Táo bón ở trẻ em: Hiểu đúng và cách phòng bệnh
Cập nhật: 26/10/2019
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
Loại quả Việt đi đâu cũng thấy, ăn vào buổi sáng lại bổ dưỡng không ngờ
VOV.VN - Táo bón ở trẻ em rất phổ biến nhưng thường bị bỏ qua vì biểu hiện không nghiêm trọng.
BS Hồng Quý Quân – Phó Trưởng Khoa Phẫu Thuật Nhi và trẻ sơ sinh, bệnh viện Việt Đức cho biết: “Táo bón ở trẻ em là số lần đi đại tiện của trẻ dưới 3 lần/tuần. Kèm theo triệu chứng trẻ khó khăn khi đi đại tiện và phân bị cứng. Tuy nhiên, nếu như trẻ đi vệ sinh ít hơn số lần trên nhưng phân vẫn mềm thành khuôn thì đó không phải là táo bón”.
Táo bón dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. |
Theo BS Quân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng táo bón ở trẻ nhỏ như chế độ ăn, tâm lý lối sống, nguyên nhân thực thể. Trẻ bị táo bón trước tiên có thể do chế độ ăn ít chất xơ và uống không đủ nước. Ở trẻ dưới 6 tháng thì do uống sữa ngoài không bổ sung đủ thành phần xơ, Probiotic. Trẻ lớn hơn thì do ăn thiếu rau củ và ít ăn các loại quả.
“Tâm lý và lối sống của trẻ cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn tới căn bệnh này. Nhiều trẻ sợ đi ngoài do nhà vệ sinh bẩn và có mùi khó chịu. Nhiều trường hợp trẻ không có thói quen đi vệ sinh đúng giờ nên trẻ hay quên hoặc mải chơi nên thường nhịn đi vệ sinh. Các trẻ có lối sống ít vận động cũng làm nhu động ruột kém nên dễ gây táo bón”, BS Quân cho biết.
BS Quân cũng cảnh báo, bệnh lý vô hạch đại trực tràng bẩm sinh chiếm 5% tổng số trường hợp táo bón. Biểu hiện của bệnh lý vô hạch đại trực tràng gây nên táo bón là trẻ chậm đi vệ sinh ra phân su sau 24 giờ sau sinh. Với trẻ lớn hơn, thường phải thụt mới đi ngoài được.
Táo bón ở trẻ em kéo dài sẽ gây những hậu quả nặng nề như suy dinh dưỡng, viêm ruột, tắc ruột.“Khi phải sử dụng đến phương pháp thụt tức là trẻ đã có biểu hiện của viêm ruột, tắc ruột. Trong một vài trường hợp trẻ điều trị nội khoa tích cực không hiệu quả thì cần phải can thiệp phẫu thuật cắt đoạn đại tràng vô hạch” - BS Quân cho biết thêm.
BS Hồng Quý Quân cảnh báo: táo bón ở trẻ em kéo dài sẽ gây những hậu quả nặng nề như suy dinh dưỡng, viêm ruột, tắc ruột. |
Phương pháp phòng bệnh đơn giản nhất là cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Nếu phải bổ sung thêm sữa ngoài, cha mẹ nên chọn các loại sữa có bổ sung chất xơ, Probiotic. Cần cho trẻ uống đủ nước, bao gồm nước lọc, sữa, canh, nước hoa quả... nhất là khi trẻ mất nhiều mồ hôi khi nóng, vận động nhiều hay khi sốt cao.
Tạo cho trẻ thói quen đi vệ sinh vào một giờ nhất định như sau khi ngủ dậy buổi sáng hoặc sau khi ăn tối. Với trẻ lớn hơn, có thể điều trị duy trì các thuốc như chất xơ, thuốc chống táo bón, kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi trẻ đã đi đại tiện đều và phân mềm.
“Trong trường hợp trẻ có các dấu hiệu chậm đi vệ sinh ra phân su sau 24h sau sinh, trẻ táo bón kéo dài trên 2 tuần. Trẻ có những đợt đau bụng, sốt hoặc bụng trướng to, tiêu chảy. Trẻ đi vệ sinh ra máu do nứt kẽ hậu môn vì rặn thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay lập tức” – BS Quân khuyến cáo./.
3 sai lầm người hội chứng ruột kích thích cần phải tránh
Từ khóa: Táo bón ở trẻ em, trẻ bị táo bón, táo bón ở trẻ, táo bón, trẻ em
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN