Tây Bắc hiện thực hoá khát vọng phát triển từ Nghị quyết của Đảng

Cập nhật: 31/12/2022

VOV.VN - Trong Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020- 2025, các tỉnh Tây Bắc là Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La và Lai Châu đều đặt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành tỉnh phát triển toàn diện.

Trong Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020- 2025, các tỉnh Tây Bắc là Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La và Lai Châu đều đặt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành tỉnh phát triển toàn diện. Năm 2023, đang gõ cửa với nhiều thời cơ mới. Các địa phương trong khu vực Tây Bắc xác định tiếp tục nỗ lực hiện thực hóa khát vọng của mình bằng những biện pháp cụ thể, sát thực, có trọng tâm trọng điểm trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát .

Là cửa ngõ quốc gia, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc, năm 2022, ảnh hưởng của chính sách phòng chống dịch phía Trung Quốc đã khiến hoạt động xuất nhập khẩu qua Lào Cai trầm lắng, tổng giá trị thông quan hàng hóa cả năm ước đạt trên 2,3 tỷ USD, chỉ bằng một nửa so với kế hoạch đề ra.

Trước những ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan, Lào Cai đã chủ động, linh hoạt, vừa cởi mở, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, vừa thiết lập vùng xanh không Covid-19 tại cửa khẩu bảo đảm thông quan hàng hóa nhanh chóng, thích ứng với chính sách Zero Covid phía Trung Quốc.

Lào Cai cũng chủ trì, tham dự nhiều sự kiện lớn như Hội nghị trực tuyến giữa Bí thư 4 tỉnh biên giới của Việt Nam với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; tham dự Diễn đàn tỉnh trưởng hành lang kinh tế GMS.

Lào Cai còn có nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo Trung ương, các bộ, ngành liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Kết quả đã có 2 nội dung quan trọng được đưa vào Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc sau chuyến thăm chính thức CHND Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là hai bên sớm hoàn thiện đánh giá Quy hoạch tuyến đường sắt với đường ray khổ tiêu chuẩn 1,4 m Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và hai bên tập trung trao đổi thống nhất phương án kết nối đoạn đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai – ông Trịnh Xuân Trường cho biết: "Năm 2023, Lào Cai đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 5 tỷ USD trong bối cảnh có thể chính sách phía nước bạn sẽ cởi mở hơn. Cộng với việc Lào Cai đã và đang chỉ đạo xây dựng Cửa khẩu số; kiện toàn lại Ban Quản lý Khu Kinh tế, kiện toàn cả về chức năng, nhiệm vụ cùng với đầu tư hạ tầng thì nhận thấy rằng nếu cố gắng cũng sẽ đủ điều kiện. Nhưng vấn đề cơ bản là phải kết nối được với các doanh nghiệp ở các địa phương khác, ở trong vùng, kết nối với các doanh nghiệp phía Vân Nam thì mới thúc đẩy được giá trị xuất nhập khẩu".

Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một trong những điểm nhấn ở Tây Bắc trong năm qua, đây chính là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Tại tỉnh Điện Biên, Dự án đầu tư xây dựng và mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên Phủ là một trong những dự án trọng điểm để chào mừng và phục vụ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; đồng thời cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh - quốc phòng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng, từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), với quy mô xây dựng đáp ứng khai thác tàu bay A320, A321 và tương đương.  Đến nay, sau khi có mặt bằng và hoàn tất việc rà phá bom mìn, nhiều hạng mục tiếp theo của Dự án đang được các nhà thầu triển khai, với quyết tâm hoàn thành và đưa vào khai thác đúng tiến độ đề ra. 

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Việc các hạng mục được triển khai đáp ứng tiến độ, đảm bảo hoàn thành đưa vào sử dụng toàn bộ dự án kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn cho kinh tế - xã hội của Điện Biên nói riêng, khu vực Tây Bắc nói chung.

"Đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã được tỉnh thực hiện hoàn thành, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Các gói thầu thuộc dự án như: Rà phá bom mìn, vật liệu nổ; xây dựng hàng rào an ninh; xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn sân đỗ cũng đã được triển khai khởi công. Với tiến độ này cũng như sự quyết tâm, nỗ lực của chủ đầu tư thì tiến độ sẽ hoàn thành các nội dung này dự kiến vào cuối tháng 8/2023" - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nói.

Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, các tỉnh Tây Bắc đang nỗ lực để “thoát nghèo”.  Tại Yên Bái, trong 11 tháng của năm 2022, giá trị xuất khẩu đạt trên 274 triệu USD, tăng hơn 32% so với cùng kỳ.

Công ty TNHH một thành viên đá trắng Bảo Lai, đóng chân trên địa bàn huyện Yên Bình những ngày cuối năm không khí lao động càng trở nên rộn ràng, khẩn trương hơn. Sau 2 năm gián đoạn sản xuất, kinh doanh do tác động của dịch bệnh Covid-19 và năm 2022 chịu tác động không nhỏ từ thị trường thế giới, doanh nghiệp này đã chủ động thực hiện tái cấu trúc lại mô hình sản xuất, kinh doanh, một mặt nối lại các bạn hàng và thị trường truyền thống, mặt khác là tìm kiếm các đối tác mới. Kết quả là từ đầu năm đến nay, sản lượng sản xuất của công ty đạt trên 11.000 tấn bột đá, 60.000 tấn hạt nhựa; doanh thu đạt trên 600 tỷ đồng; trong đó xuất khẩu chiếm tới 75% sản lượng.

Ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên đá trắng Bảo Lai cho biết: "Tuy kinh tế thế giới có biến động nhưng các đơn hàng của chúng tôi vẫn ổn định. 3 tháng cuối năm chúng tôi vẫn đạt được doanh số tập đoàn cũng như hội đồng quản trị giao cho. Cán bộ công nhân viên đi làm 75% so với công suất mà chúng tôi định ra từ đầu năm...".

Thay đổi toàn diện hướng canh tác trong sản xuất nông nghiệp, các tỉnh Tây Bắc đang gặt hái rất nhiều “quả ngọt” trên thế mạnh về đất đai rộng lớn của mình. Sơn La là tỉnh điển hình nhất khi trở thành “thủ phủ cây trái” của Việt Nam.

Những ngày này, nông dân trồng na ở huyện Mai Sơn phấn khởi khi vụ thu hoạch na sầu riêng đầu tiên được mùa, được giá. Na sầu riêng là sản phẩm mới, được HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn phối hợp với Viện rau quả Việt Nam trồng thành công nhờ việc ghép mắt giữa giống cây nhập từ Đài Loan với giống na dai truyền thống.

Hợp đất, hợp khí hậu, cùng với kỹ thuật chăm sóc đặc biệt, na sầu riêng phát triển rất tốt; mỗi quả nặng trung bình từ 1 – 1,5kg; có quả to đến hơn 2kg. Giá bán trung bình khoảng 400 - 500 nghìn đồng/kg. Niềm vui của người nông dân như nhân lên, khi na sầu riêng của HTX được công nhận là 1 trong 19 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Sơn La năm 2022.

Ông Nguyễn Quốc Hội, thành viên HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) chia sẻ: "Chúng tôi rất tự hào khi trồng thành công giống na này, quả chất lượng hơn hẳn, sản lượng đạt, mẫu mã đẹp, giá thành cao, người nông dân rất phấn khởi. Trên đất Sơn La, na sầu riêng thích nghi, hợp nhất vào thời điểm mùa đông, trái đẹp, ăn quả ngon, thơm, vị đặc trưng, không giống các loại na đang có. Kỹ thuật, thời gian chăm sóc dài hơn, bảo vệ sâu bệnh hại nhiều hơn, tuy vậy giá trị quả na nâng lên, người nông dân làm đạt được kinh tế cao".

Đến nay, Sơn La đã có hơn 80.000 ha cây ăn quả, diện tích đứng thứ hai cả nước; trong đó, gần 22.500 ha diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; có 24 sản phẩm mang địa danh của tỉnh Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 02 sản phẩm được bảo hộ tại Châu Âu và Thái Lan...

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, trong thời gian tới, Sơn La sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc theo tinh thần Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị; góp phần nâng cao giá trị, nâng tầm thương hiệu, đưa nông sản Sơn La vươn xa.

"Sơn La đã và đang thu hút các nhà máy chế biến để giải quyết bài toán mùa vụ, để vừa chế biến vừa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; đồng thời, thay đổi hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, điển hình là đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Và đặc biệt là tiếp tục sản xuất sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn, cấp mã số vùng trồng để đủ điều kiện xuất khẩu, nhất là các thị trường khó tính" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nói.

Năm 2022, hầu hết các địa điểm du lịch ở Tây Bắc đã đông khách trở lại; nhiều lễ hội văn hóa, du lịch cũng được tổ chức sau 2 năm gián đoạn.

Ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết: Trong và sau giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, tỉnh Lai Châu đã bền bỉ, linh hoạt thích ứng, không ngừng nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ, đào tạo lại nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án về du lịch. Địa phương đã tổ chức nhiều sự kiện quảng bá du lịch như: Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc; Tuần văn hóa - du lịch năm 2022; Tuần văn hóa - du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh... mở ra giai đoạn bứt phá mới, từng bước khẳng định uy tín và thương hiệu du lịch Lai Châu trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Ngoài ra, Lai Châu cũng giới thiệu những sản phẩm đặc trưng trong phát triển du lịch của mình như: Khám phá các đỉnh núi cao nguyên sơ, bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc... 4 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và nội địa trong năm đã không ngừng đưa khách về địa phương, nâng tổng số lượt khách đến với Lai Châu là hơn 760.000 lượt, cho doanh thu trên 550 tỷ đồng, đạt hơn 155% so với kế hoạch.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu nói: "Chúng tôi tiếp tục phối hợp với Tổng cục Du lịch đưa các doanh nghiệp lữ hành của các tỉnh lên khảo sát để thiết lập các sản phẩm du lịch mới mà Lai Châu có lợi thế như: Thiết lập các tour du lịch chinh phục các đỉnh núi cao cảu Lai Châu; du lịch sinh thái lòng hồ; du lịch nông nghiệp gắn với quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, thế mạnh của tỉnh... Đồng thời chúng tôi cũng sẽ chuẩn bị những điều kiện cần thiết sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế quay trở lại tỉnh".

Nỗ lực làm mới mình, triển khai các giải pháp thích hợp và hiệu quả, các tỉnh Tây Bắc đang nỗ lực để phát triển bền vững, từng bước “rút chân” ra khỏi “lõi nghèo” của cả nước. Trong bối cảnh dịch bệnh đã không còn tác động lớn vào đời sống. Xuân mới gõ cửa, là thời cơ để các địa phương hiện thực hóa khát vọng phát triển của mình, qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân./.

Từ khóa: Thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020- 2025, Tây Bắc hiện thực hoá khát vọng phát triển

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập