Tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động

Cập nhật: 4 giờ trước

VOV.VN - Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam chú trọng hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thúc đẩy lao động người dân tộc thiểu số và miền núi tham gia thị trường lao động nước ngoài đạt kết quả đáng kể. Qua đó, giúp người lao động tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

5 năm trước, anh Phan Hữu Trung ở thôn ĐhaMi, xã Ba, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam thuộc diện khó khăn, không có việc làm ổn định. Sau khi có chương trình xuất khẩu lao động, anh Phan Hữu Trung được chính quyền địa phương hỗ trợ làm hồ sơ vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đi xuất khẩu lao động. Sau 3 năm lao động ở Nhật Bản, anh tích lũy được số tiền kha khá. Ngoài số tiền tích lũy, trình độ tay nghề của anh Phan Hữu Trung được nâng lên. Có vốn, anh Phan Hữu Trung trở về quê đầu tư kinh doanh vận tải, có nguồn thu đáng kể.

Anh Phan Hữu Trung cho biết: “Trước đây gia đình tôi khó khăn nhờ chính quyền địa phương động viên và quan tâm tư vấn đi xuất khẩu lao động ở thị trường Nhật Bản. Mỗi tháng tôi thu nhập được 32 triệu đồng. Bây giờ cuộc sống không còn khó khăn như trước. Hiện nay tại địa phương có nhiều bạn bè đi xuất khẩu lao động”.

Thực hiện Tiểu dự án 3 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi", huyện Đông Giang được hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng. Địa phương này đã chú trọng đưa lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài. Theo đó, người lao động được hỗ trợ chi phí đào tạo, học ngoại ngữ, học nghề, khám sức khỏe và các thủ tục xuất nhập cảnh, được hỗ trợ vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Tham gia thị trường lao động ngoài nước, lao động người dân tộc thiểu số không chỉ có thu nhập tốt, thoát nghèo nhanh mà còn học hỏi được các kỹ năng, kiến thức để trở về quê hương lập nghiệp.

Từ năm 2022 đến nay, huyện Đông Giang đã đưa hơn 150 lao động đi lao động ở nước ngoài. Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho hay, toàn huyện Đông Giang có 15.000 người trong độ tuổi lao động nhưng số lượng lao động xuất khẩu nước ngoài chưa nhiều.

 “Dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tôi cho rằng, đây là dự án rất thiết thực và ý nghĩa. Bà con đã nhận thức rất tốt về xuất khẩu lao động có thu nhập, ổn định cuộc sống. Đây là điều đáng mừng. Sắp tới, huyện Đông Giang đẩy mạnh tư vấn, tổ chức sàn giao dịch việc làm để các thị trường trong nước và nước ngoài tiếp cận được về xuất khẩu lao động”.

Thời gian qua, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã tuyên truyền, tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Quảng Nam đưa hơn 4.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Đài Loan. Để hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm, rà soát nhu cầu của lao động để tư vấn, định hướng cho người lao động.  

Tỉnh Quảng Nam xác định, xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp thiết thực trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Vì thế, hàng năm, các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phố biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về xuất khẩu lao động. Tỉnh này cũng xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê danh sách số người nằm trong độ tuổi lao động, tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Trên cơ sở đó, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với năng lực của người lao động.

Ông Nguyễn Qui Quý, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam cho biết: “Về việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, thời gian vừa qua được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam rất quan tâm. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững cũng như vươn lên làm giàu cho các hộ dân, đặc biệt ở các huyện miền núi. Việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có nhiều chuyển biến tích cực và có sự lan tỏa, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng, đời sống của họ và gia đình được cải thiện rất nhiều, đồng thời chuyển đổi được nghề nghiệp và mở rộng sản xuất".

Có thể nói, thông qua công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã tạo điều kiện cho người lao động ở tỉnh Quảng Nam nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm nghèo nhanh, bền vững.

Từ khóa: Quảng Nam, đồng bào dân tộc thiểu số, xuất khẩu lao động, hỗ trợ đào tạo nghề, tăng thu nhập

Thể loại: Xã hội

Tác giả: tuyết lê/vov-miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập