Tên lửa Đức không phải là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" trong xung đột Nga-Ukraine
Cập nhật: 5 ngày trước
Khám phá câu chuyện về nghề gốm cổ xưa của Hy Lạp (23/11/2024)
Bất ngờ về báo cáo công khai tài sản của các bộ trưởng trong chính phủ Nhật Bản
VOV.VN - Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ARD ngày 17/11, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết việc chuyển giao tên lửa hành trình phóng từ trên không Taurus cho Ukraine sẽ không làm thay đổi đáng kể tình hình trên chiến trường.
“Tên lửa Taurus sẽ không phải là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi. Nhiệm vụ của các nước châu Âu chúng tôi trong cuộc chiến là rất khác nhau. Bây giờ chúng tôi phải đảm bảo rằng Ukraine tiếp tục nhận được nguồn viện trợ lâu dài”, ông Pistorius cho biết khi được hỏi về việc liệu Đức có nên xem xét lại quyết định không cung cấp cho Ukraine tên lửa Taurus hay không.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hồi tháng 4 cũng tuyên bố sẽ không thay đổi quan điểm về việc viện trợ tên lửa cho KIev do lo ngại tên lửa hành trình Taurus có thể được sử dụng để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Moscow và làm leo thang xung đột với Nga.
Taurus là tên lửa hành trình phóng từ trên không do công ty liên doanh Đức -Thụy Điển Taurus Systems GmbH sản xuất. Tên lửa này hiện đang được sử dụng trong quân đội của Đức, Tây Ban Nha và Hàn Quốc. Tên lửa Taurus có trọng lượng khoảng 1.400 kg, mang đầu đạn nặng 480 kg, có tầm bắn lên tới 500 km.
Tuyên bố của ông Pistorius được đưa ra khi một số quan chức EU lo ngại rằng việc Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 có thể chấm dứt dòng chảy viện trợ từ Washington tới Kiev.
Hồi tháng 9, ông Scholz tiếp tục cảnh báo rằng quyết định cung cấp tên lửa hành trình cho Ukraine "tương đương với việc tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột với Nga". Tuần trước, trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau gần hai năm, ông Scholz đã tái khẳng định quyết tâm của Berlin trong việc hỗ trợ Kiev, đồng thời kêu gọi Nga chấm dứt các hoạt động quân sự tại Ukraine.
Nhà lãnh đạo Đức hiện đang phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và cuộc bầu cử sớm vào đầu năm sau sau khi liên minh cầm quyền sụp đổ vì bất đồng về ngân sách. Berlin đã sử dụng hàng tỷ euro từ ngân quỹ trong nước để viện trợ cho cuộc chiến ở Ukraine trong những năm gần đây.
Cuộc phỏng vấn của ông Pistorius diễn ra trùng với thời điểm nhiều hãng thông tấn lớn đưa tin, Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden đã đảo ngược chính sách trước đó và cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Nhà lãnh đạo Điện Kremlin từng tuyên bố, sự tham gia trực tiếp của các nước phương Tây sẽ làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột và Moscow sẽ buộc phải đưa ra quyết định dựa trên những mối đe dọa có thể tạo ra đối với Nga.
Từ khóa: Ukraine, Nga,Đức,tên lửa
Thể loại: Thế giới
Tác giả: diệp thảo/vov.vn (biên dịch)
Nguồn tin: VOVVN