Tàu đóng mới theo Nghị định 67 'trở bệnh', ngân hàng lo sốt vó
Cập nhật: 25/09/2019
Người trồng hoa ở "thủ phủ" hoa lay ơn của Quảng Ngãi lo mất Tết
250 gian hàng trưng bày tại Hội chợ xuân 2025 thành phố Đà Nẵng
VOV.VN - Nhiều tàu đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ của ngư dân Đà Nẵng mới hoạt động đã làm ăn thua lỗ, nằm bờ.
Tháng 3/2016, con tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Mười (ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) hạ thủy trong niềm vui của gia đình, bạn thuyền.
Tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Mười lúc sắp hạ thủy. |
Đây là một trong 7 con “tàu 67” (tàu đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ) được TP Đà Nẵng xét duyệt cho vay, tổng mức đầu tư đóng mới hơn 18,3 tỷ đồng.
Trong số tiền này, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Chi nhánh Đà Nẵng cho vay 17,3 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của gia đình.
Chủ tàu thiết kế biểu tượng trống đồng, chim hạc phía mũi tàu, lấy tên An Nam đặt cho con tàu nhằm thể hiện quyết tâm vươn khơi bám biển.
Thế nhưng, chỉ sau vài chục chuyến biển, việc đánh bắt hải sản của ngư dân Trần Văn Mười gặp khó khăn. Gần 1 năm rưỡi sau khi tàu hạ thủy, ông Mười bắt đầu “đuối” dần trong việc trả nợ ngân hàng. Chính vì thế mà các khoản nợ gốc và lãi vay đã chuyển sang nợ quá hạn, rồi đến nợ xấu.
Ngư dân Trần Văn Mười cho biết, "Chuyến cuối năm thì đi cứu hộ, cứu nạn, chuyến đầu năm thì trục vớt tàu lên. Với lại giờ cũng khó làm. Tiền trả nợ, tôi đành lấy nguồn nhà nước hỗ trợ dầu bù qua. Nói chung là rất khó khăn, 2 năm nay đi biển đánh bắt được rất ít."
Một trường hợp khác là ngư dân Lê Văn Sang (ở phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Sinh ra trong 1 gia đình có truyền thống làm nghề biển, là con của ngư dân tiêu biểu Trần Văn Mến, cha đẻ của ngành dịch vụ hậu cần nghề cá nên anh Sang được ưu tiên xét duyệt cho vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Những "chiếc tàu 67" ngày ra khơi cùng với sự vui mừng của ngư dân. |
Sau khi vay hơn 19 tỷ đồng từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Chi nhánh Hải Vân, anh Sang kỹ lưỡng chọn mẫu thiết kế, trực tiếp giám sát vận hành tàu.
Thế nhưng, tàu hậu cần của anh cũng chỉ làm ăn trên biển một thời gian ngắn rồi “trở bệnh”. Từ sau Tết đến nay, không ai biết anh Sang ở đâu để đòi nợ. Con tàu thì vẫn neo đậu cạnh Âu thuyền Thọ Quang, mặc cho mưa nắng, hoen gỉ.
Bà Lê Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, "Tôi thấy nóng ruột là anh em nợ ngân hàng nhiều quá, cũng nhắc nhở làm ăn tiết kiệm tích cóp trả nợ ngân hàng chứ nợ thì không thể không trả được. Vừa rồi cũng tâm sự với gia đình mà gia đình nói giờ cũng bó tay rồi".
Đến nay, TP Đà Nẵng xét duyệt cho ngư dân vay đóng mới 7 tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ về “Một số chính sách phát triển thủy sản”. Trong đó có 2 tàu vỏ gỗ và 5 tàu vỏ thép.
Những trường hợp được xét duyệt cho vay đều là ngư dân làm ăn giỏi, điều kiện kinh tế gia đình khấm khá. Chẳng hiểu vì sao khi vận hành tàu to, máy lớn, an toàn hơn nhưng đa số những hộ vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 đều gặp khó khăn.
Chỉ cần vài tháng không trả được nợ là thành nợ quá hạn, lãi mẹ đẻ lãi con nên ngư dân càng thêm lo lắng. Nhiều người bỏ mặc tàu nằm bờ từ tháng này qua tháng khác, nợ ngân hàng chuyển sang nợ xấu.
Theo ông Đào Hữu Quyết, Phó Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Chi nhánh Hải Vân, "Tàu bè đúng ra phải hoạt động để có nguồn thu, trả nợ ngân hàng chứ bây giờ liên lạc cũng không được. Vừa rồi chúng tôi cũng có mấy văn bản gửi Ban Chỉ đạo và Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản để nhờ hỗ trợ thu hồi nợ. Có lẽ xin chủ trương xử lý tài sản này, tức phải bán để thu hồi nợ chứ cứ nằm bờ như vậy càng thêm hư hỏng."
Ít ai nghĩ tàu của ông Mười gặp khó khăn. |
Đà Nẵng được xem là một trong những địa phương có quy trình xét duyệt cho vay đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 nghiêm ngặt nhất.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng, từ 2015 - 2017, đơn vị thẩm định 32 hồ sơ vay vốn theo Nghị định 67 của ngư dân, trong đó chỉ có 9 hồ sơ đạt, 8 hồ sơ tổ chức, cá nhân tự rút do không còn nhu cầu vay, 15 hồ sơ không đạt với nguyên nhân người vay chưa có đủ năng lực nghề nghiệp và năng lực tài chính.
Kết quả cho vay theo Nghị định 67 tính đến cuối năm 2017, 5 ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố đã chấp thuận cho vay để đóng mới, nâng cấp 9 trên tổng số 10 tàu được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt. Trong đó có 7 tàu đóng mới, 2 tàu nâng cấp, tổng số tiền cho vay hơn 120 tỷ đồng.
Ông Trịnh Quang Vinh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cho biết, sản lượng đánh bắt hàng năm của ngư dân Đà Nẵng vẫn tăng nhưng chẳng hiểu vì sao tàu 67 lại đánh bắt kém hiệu quả?
"Quá trình họ đánh bắt thì mình tính sản lượng thôi, còn chuyện lời lỗ của họ sao mình nắm bắt được. Làm sao mình biết họ đánh bắt sản lượng họ bán bao nhiêu, họ có ghi trong sổ riêng của họ chứ. Về mình thấy sản lượng tốt, sản phẩm tốt thì ước lượng so với tiêu hao của họ thì mình biết họ chừng mực nào đó thôi", ông Vinh nói./.
Từ khóa:
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN