân Asin” tiềm tàng, đó là hệ thống dẫn đường. Tên lửa dựa vào sự kết hợp giữa dẫn đường quán tính và dẫn đường vệ tinh (SATNAV), chẳng hạn như GPS hoặc GLONASS, để tiếp cận khu vực mục tiêu. Việc gây nhiễu các tín hiệu vệ tinh này có thể phá vỡ khả năng xác định vị trí mục tiêu của tên lửa. Đối với Iskander-M, khả năng này rất quan trọng để tên lửa có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác.

Trong giai đoạn đầu cuối, Iskander-M chuyển sang phương pháp dẫn đường chính xác hơn, có thể là bằng hình ảnh radar hoặc hình ảnh quang học (sử dụng tương quan với hình ảnh mục tiêu được tải trước). Ngoài ra, tên lửa cũng có khả năng sử dụng hệ thống dẫn đường tần số vô tuyến thụ động (RF) nếu mục tiêu phát ra năng lượng RF.

Đáng chú ý, tên lửa Iskander-M chỉ có thể sử dụng một loại đầu dò duy nhất cho mỗi nhiệm vụ, trong đó có đầu dò hình ảnh quang học - không bị gây nhiễu nhưng chỉ hiệu quả trong điều kiện tầm nhìn tốt, đầu dò hình ảnh radar - dễ bị nhiễu sóng vô tuyến, có thể tạo ra tín hiệu sai, mặc dù tốc độ cao và quỹ đạo đạn đạo của tên lửa khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn, đầu dò RF thụ động - có thể không hiệu quả nếu mục tiêu tắt phát xạ RF.

Nếu đầu dò đầu cuối bị kẹt hoặc mất hiệu lực, tên lửa sẽ mặc định sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và hệ thống dẫn đường SATNAV để tấn công mục tiêu theo tọa độ được cài đặt sẵn. Tuy nhiên, tín hiệu SATNAV thường bị gây nhiễu trong khu vực mà đối phương sử dụng chiến thuật tác chiến điện tử nên độ chính xác của tên lửa sẽ bị giảm đáng kể.

Vào ban đêm hoặc trong thời tiết xấu, đầu dò quang học trở nên không đáng tin cậy, buộc lực lượng Nga phải sử dụng đầu dò hình ảnh radar thay thế. Điều này khiến Iskander-M dễ bị nhiễu tín hiệu, đặc biệt là khi SATNAV bị gián đoạn, nên hiệu quả tấn công của tên lửa cũng sẽ giảm trong điều kiện tầm nhìn kém.

Tác chiến điện tử EW – Trò chơi mèo vờn chuột

Lực lượng Ukraine có thể sử dụng kết hợp giữa biện pháp gây nhiễu chủ động, như phát ra tín hiệu để phá vỡ hình ảnh RF, cùng các biện pháp thụ động như triển khai mồi nhử hoặc mục tiêu giả để đánh lạc hướng tên lửa đang bay tới.

Tuy nhiên, chiến thuật tác chiến điện tử (EW) và chống tác chiến điện tử được coi là trò chơi “mèo vờn chuột” khi hai bên liên tục điều chỉnh chiến thuật của mình. Khả năng cơ động ở giai đoạn cuối của Iskander-M khiến biện pháp gây nhiễu liên tục của đối phương ít có tác dụng. Nhưng đối phương vẫn có thể đối phó bằng cách tăng cường công suất của tín hiệu gây nhiễu.

Tác chiến điện tử hiệu quả đòi hỏi nhiều nguồn lực, bao gồm máy phát công suất cao, thiết bị chuyên dụng và nhân sự được đào tạo bài bản. Tất cả những yếu tố này đều khó có thể duy trì trong điều kiện chiến đấu khắc nghiệt

Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể của phương Tây trong tác chiến điện tử (EW), tiếp cận được một số thiết bị và cảm biến EW tiên tiến nhất.

Thời gian gần đây, công ty quốc phòng Thales của Pháp và Ukroboronprom đã thành lập một liên doanh tại Ukraine để phát triển công nghệ phòng không, radar, hệ thống tác chiến điện tử, thông tin liên lạc chiến thuật và hệ thống quang điện tử.

Từ khóa: ukraine, Tên lửa Iskander-M, Nga, Ukraine, Nga tấn công ukraine, điểm yếu của tên lửa Iskander-M, tử huyệt của Iskander-M, Nga tấn công tên lửa Ukraine,tác chiến điện tử, gây nhiễu tín hiệu

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: hồng anh/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập