Tăng trưởng cao và bài toán bền vững
Cập nhật: 19/10/2019
VOV.VN - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây.
Những con số thống kê được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2019 đã cho thấy, bức tranh kinh tế - xã hội nước ta trong quý III và 9 tháng năm 2019 có nhiều tín hiệu rất tích cực. Trong đó, ấn tượng nhất là tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng tăng cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây, ước đạt 6,98%.
Khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục là động lực tăng trung ởng chủ yếu của nền kinh tế với mức tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 9,36%, đóng góp 52,6% vào tăng trưởng chung với công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng chung khi tăng ước đạt 11,37%. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng trưởng ổn định, ước đạt 6,85%, cao hơn mức 6,75% cùng kỳ năm ngoái và đóng góp 42,6% vào tăng trưởng chung.
GDP 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh hoạ) |
Các chỉ số vĩ mô khác đều ở mức tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,32% so với tháng trước; tính chung 9 tháng, CPI bình quân tăng 2,5%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,91% so với bình quân cùng kỳ. Xuất siêu ước đạt 5,9 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng 34,3% GDP và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018, cơ bản đạt mục tiêu Quốc hội giao. Trong đó, khu vực ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất (45,3%) và có tốc độ tăng cao nhất (16,9%).
Giải ngân vốn FDI ước đạt 14,22 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của các nhà đầu tư, chiếm tỷ trọng hơn 69% tổng số vốn đăng ký.
Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 13 triệu lượt, tăng gần 11% so với cùng kỳ 2018. Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019 của WEF, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng 4 hạng, từ 67/136 năm 2017 lên 63/140 quốc gia và nền kinh tế.
Với kết quả như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng nếu không có vấn đề bất thường xảy ra, tốc độ tăng GDP có thể đạt cao hơn mức 6,8%, vượt mục tiêu Quốc hội giao.
Những thành tựu này của Việt Nam cũng đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng cao trong năm 2019 và 2020, ở mức tương ứng là 6,8% và 6,7% nhờ cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì. Tiêu dùng trong nước cũng theo hướng tích cực nhờ có thêm nhiều cơ hội việc làm, thu nhập của người lao động gia tăng trong khi lạm phát vẫn ở mức thấp.
Tuy nhiên, những diễn biến khó lường của tình hình kinh tế, thương mại thế giới đang đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam rất nhiều thách thức để có thể thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư, nhất là đầu tư công, phát huy nội lực, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những diễn biến bất lợi từ kinh tế thế giới.
Trên thực tế, giá dầu đang là một thách thức chung đối với toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, quốc gia đang có quyền lợi kép liên quan đến giá dầu khi vừa xuất khẩu dầu thô vừa nhập khẩu khối lượng lớn các chế phẩm của dầu mỏ. “Cuộc chiến dầu mỏ” nếu xảy ra sẽ buộc Việt Nam phải có những tính toán kỹ lưỡng để hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất. Trong khi đó, việc xử lý bài toán tỉ giá trong bối cảnh USD tăng giá và nhân dân tệ giảm giá càng đòi hỏi sự tỉnh táo và linh hoạt hơn bao giờ hết. Dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã rất thành công trong hoạt động điều hành tỉ giá những năm gần đây, giữ được sự ổn định tỉ giá của đồng Việt Nam trong bối cảnh các đồng tiền khu vực đều chao đảo.
Một thách thức lớn khác là tiến độ giải ngân đầu tư công rất chậm, chỉ đạt trên 40% mức Chính phủ giao và dưới 40% con số đã được Quốc hội phê duyệt. Đây là một điểm nghẽn quan trọng của nền kinh tế.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương tuy đã được thúc đẩy mạnh mẽ nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng nhất từ trên xuống dưới và còn xa mới đạt đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Con số hơn 102.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gần 6% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ cho thấy vẫn còn rất nhiều điều kiện kinh doanh cần thông thoáng hơn mới có thể thu hút thêm các doanh nghiệp thành lập mới và khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp
Vẫn còn cả quý IV ở phía trước. Đây là quý quan trọng nhất, quyết định đến kết quả của cả năm. Và thời gian thì không chờ đợi ai, nên nếu các bộ, ngành, địa phương thiếu tích cực, cải cách, đổi mới theo kiểu hình thức, không thực chất, thì vẫn khó tạo đà cho tăng trưởng kinh tế 2020 và những năm tiếp theo./.
Điều tra, đánh giá lại GDP để thấy rõ bức tranh kinh tế Việt Nam
Từ khóa: Tăng trưởng cao, GDP, Tổng sản phẩm trong nước, tăng trưởng
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN