Tăng trưởng kinh tế trong 3 quý còn lại cần dựa vào xuất khẩu

Cập nhật: 04/04/2021

VOV.VN - Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam quý I/2021 tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Tổng cục Thống kê mới công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 4,48% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia kinh tế đánh giá cao  những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, tuy nhiên để đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay vẫn là một thách thức. Đồng thời nhận định, để tăng trưởng kinh tế trong 3 quý còn lại cần tiếp tục dựa vào khu vực xuất khẩu.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp,  nhưng bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam quý I/2021 tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Theo đó, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 4,48%. Đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; đầu tư, xuất khẩu đã tiếp tục tăng, tốt hơn rất nhiều so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, cho thấy nền kinh tế đã và đang tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 152 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ năm 2020 và tiếp tục xuất siêu trên 2 tỷ USD…

Bên cạnh việc đánh giá cao chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép thì chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long kiến nghị cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đúng đối tượng, đáp ứng yêu cầu thiết thực để thúc đẩy động lực tăng trưởng trong thời gian tới.

"Động lực quan trọng là những động cơ của tăng trưởng đó là tất cả các thành phần kinh tế đều phải phát huy. Trong bối cảnh tình hình đó những giải pháp mà Chính phủ đề ra rất nhiều, cụ thể nhưng một vấn đề quan trọng có hiệu quả thực thi các chính sách đó, cần có kiểm tra, thanh tra và giám sát phải thực sự có hiệu quả và người thực thi quyền, trách nhiệm rõ ràng" - ông Ngô Trí Long nhận định.

Tuy nhiên, nhìn vào từng chỉ số vĩ mô thành phần cũng có thể thấy vẫn còn nhiều lưu ý, như số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng hơn 28%; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 26,4%. Vận tải hành khách vẫn gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, giảm 11,8%. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi còn cao.

Cùng với đó, hiện tượng sốt đất diễn ra ở nhiều khu vực, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế… Đây là những nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải có sự điều tiết hợp lý.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay với mục tiêu đề ra là 6,5%, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, đây là một nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Do đó, ngoài việc thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vào những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm quốc gia, có kế hoạch, đúng đối tượng thì cần tiếp tục thu hút FDI. Bởi trong bối cảnh nguồn lực trong nước đã hạn chế trong khi Việt Nam có nhiều lợi thế so sánh để thu hút đầu tư tập đoàn lớn.

Nhận định về tăng trưởng kinh tế trong 3 quý tới cần dựa vào khu vực xuất khẩu, PGS.TS. Phạm Thế Anh nêu quan điểm: "Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu sống phụ thuộc vào xuất khẩu, năm nay thì các chính sách tài khóa tiền tệ của Việt Nam sẽ đóng vai trò ít quan trọng hơn so với năm ngoái. Việt Nam năm ngoái ký hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là hiệp định EVFTA được kỳ vọng nó sẽ phát huy hiệu quả trong năm nay, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam họ cũng chỉ hướng đến xuất khẩu, đây thế mạnh của mình, cái đó tôi nghĩ rằng sẽ đóng góp chính vào tăng trưởng trong năm nay"./.

Từ khóa: tăng trưởng kinh tế, chỉ số kinh tế, doanh nghiệp, FDI, covid-19

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập