Tạo sức bật cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Cập nhật: 25/09/2019
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
Cần thiết phải có cơ chế thúc đẩy “tài chính xanh” tại Việt Nam
VOV.VN - Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển cần Chính phủ có chính sách hỗ trợ tốt hơn nữa cho hoạt động xúc tiến thương mại.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể cung cấp được các linh kiện phụ tùng cho các doanh nghiệp lắp ráp trong nước, mà có thể tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Theo thống kê, nước ta có khoảng 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, nhưng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của công ty đa quốc gia.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ có thể giúp doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. |
Ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế như năng lực sản xuất, tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật còn yếu, khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn nhiều bất cập, nhập siêu linh kiện, phụ tùng còn rất lớn...
Ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Reed Tradex Việt Nam nêu thực tế: “Hiện nay các doanh nghiệp của ngành công nghiệp Việt Nam còn thiếu về công nghệ và về quy mô, quy mô thường nhỏ nên không đủ năng lực cung cấp cho những đơn hàng lớn, về cung nghệ còn yếu nên chất lượng sản phẩm chưa đạt được yêu cầu, trình độ quản lý còn hạn chế nên về mặt năng suất còn thấp dẫn đến giá thành cao hơn các nước xung quanh như hàng Trung Quốc hàng của Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh”.
Hiện Nhật Bản là một đối tác đầu tư lớn của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Ông Hironobu Kitagawa- Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản JETRO tại Việt Nam cho biết: Số dự án đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam tăng cao nhất từ trước đến nay với 630 dự án. Cùng với đó, việc thu mua phụ tùng, nguyên liệu của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng đáng kể từ năm 2010 trở lại đây, song vẫn còn thấp hơn so với một số nước láng giếng như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia.
“Để phục vụ hoạt động sản xuất lâu dài, thì việc làm hiệu quả nhất là tạo cơ hội để các doanh nghiệp hợp tác sản xuất kinh doanh với nhau, tạo điều kiện để các nhà sản xuất phụ tùng, linh kiện tiềm năng của Việt Nam gặp gỡ, trao đổi với các nhà chế tạo, lắp ráp của Nhật Bản”, ông Hironobu Kitagawa khuyến nghị.
Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp trong nước. |
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản trong công nghiệp hỗ trợ thông qua việc triển khai tích cực các nội dung trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) và Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã và đang trở thành cầu nối quan trọng giữa hai quốc gia. Hợp tác này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp hai bên trong lĩnh vực.
“Tại cuộc họp đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VII vào đầu năm nay, Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí triển khai 03 nội dung nhằm phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, bao gồm hỗ trợ đầu tư thiết bị đồ gá, khuôn đúc, đào tạo nguồn nhân lực, lĩnh vực Quản lý kinh doanh, thu hút đầu tư, xúc tiến phát triển thị trường nhằm tăng doanh số và giảm chi phí sản xuất”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển cần Chính phủ có chính sách hỗ trợ tốt hơn nữa cho hoạt động xúc tiến thương mại.
Bà Nguyễn Thùy Dương, phòng Xuất khẩu, Công ty cổ phần đầu tư Minh Hòa nêu ý kiến: “Để đáp ứng được các khách hàng khó tính thì tay nghề công nhân rất quan trọng và phải được đào tạo bài bản, tiếp nữa là phải đầu từ vào máy móc, công nghệ, doanh nghiệp đang có lộ trình đầu tư vào máy móc tự động hóa để đảm bảo tiến độ sản xuất cũng như chất lượng của những linh kiện, phụ kiện cho ngành công nghiệp phụ trợ được đảm bảo”.
“Trong thời gian tới, doanh nghiệp muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa về xúc tiến thương mại của các sở ban ngành để đưa hàng hóa của mình sản xuất sang các thị trường khó tính trên thế giới”, bà Dương nói.
Các chuyên gia cho rằng, để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển tương xứng với tiềm năng, bên cạnh Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan thì các doanh nghiệp Việt Nam cần đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, đẩy mạnh việc nghiên cứu phát triển, chuyển giao ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu trong bối cảnh hiện nay./. Gỡ điểm nghẽn ngành dệt may từ công nghiệp hỗ trợ dệt, nhuộm
Từ khóa: công nghiệp hỗ trợ, cộng đồng doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, chuỗi giá trị toàn cầu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN