Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2018 có thể đạt khoảng 6,9 - 7%

Cập nhật: 25/09/2019

Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia ước tính, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 có thể đạt 6,9-7%, cao nhất 10 năm.

Sáng 20/12, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức hội thảo công bố Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018.

Tại hội thảo, ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) nhận định, năm 2018, kinh tế toàn cầu có rất nhiều biến động. Trong đó, đáng chú ý là dù kinh tế Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản phát triển chậm lại, nhưng riêng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh và tiếp tục chứng tỏ là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế thế giới. Qua đó, giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức cao 3,7%.

uy ban giam sat tai chinh quoc gia: tang truong gdp nam 2019 co the dat khoang 7% hinh 1
Hội thảo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018

Trong khi đó, chiến tranh thương mại đã làm cho khối lượng thương mại toàn cầu giảm mạnh năm 2018 chỉ còn 4,2% và năm 2019 dự kiến chỉ tăng 4%. Bên cạnh đó, việc giá dầu thô bình quân tăng trong năm qua cũng khiến lạm phát toàn cầu tăng 3,78%.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Theo ông Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Uỷ ban tài chính quốc gia, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 ước đạt 6,9-7%, là mức cao nhất 10 năm nhờ vào động lực chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành dịch vụ; nông, lâm thuỷ sản tăng trưởng tốt. Nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố. Tổng cầu của nền kinh tế duy trì mức tăng khá, xuất khẩu và tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ.

Lạm phát được kiểm soát dưới 3,6%, lạm phát cơ bản duy trì ổn định dưới 1,5%. Ngoài ra, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư cao nhờ cán cân thương mại dự báo xuất siêu ở mức cao hơn năm 2017; cán cân tài chính tiếp tục thặng dư nhờ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục khá, dòng vốn đầu tư gián tiếp đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, kiều hối tăng trưởng trên 10%; khoản mục lỗi và sai sót giảm mạnh so với năm 2017. Nhờ đó, NHNN đã bổ sung được dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục (đạt khoảng 12 tuần nhập khẩu).

Cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo tiến độ do thu NSNN đạt khá trong khi chi NSNN được kiểm soát, cơ cấu thu – chi cải thiện tích cực, nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây. Tỷ lệ nợ công/GDP năm 2018 giảm và dự kiến đạt 61,4% (năm 2017 là 62,6%; năm 2016 là 63,6%) do tăng trưởng kinh tế khả quan. Bên cạnh đó, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP tăng từ 48,9% năm 2017 lên 49,7% năm 2018, chủ yếu do nợ tự vay tự trả của khu vực doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tăng mạnh.

“Nền tảng tài chính tiếp tục được củng cố, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cung ứng vốn của thị trường tài chính chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào khu vực ngân hàng và gia tăng vai trò của thị trường vốn. Cung ứng vốn từ khu vực ngân hàng giảm nhưng hiệu quả và chất lượng hơn. Thanh khoản hệ thống được đảm bảo, lãi suất và tỷ giá ổn định. Thị trường chứng khoán tăng trưởng vượt bậc về quy mô với mức vốn hóa thị trường đạt 75% GDP, vượt chỉ tiêu đề ra của năm 2020”, ông Đặng Ngọc Tú chỉ rõ.

Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia dự báo, năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% nếu được hỗ trợ tốt bởi các yếu tố quốc tế như: hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại và triển vọng từ các hiệp định mới như CPTPP và các hiệp định thương mại tự do khác.

“Kinh tế Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhưng cần cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng đầu tư tư nhân; tái cơ cấu kinh tế cần phải thực hiện triệt để; chuyển đổi sâu và rõ nét hơn mô hình tăng trưởng nhằm tận dụng được những cơ hội đến từ yếu tố quốc tế”, ông Đặng Ngọc Tú khuyến cáo.

Về lạm phát, năm 2019 có thể chịu tác động từ yếu tố giá thực phẩm và chi phí nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, áp lực khiến CPI tăng mạnh là không nhiều do giá hàng hoá thế giới dự báo chỉ tăng nhẹ.

“Nếu chưa tính đến điều chỉnh giá dịch vụ công, CPI bình quân năm 2019 có thể dưới mức 3,6%”, ông Đặng Ngọc Tú dự báo.

Theo đại diện Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, kinh tế Việt Nam năm 2019 ít nhiều sẽ chịu tác động bởi yếu tố quốc tế biến động khó lường. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp và nhiều khả năng còn tiếp tục kéo dài ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. Do đó, ổn định tài chính cần tiếp tục được coi là một trong các ưu tiên trong điều hành chính sách năm 2019./.

Cẩm Tú/VOV.VN

Từ khóa: gdp 2018, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng GDP, kinh tế Việt Nam 2019, lạm phát,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập