Tập trung chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững
Cập nhật: 25/09/2019
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai
Tổng kiểm kê tài sản công để khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước
VOV.VN - Chiều nay (12/9), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững.
Hội nghị do Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới tổ chức. Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển bền vững là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị và mọi thành phần trong xã hội. Chính vì vậy cần tập trung cả ý chí, chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững
Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững. |
Phát biểu khai mạc phiên toàn thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh nhấn mạnh, các mục tiêu phát triển bền vững được chú trọng trong các chương trình nghị sự của Đảng, Nhà nước. Hội nghị năm nay cùng hướng tới một thập niên mới, một thập niên phát triển bền vững hơn với sự tham gia hành động đúng đắn của mọi người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.
Các chuyên gia tại hội nghị tập trung thảo luận những chủ đề trọng điểm như: Nhân rộng ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; thúc đẩy mô hình đối tác công tư giúp tăng năng suất và sử dụng các nguồn lực sẵn có một cách hiệu quả hơn; xây dựng nguồn vốn nhân lực trong thời đại mới và vai trò của Chỉ số Vốn con người.
Trong phát triển nguồn nhân lực, các chuyên gia cho rằng, thách thức mà Việt Nam gặp phải chính là đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao. Do đó, phát triển nguồn nhân lực phải là một nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên hơn nữa. Song song với đầu tư từ nhà nước thì đầu tư tư nhân trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cần tiếp tục được đẩy mạnh, đồng thời tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để giải bài toán giữa vấn đề phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường thì “kinh tế tuần hoàn” là một lời giải quan trọng mà nhiều nước đang tiến tới. Do đó, cần phải thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng này, đặc biệt là có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia, qua đó hướng tới một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Muốn làm được điều này, theo đề xuất của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cần xây dựng một Bộ luật về nền kinh tế tuần hoàn để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Cùng chung quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, cần sử dụng công nghệ để tái sản xuất. Ông nêu ví dụ cụ thể, trong hơn 35 triệu tấn rác thải rắn mỗi năm của nước ta thì hiện 70% là chôn lấp, trong khi 70% lượng chất thải rắn lại có thể sử dụng là nguồn nguyên liệu đầu vào của sản xuất tuần hoàn nếu có công nghệ tái chế.
Hay như vấn đề về rác thải nhựa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cho biết: "Chúng ta rất vui mừng là đã có nhiều doanh nghiệp vì mục tiêu chung phát triển bền vững đã có những cam kết, trong đó có 12 doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, nước uống thành lập Liên minh tái chế bao bì. Nếu chúng ta có thể thu gom tái chế được thì Việt Nam hoàn toàn không cần thiết phải nhập nguyên liệu nhựa".
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển. Cho nên chủ trương phát triển bền vững được thể hiện nhất quán trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Gần đây nhất Chính phủ đã ban hành Về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
"Sau hội nghị này, sản phẩm là sẽ có một Nghị quyết của Chính phủ với nhiều nội dung mới sát với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số hiện nay. Chúng ta rất vui mừng sự phối hợp tốt giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các tổ chức nhân dân, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp", Thủ tướng kết luận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng các đại biểu dự hội nghị. |
Trong xây dựng dự thảo văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 lần này, Thủ tướng cũng cho biết, phát triển bền vững cũng là vấn đề quan trọng được đặt ra, phát triển nhanh, tốc độ cao nhưng phải bền vững.
Nhấn mạnh những thành tựu mọi mặt của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trước đổi mới, tỷ lệ nghèo của Việt Nam là trên 60%, nhưng hiện nay tỷ lệ này chỉ là trên 5%. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2017 là 0,694 thuộc nhóm trung bình cao trong tổng số 189 quốc gia. Việt Nam tích cực tham gia có hiệu quả vào các sáng kiến bảo vệ môi trường toàn cầu. Theo báo cáo đánh giá thường niên lần thứ tư về tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2019, Việt Nam xếp thứ 54, tăng 3 bậc so với năm 2018 và chỉ số phát triển bền vững đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, các kết quả nêu trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế cần được cải thiện.
Trước thực tế của phát triển bền vững ở Việt Nam, Thủ tướng cho rằng: "Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị và mọi thành phần trong xã hội. Chính vì vậy mà cần tập trung cả ý chí, chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững. Báo cáo phát triển con người của Liên hợp quốc đã xác định rõ, mục tiêu duy nhất là đưa con người vào trọng tâm của quá trình phát triển, con người là trung tâm của phát triển bền vững, đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh là nguyên tắc nhất quán trong mọi giai đoạn phát triển. Chúng ta đã có quá nhiều chiến lược phát triển cho các mục tiêu khác nhau trong cùng thời kỳ. Vì thế việc thực hiện còn kém hiệu quả, không thể tập trung nguồn lực, kể cả con người. Tại hội nghị này, tôi đề nghị các bộ, ngành, các địa phương nghiên cứu để đưa ra chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững là trọng tâm, nội dung xuyên suốt của chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030".
Thủ tướng cũng cho rằng cần tăng tốc quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nghèo, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững.
Hành động cùng cộng đồng quốc tế, sớm đưa thoả thuận Paris về ứng phó biến đổi khí hậu trở thành hiện thực. Lồng ghép và đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, đặc biệt mục tiêu số 13 là ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai và mục tiêu số 14 là bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển phát triển bền vững trước năm 2030.
Thủ tướng đã phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ mới đây, đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ chủ trương khuyến khích các mô hình sản xuất tiêu dùng giúp tận dụng nguồn lực xã hội, cắt giảm chi phí và rào cản gia nhập và rút lui khỏi thị trường, có xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng.
Xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, tiêu dùng hướng đến mô hình kinh doanh, kinh tế phi phát thải. Năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 nhưng triển khai trong thực tế còn hạn chế, vì vậy, cần có các chính sách mạnh để khuyến khích các hoạt động sản xuất, tái sản xuất và tái sử dụng có lợi.
Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam căn cứ kết luận Hội nghị hôm nay, trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững./.
Thủ tướng:EVFTA và EVIPA có hiệu lực như đường cao tốc nối EU-Việt Nam
Từ khóa: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Xuân Phúc, phát triển bền vững, hội nghị phát triển bền vững
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN