Tàu cá còn vi phạm vùng biển nước ngoài EC sẽ chưa rút thẻ Vàng

Cập nhật: 27/12/2019

VOV.VN - Chừng nào Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì Ủy ban châu Âu sẽ không rút thẻ Vàng.

“Chừng nàoViệt Nam chưa giải quyết được tình trạng tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài,Ủy ban châu Âu(EC)sẽ chưa rút thẻ Vàng”. Đây là thông tin được đưa ra sau chuyến làm việc lần thứ hai tại Việt Nam từ ngày 5 - 14/11 của Đoàn Thanh tra Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của Uỷ ban châu Âu (Đoàn Thanh tra EC) kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).

Báo cáo tại Hội nghị phổ biến các kết quả làm việc với Đoàn Thanh tra EC về IUU do Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 28/12 tại TP Đà Nẵng cho thấy, ngày 19/12, EC có công thư (MARE B4/SPM Ares - 2019) thông báo ý kiến đối với các nội dung đã kiểm tra tại Việt Nam. Theo đó, Đoàn Thanh tra EC ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU và triển khai các khuyến nghị của EC.

Đoàn Thanh tra EC khẳng định, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra lần 1 vào tháng 5/2018 và đang đi đúng hướng. Việt Nam đã triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn luật. Các địa phương đã cải thiện đáng kể trong công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá (MCS) so với lần kiểm tra trước…

viet nam phai cham dut hoan toan tinh trang tau ca vi pham vung bien nuoc ngoai hinh 1
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, việc thực hiện các khuyến nghị của EC vẫn còn nhiều hạn chế như: Tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá còn chậm; Việc giám sát tàu cá và sử dụng hệ thống giám sát tàu cá còn nhiều lỗi kỹ thuật; Việc xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế và chưa thống nhất giữa các địa phương, nhất là đối với tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.

Chưa có bằng chứng chứng minh các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam đã đảm bảo cơ chế truy xuất nguồn gốc đầy đủ và chính xác trong nhà máy chế biến; Quy mô đội tàu lớn dẫn đến việc quản lý cường lực khai thác còn đáng quan ngại; Tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có dấu hiệu giảm; Việc áp dụng hình thức xử lý đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chưa đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương….

Sau đợt kiểm tra vừa qua, EC đưa ra những khuyến nghị cần triển khai tất cả các cơ chế cần thiết để đảm bảo triển khai khung pháp lý mới một cách hiệu quả; Tăng cường sự giám sát trong việc triển khai thực hiện khung pháp lý, đặc biệt là công tác thực thi pháp luật trong thực tế.

Về việc theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá, EC lưu ý Việt Nam cần đảm bảo thực thi đầy đủ các quy định về kiểm soát sản phẩm thủy sản, quy định ra, vào cảng của các tàu nước ngoài; Xây dựng, bổ sung quy trình thẩm định các thông tin do tàu nước ngoài cung cấp; Đảm bảo thực hiện các quy định về kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát thủy sản qua cảng được thực hiện đồng đều tại tất cả các tỉnh ven biển; Lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên và triển khai toàn diện quy trình để theo dõi, kiểm soát hiệu quả đội tàu này.

Về quản lý đội tàu, cấm đóng mới tàu cá, thu hồi giấy chấp thuận đóng mới đối với các trường hợp chưa triển khai đóng tàu; Đánh giá nguồn lợi hải sản định kỳ 3 năm/lần và xây dựng các biện pháp quản lý nhằm đảm bảo cân bằng đội tàu khai thác với hiện trạng nguồn lợi hải sản; Xây dựng lộ trình giảm tàu, cấp hạn ngạch khai thác đối với một số loài/nhóm loài, hoặc hạn chế ngày khai thác trên biển; Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về nghề cá.

Về truy xuất nguồn gốc và chứng nhận khai thác hải sản từ khai thác, Việt Nam cần cải thiện quy trình đang thực hiện để kiểm soát quy trình truy xuất nguồn gốc tại các nhà máy chế biến và giám sát được nguồn nguyên liệu chứng nhận được sử dụng tại các nhà máy chế biến; Bổ sung các quy trình để kiểm soát nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu từ các côngtenơ nhằm đảm bảo kiểm tra được tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu này.

Về thực thi pháp luật, Việt Nam cần xây dựng chiến lược toàn diện để xác định, xử phạt và ngăn ngừa tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; Triển khai xử phạt vi phạm hành chính thống nhất trên toàn quốc, mức xử phạt phải đủ lớn để đảm bảo tính răn đe; Quy trình xử phạt cần được tiến hành nhanh để đảm bảo hiệu quả trong xử lý.

Việt Nam cũng cần thiết lập quy trình rõ ràng để đưa tàu vào danh sách IUU và hậu quả pháp lý khi bị đưa vào danh sách; Tạo sổ theo dõi xử phạt có tích hợp các trường hợp bị cơ quan có thẩm quyền truy tố, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn trong trường hợp tái phạm và không đủ điều kiện để xin giấy phép khai thác.

Việt Nam cần tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền Trung ương và địa phương, đảm bảo thiết lập một hệ thống theo dõi thống nhất từ Trung ương xuống địa phương; Cải thiện cơ chế hợp tác giữa các cơ quan liên quan trong việc chống khai thác IUU, đặc biệt là với cơ quan nghề cá của các nước láng giềng trong khu vực; Cần xem xét để quy định bất kỳ tàu nào ra ngoài vùng biển Việt Nam thì có thể bị xử phạt ngay cả khi không có bằng chứng khai thác IUU.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thủy sản cho biết, EC khẳng định chừng nào Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài thì Ủy ban châu Âu sẽ không rút thẻ Vàng.

“Đoàn kiểm tra của EC đưa ra thông điệp rất rõ, Việt Nam phải chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Nếu Việt Nam chỉ cần có 1 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì thẻ Vàng cũng không được rút. Đây là thông điệp EC nêu rất rõ, nếu EC gỡ thẻ Vàng cho Việt Nam, các nước trong khu vực sẽ có ý kiến tại các diễn đàn đa phương và diễn đàn quốc tế”, ông Hùng nêu rõ./.

Từ khóa: thẻ vàng thủy sản, ủy ban châu âu, tàu cá, khai thác thủy sản, vùng biển nước ngoài

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập