Tập đoàn VNPT năm 2024: Giữ nhịp phát triển trong bối cảnh khó khăn
Cập nhật: 4 giờ trước
Quảng Nam: Triển vọng mới từ phát triển kinh tế biển
“Cao su Việt Nam, sợi dây kết nối kinh tế và tình người” trên nước bạn Campuchia
VOV.VN - Năm 2024, mặc dù thị trường Viễn thông - CNTT gặp khá nhiều khó khăn, song với nhiều nỗ lực và quyết tâm cao, Tập đoàn VNPT vẫn giữ vững thị phần với các dịch vụ trọng điểm, tối ưu chi phí, để doanh thu, lợi nhuận toàn Tập đoàn được duy trì và tăng trưởng so với cùng kỳ.
Năm qua, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 58.540 tỷ đồng, trong đó, doanh thu Công ty Mẹ đạt 41.995 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2024 của VNPT đạt 6.086 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận trước thuế Công ty Mẹ đạt 4.565 tỷ đồng, đạt 103,3% kế hoạch, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước hợp nhất năm 2024 của VNPT đạt 5.484 tỷ đồng, trong đó, Công ty Mẹ dự kiến đạt 4.137 tỷ đồng, đạt 106,4% kế hoạch, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn đạt 8,35%; trong đó tỷ suất LNST/VCSH Công ty mẹ là 6,5%, tăng 29,5% so với kế hoạch.
Theo lãnh đạo Tập đoàn VNPT, con số tăng trưởng doanh thu 7% tuy còn khiêm tốn nhưng đặc biệt đáng quý trong bối cảnh thị trường ngày càng nhiều thách thức với nhiều thay đổi về chính sách quản lý thị trường, chính sách ngừng phát triển sim mới qua đại lý, đầu tư chi tiêu công cho các dự án chuyển đổi số có dấu hiệu chậm lại,... Với những áp lực này, việc VNPT vừa hoàn thành được các trọng trách của một trong những tập đoàn công nghệ chủ lực của Quốc gia, vừa đảm bảo giữ vững hoạt động sản xuất – kinh doanh là một thành tựu không nhỏ.
Nhìn nhận các thách thức khó khăn trên cũng như tìm cơ hội từ chính bối cảnh đó, Tập đoàn VNPT xác định tiếp tục thực hiện tăng cường năng lực cho hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin theo hướng cập nhật công nghệ mới như AI tạo sinh, IoT, Cloud, 5G… và đặc biệt là an toàn thông tin.
Trong năm qua, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao năng lực cho mạng 4G, VNPT đã chính thức khai trương VinaPhone 5G. Đến thời điểm này, Vinaphone 5G đã hiện diện phủ sóng tại 63 tỉnh thành trên cả nước, chú trọng phủ sóng và cung cấp dịch vụ tại các khu vực trọng điểm về kinh tế xã hội như Trung tâm hành chính Quận/ Huyện, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay, trường học, bệnh viện, khu du lịch.
Năm qua, VNPT đã và đang tìm kiếm các sản phẩm mới, thúc đẩy các nguồn doanh thu từ các không gian tăng trưởng mới với nhiều thành công đáng ghi nhận: Lĩnh vực ATTT tăng trưởng 58% so với cùng kỳ; đạt chứng chỉ CREST cho sản phẩm dịch vụ ATTT - một trong những chứng chỉ uy tín bậc nhất mà có rất ít doanh nghiệp, tổ chức hiện nay đạt được; Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cũng tăng trưởng 60% so với cùng kỳ với các sản phẩm nổi bật: Camera AI cho thành phố thông minh, GenAI trong phân tích tổng đài chăm sóc khách hàng; công nghệ AI tạo sinh (GenAI) cho ngôn ngữ tiếng Việt của VNPT trong nhiều tháng liên tiếp đứng đầu trên bảng xếp hạng Vietnamese Language and Speech Processing 2024. Ngoài ra, VNPT cũng đã đưa vào triển khai kinh doanh hệ sinh thái nông nghiệp số toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của các khách hàng từ chính quyền đến doanh nghiệp, HTX, nông hộ… trên 2 nền tảng là AIMS và VNPT Green.
Một trong những nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm của VNPT trong năm 2024 và những năm tiếp theo là xây dựng các chương trình hành động để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong Đề án cơ cấu lại Tập đoàn VNPT giai đoạn đến hết năm 2025 và Chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, ngay trong năm 2024, VNPT đã tập trung triển khai định hướng đổi mới mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh với phương châm lấy nhu cầu và trải nghiệm khách hàng làm gốc để số hóa hoạt động, đưa toàn bộ quy trình hoạt động kinh doanh lên môi trường số, tăng trải nghiệm khách hàng.
Năm 2024, Tập đoàn định hướng, quy hoạch, phát triển các sản phẩm chiến lược trọng tâm (di động, Smart Home, MyTV, các sản phẩm dịch vụ/ hệ sinh thái số doanh nghiệp) thích ứng thị trường và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, như: VNPT eKYC dựa trên nền tảng AI đạt 1 tỷ request tại Việt Nam; khai trương hệ sinh thái VNPT Cloud toàn diện, cung cấp đa dạng dịch vụ từ lớp nền tảng đến lớp hạ tầng, phục vụ nhiều phân khúc khách hàng khác nhau.
Đồng thời, Tập đoàn VNPT cũng tiếp tục chiến lược hợp tác và đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ, Ngành, các UBND Tỉnh/TP và các Tập đoàn/TCT lớn để xây dựng các nền tảng giải pháp chuyển đổi số mang tầm quốc gia. Xác định dữ liệu quốc gia là một trong các trọng tâm của chính phủ số, VNPT đã triển khai tích hợp, liên thông dữ liệu toàn diện cho hệ sinh thái OneGov; Nâng cấp hệ thống CSDL Quốc gia về dân cư, hệ thống CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức …triển khai Kho dữ liệu, các CSDL chuyên ngành: Đất đai, Y tế, Giáo dục, An sinh xã hội, Xây dựng, Công thương, Văn hóa thể thao du lịch,.... VNPT đã tham gia cung cấp các giải pháp đáp ứng 31/44 mô hình điểm của Đề án 06/CP.
Năm 2025, đất nước sẽ nhiều sự đổi mới để hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tập đoàn VNPT xác định, để thực hiện sứ mệnh của một tập đoàn công nghệ chủ lực luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, đồng thời để có thể triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, trước mắt là các mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh đến năm 2025, Tập đoàn VNPT sẽ tiếp tục đầu tư bài bản vào công nghệ và con người, nâng cao năng lực quản trị, xây dựng văn hóa doanh nghiệp linh hoạt và mở rộng hợp tác với các đối tác.
Từ khóa: vnpt, vnpt,kinh doanh, sản xuất, doanh thui, định hướng
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: ctv thúy quỳnh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN