Temu và các sàn đang tuồn hàng giá rẻ vào Việt Nam: Cần hành động ngay để tránh tác động tiêu cực

Cập nhật: 25/10/2024

VOV.VN - Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, mấy ngày nay, báo chí và mạng xã hội nhắc nhiều đến Temu. Người ta nói nhiều đến việc cơ quan nhà nước, trong đó là Bộ Công Thương có trách nhiệm phải đưa ra giải pháp để khắc chế tình trạng giá bán rẻ trên sàn này. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có giải pháp thực sự hiệu quả.

Bán lẻ trên thương mại điện tử có thể “giết chết” bán lẻ truyền thống

Bên hành lang Quốc hội hôm nay 25/10, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP.HCM) đã chia sẻ với báo chí về nỗi lo đối với thương mại điện tử đến kinh tế trong nước, đến khu vực sản xuất, đến chuỗi bán lẻ truyền thống.

Theo nữ đại biểu, nền kinh tế Việt Nam, khu vực sản xuất, chuỗi bán lẻ của chúng ta đang bị cạnh tranh rất mạnh từ hàng giá rẻ của nước ngoài. Sự phát triển nhảy vọt của thương mại điện tử đến từ các nước khác ngày càng hiện rõ, nhưng chúng ta chưa có biện pháp hữu hiệu nào kiểm soát.

Thực tế, việc Temu chưa đăng ký với cơ quan chức năng Việt Nam mà tự hoạt động giao dịch, bán hàng tại Việt Nam là vi phạm các quy định của luật pháp. Tuy nhiên, sự việc này cũng chỉ bị xử lý hành chính, các chiêu trò bán hàng giá rẻ, kêu gọi người tham gia bán hàng với mức chiết khấu lớn, lãi không tưởng đã đem lại ích lớn cho Temu và sàn thương mại có xuất xứ từ Trung Quốc có thể coi việc này như cách để tạo scandal tại Việt Nam.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thừa nhận: “Mấy ngày nay, báo chí và mạng xã hội nhắc nhiều đến Temu, tôi mới đầu cũng không biết Temu là gì, nhưng nay tìm hiểu và có vào xem”.

Người ta nói nhiều đến việc cơ quan nhà nước, trong đó là Bộ Công Thương có trách nhiệm phải đưa ra giải pháp để khắc chế tình trạng giá bán rẻ trên sàn này. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có giải pháp thực sự hiệu quả.

“Chúng ta nhắc đến sàn này quá nhiều mà không có giải pháp gì thì không khác gì quảng bá cho thương hiệu này phổ biến đến công chúng. Nói nhiều, nhưng cơ quan nhà nước, cụ thể là Bộ Công Thương có trách nhiệm phải đưa ra giải pháp, nhưng hiện nay vẫn chưa có giải pháp nào hiệu quả”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu ý kiến.

Theo bà Lan, thế giới phẳng hiện nay chúng ta khó có thể dùng mệnh lệnh hành chính để cấm, cản mà phải dùng đồng bộ các giải pháp. Thương mại điện tử là xu hướng của thế giới, nhưng phải được đặt trong quy định về quản lý thuế, cạnh tranh lành mạnh, hàng hoá phải đảm bảo chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng.

Các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như quần áo, đồ gia dụng nhỏ lẻ lặt vặt trên thị trường truyền thống đã bị thương mại điện tử chiếm hết thị phần. Điều này rất khó cho doanh nghiệp sản xuất, khi đầu ra là bán hàng khó khăn, cả nền kinh tế chỉ mỗi bất động sản tăng giá, phát triển thì không ổn.

Nữ đại biểu cho rằng, có nhiều sản phẩm trên không gian mạng đang vi phạm về hàng giả nhãn mác, không chất lượng và không bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đơn cử, bà Lan nói, trong lĩnh vực y tế: “Bản thân tôi cũng không biết phải nói thế nào, rất đau đầu khi nói đến thực phẩm sức khoẻ, bán thuốc online. Không những chất lượng mà còn bán phá giá, hạ giá rẻ kinh khủng. Hiện giờ rất khó, yêu cầu vào cuộc của cả xã hội”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Theo phân tích của Đại biểu Lan, bán lẻ trên thương mại điện tử có thể “giết chết” bán lẻ truyền thống. Nhưng nó có thể làm thay đổi chuỗi phân phối và kinh tế xã hội nếu hướng vào đúng mục tiêu, quản lý tốt.

“Hiện nay, ở TP.HCM thuê mặt bằng bán lẻ để bán hàng có chi phí hàng chục triệu/tháng, nhưng khi bán hàng online trên các sàn, không phải chịu chi phí, sẽ giúp giảm giá bán sản phẩm đến tay người dân. Khi thương mại điện tử phát triển sẽ làm giá thuê mặt bằng giảm, cũng có thể kéo giá bất động sản giảm xuống. Bởi khi bán không có người mua, người ta sao có thể thuê và mua mặt bằng được nữa”, bà Lan khẳng định.

Cần phải hành động ngay

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo điện tử VOV, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cũng cảnh báo các loại hàng hóa không đóng thuế, hạ giá bán ồ ạt vào Việt Nam sẽ tác động đến các ngành sản xuất trong nước, thiếu sự công bằng đối với các doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Ngân cho rằng, "chúng ta phải hành động ngay" để tránh những tác động lớn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.

"Chúng ta khuyến khích thương mại điện tử nhưng phải kiểm soát chặt chẽ để chống gian lận thương mại, trốn thuế, đảm bảo sự công khai, minh bạch, tạo sự công bằng đối với sản xuất nội địa. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp về hàng rào thuế quan nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ lẻ trong nước”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Trong một diễn biến liên quan, tại họp báo thường kỳ quý III tại Bộ Công Thương chiều 23/10, trả lời về những diễn biến mới trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam, trước sự đổ bộ của hàng loạt sàn bán lẻ Trung Quốc như Temu, Shein, Taobao… Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân - người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết, cũng thấy “giật mình” vì thấy giá của họ quá rẻ. Tuy nhiên, trước mắt chưa thể khẳng định sản phẩm đó chất lượng ra sao, do đó cần phải điều tra, nghiên cứu cụ thể.

“Bộ Công Thương đang triển khai Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, giao cho Tổng cục Quản lý thị trường kiểm soát về vấn đề này", ông Tân nói.

Về tác động từ các sàn thương mại điện tử đến thị trường và các sàn khác đang hoạt động tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ đang giao cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá các tác động. Khi có kết quả nghiên cứu đánh giá, Bộ Công Thương sẽ đề ra giải pháp nhằm kiểm soát hoạt động của Sàn Temu.

Từ khóa: Temu, Temu, sàn Temu, thương mại điện tử, bán lẻ truyền thống, bên lề Quốc hội,kỳ họp quốc hội

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: cẩm tú/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập