Tảo hôn tại vùng dân tộc thiểu số ở Cao Bằng và những hệ lụy
Cập nhật: 2 giờ trước
Món quà đặc biệt của học sinh vùng khó mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
Trao Huy hiệu TP.HCM tri ân những người bạn đặc biệt của Việt Nam
VOV.VN - Đời sống người dân từng bước được nâng cao nhưng tại các bản vùng cao của tỉnh Cao Bằng vẫn tồn tại tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất, tinh thần và những hệ lụy khôn lường về sức khỏe, giáo dục.
Gần 15 năm gắn bó với điểm trường Bản Báng, trường mầm non Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, cô giáo Nông Thị Hương gặp không ít trường hợp không có giấy khai sinh, không được hưởng chế độ, chính sách cho học sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn... mà nguyên nhân từ nạn tảo hôn.
“Chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn, đến năm ngoái thì đủ tuổi đăng ký kết hôn rồi nhưng mẹ lại bỏ đi bây giờ các em vẫn chưa làm được giấy khai sinh. Được sự quan tâm của UBND xã, cô hiệu trưởng cũng trao đổi, làm việc với UBND xã thì được biết trường hợp này phải xem xét bố trí một hôm làm giấy khai sinh để có đầy đủ giấy tờ để hưởng các chế độ”, cô Hương nói.
Tình trạng tảo hôn ở những bản làng vùng cao Cao Bằng không phải hiếm gặp. Nhiều trường hợp đang ở tuổi tới trường nhưng "thích" nhau nên bỏ học về làm vợ làm chồng. Khi chính quyền địa phương và nhà trường biết, đám cưới đã tổ chức xong và các em cứ hồn nhiên với niềm vui trước mắt mà không lường được hậu quả lâu dài của tảo hôn.
Chị Vàng Thị Mỵ (xóm Bản Báng, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), chia sẻ: Nghèo đói, lạc hậu, những đứa trẻ suy dinh dưỡng là hệ lụy lâu dài do tình trạng tảo hôn. Mặc dù tỷ lệ tảo hôn đã giảm, nhưng để loại bỏ hẳn cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, cũng như sự đồng thuận và phối hợp từ phía các gia đình.
“Nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến con. Bây giờ tảo hôn, các cặp vợ chồng còn trẻ quá, chưa biết quan tâm đến con. Như hai anh em ở đây đi học rất là thương, đi học có hôm đi có hôm không đi. Hôm nào bà đưa được thì bà đưa. Bây giờ buổi sáng chỉ có thể đi bộ, ở trên này rất là xa, bây giờ dựng cái lều ở đây buổi sáng nào bà đưa đi được thì đi, bà không đưa đi được thì là nghỉ học. Đưa đều đều thì một tuần cũng chỉ được khoảng 3 đến 4 hôm thôi”, chị Vàng Thị Mỵ cho biết.
Đi liền với tảo hôn là nhiều hệ luỵ như bỏ học, thiếu kiến thức xã hội, mất cơ hội phát triển về trí tuệ, thể chất. Cùng với đó là ảnh hưởng về kinh tế khi nhiều cặp vợ chồng tảo hôn không có việc làm dẫn đến cái nghèo đeo đẳng, đổ vỡ, ly hôn, con cái chịu nhiều thiệt thòi so với chúng bạn cùng trang lứa....
Bà Hoàng Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng cho biết: Địa phương vẫn thường xuyên tuyên truyền về hậu quả của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tuy nhiên vẫn chưa thể chấm dứt tình trạng này.
“Hàng năm vào đầu năm học năm học chúng tôi phối hợp với các giáo viên, đi vào từng hộ gia đình có con em trong độ tuổi đi học tuyên truyền vận động để con em đi học đầy đủ, hưởng các chế độ chính sách. Tuyên truyền trực tiếp để cho phụ huynh hiểu con em đi học thì được hưởng những cái gì, phụ huynh phải quan tâm đến việc học của con, thường xuyên đôn đốc đưa đón con đi học đầy đủ”, chị Thúy cho biết.
Thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Cao Bằng đã đạt được nhiều thành tựu về công tác dân số. Vậy nhưng, tình trạng tảo hôn vẫn còn là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình. Và hệ lụy rõ rệt nhất của hủ tục này là những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình tảo hôn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bé khi xét hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về học tập cũng như chăm sóc sức khỏe.
Từ khóa: tảo hôn, cao bằng, tảo hôn, nạn tảo hôn, dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số,tảo hôn ở miền núi
Thể loại: Xã hội
Tác giả: hoàng cường-ctv hà vy/vov-đông bắc
Nguồn tin: VOVVN