Tàu ngầm Seawolf - “sát thủ đại dương” vang bóng 1 thời của hải quân Mỹ

Cập nhật: 27/12/2019

VOV.VN - Mặc dù không được phát triển rộng rãi, nhưng hạm đội Seawolf lại đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ưu thế dưới nước của của Hải quân Mỹ.

Tàu ngầm lớp Seawolf của Mỹ được chế tạo với những đặc tính vượt trội hơn tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles, nhằm duy trì lợi thế của Mỹ dưới lòng đại dương. Mặc dù là một trong những tàu ngầm tốt nhất thế giới, nhưng chúng lại được đóng với số lượng hạn chế. Xét trên nhiều lĩnh vực, Seawolf được coi là “F-22” của tàu ngầm, nhưng chi phí đắt đỏ đã khiến việc sử dụng loại tàu ngầm này trở thành 1 thách thức lớn.

tau ngam seawolf - "sat thu dai duong" vang bong 1 thoi cua hai quan my hinh 1
Tàu ngầm Seawolfcủa Hải quân Mỹ. Ảnh:Hải quân Mỹ,

Tàu ngầm tấn công hạt nhân xuất sắc nhất của Mỹ

Vào cuối những năm 1980, hải quân Mỹ đối mặt với một cuộc khủng hoảng lực lượng. Năm 1980, Liên Xô tiếp nhận thông tin tình báo từ gia đình gián điệp Walker cho biết, hải quân Mỹ có thể theo dõi các tàu ngầm của nước này thông qua tiếng ồn lớn phát ra từ chân vịt. Kết quả là Liên Xô đã tìm kiếm các máy móc tiên tiến của phương Tây để chế tạo chân vịt tốt hơn cho tàu ngầm. Năm 1981, công ty Toshiba của Nhật Bản đã bán máy phay chế tạo chân vịt cho Liên Xô thông qua tập đoàn Kongsberg của Na Uy.

Đến giữa những năm 1980, các loại máy móc mới của Liên Xô bắt đầu phát huy tác dụng. Tàu ngầm mới lớp Akula đã hạn chế gây tiếng ồn ở mức độ tối đa. Một nguồn tin chính phủ nói với tờ Los Angeles Times rằng: “Tàu ngầm bắt đầu im lặng chỉ sau khi được lắp đặt công cụ của Toshiba”. Với ưu điểm mới, tàu ngầm lớp Akula có thể lặn ở độ sâu hơn 600m, trong khi đó, tàu ngầm tiền tuyến lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ, chỉ có thể lặn gần 200m.

Để đối phó với mối đe dọa của tàu ngầm lớp Akula, hải quân Mỹ đã cho ra đời tàu ngầm tấn công hạt nhân Seawolf. Tàu ngầm Seawolf được chế tạo bằng lớp vỏ hợp kim thép HY-100 dày hơn 5cm, giúp chịu áp lực tốt hơn khi lặn sâu dưới nước. Thép HY-100 có độ bền lớn hơn 20% so với thép HY-80 được sử dụng cho lớp Los Angeles. Do đó, tàu ngầm mới có khả năng lặn ở độ sâu hơn 600m, và “độ sâu phá hủy” - giới hạn độ sâu khiến các bộ phận của tàu ngầm sẽ không thể chịu được áp lực nước, là từ 731m đến 914m.

Tàu ngầm Seawolf được thiết kế ngắn hơn các tàu ngầm trước đó với chiều dài khoảng 107m, tuy nhiên nó lại rộng hơn với bề ngang khoảng 12m. Điều này khiến chúng nặng hơn tàu ngầm tiền nhiệm. Tàu có lượng choán nước 12.158 tấn.

Mỗi tàu ngầm Seawolf hoạt động nhờ một lò phản ứng hạt nhân WestinghouseS6W, giúp cung cấp năng lượng cho hai tuabin hơi nước với tổng công suất 52.000 mã lực. Seawolf là tàu ngầm đầu tiên của Mỹ sử dụng hệ thống đẩy phản lực nước để di chuyển thay vì chân vịt, một tính năng đã được chuyển đổi sang lớp tàu ngầm Virginia mới nhất. Kết quả là Seawolfcó thể di chuyển với tốc độ 18 hải lý/giờ khi nổi, tốc độ tối đa 35 hải lý/giờ khi lặn và tốc độ chạy ở chế độ im lặng 20 hải lý/giờ.

Tàu ngầm lớp Seawolf được trang bị bộ định vị thủy âm khẩu độ rộng BQQ5D. Đây là một hệ thống định vị thủy âm kỹ thuật số được thiết kế dạng hình cầu bố trí ở trước mũi tàu ngầm cùng một mảng gắn ở thân tàu. Bên cạnh đó, Seawolf còn được tích hợp hệ thống BQS 24 để phát hiện thủy lôi.

Thợ săn thực thụ

Seawolf được thiết kế với vai trò là “thợ săn thực thụ” với 8 ống phóng ngư lôi, gấp đôi so với số lượng ống phóng ngư lôi của các tàu ngầm tiền nhiệm. Nó có thể mang tối đa 50 ngư lôi hạng nặng Mark 48 cùng các tên lửa chống hạm Sub-Harpoon, tên lửa hành trìnhSub-Harpoon và tên lửa Tomahawk.

Theo Hải quân Mỹ, tàu ngầm Seawolf khi hoạt động có độ ồn thấp hơn 10 lần so với phiên bản tàu ngầm cải tiến lớp Los Angeles và thấp hơn 70 lần so với tàu ngầm lớp Los Angeles đời đầu. Để có được tính năng vượt trội như vậy, chi phí chế tạo tàu ngầm này cũng gia tăng đột biến. Toàn bộ chương trình chế tạo tàu ngầm Seawolf lúc bấy giờ ước tính vào khoảng 33 tỷ USD, một khoản chi phí khó có thể chấp nhận được trong bối cảnh Liên Xô tan rã vào năm 1991 và mối đe dọa từ tàu ngầm Akula cũng không còn nữa. Chương trình chỉ dừng lại ở việc chế tạo 3 tàu ngầm thuộc lớp này, với giá trị 7,3 tỷ USD.

Đặc tính yên lặng khi hoạt động của tàu ngầm lớp Seawolf mang đến cho cho lực lượng hải quân ý tưởng sửa đổi chiếc tàu ngầm cuối cùng thuộc lớp này là USS Jimmy Carter, để hỗ trợ cho các hoạt động bí mật. Hải quân Mỹ đã bổ sung một bộ phận có tên gọi mô-đun đa nhiệm MMP (Multi-Mission Platform). MMP giúp tàu ngầm Jimmy Carter có khả năng triển khai và thu hồi các phương tiện điều khiển từ xa hoặc các phương tiện lặn không người lái, hỗ trợ đặc nhiệm SEAL hay các đội thợ lặn khi làm nhiệm vụ.

Seawolf được nhận xét là tàu ngầm tấn công hạt nhân xuất sắc của hải quân Mỹ. Mặc dù không được phát triển rộng rãi, nhưng hạm đội Seawolf lại đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ưu thế dưới nước của của Hải quân Mỹ, giúp lực lượng này có được năng lực vượt trội mà ngay cả tàu ngầm lớp Virginia được sản xuất trong giai đoạn hậu chiến tranh Lạnh cũng không thể tạo ra được./.

Từ khóa: tàu ngầm Seawolf, hải quân Mỹ, tàu ngầm tấn công hạt nhân, tàu ngầm lớp Akula, Liên Xô

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập