Tăng tốc, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột trong năm 2025

Cập nhật: 7 giờ trước

VOV.VN - Xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là một chính sách xã hội mà còn là một chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Để hoàn thành mục tiêu xóa 100% nhà dột, nhà tạm trong năm 2025, cần quyết tâm và sự chung sức của cả hệ thống chính trị và người dân, với tương thần “tương thân, tương ái”.

Thông tin về kết quả xóa nhà tạm, nhà dột nát mới nhất từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, tính đến hết ngày 7/2 vừa qua, đã có 58 địa phương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về xóa nhà tạm, nhà dột nát. 5 địa phương khác là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu không thành lập do không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Cũng tại thời điểm này, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 100.637 căn. Trong đó, có 59.871 căn nhà đã khánh thành (tăng 11.985 căn) và khởi công mới 40.766 căn (tăng 1.445 căn).

Tuy nhiên, đến nay, cả nước còn khoảng 315.000 hộ có khó khăn về nhà ở (bao gồm các đối tượng người có công, các chương trình mục tiêu, hộ nghèo, hộ cận nghèo...) cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở bảo đảm an toàn, ổn định để “an cư, lạc nghiệp”, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Như vậy, để hoàn thành mục tiêu này trong năm 2025, các địa phương sẽ phải quyết tâm, tăng tốc và có lộ trình thật cụ thể.

TS. Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội khẳng định, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát không phải việc khó vì chúng ta có rất nhiều khoản tiền khổng lồ bị thất thoát và đã thu hồi được trong cuộc chống tham nhũng cũng như trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh hay trong các hoạt động xã hội hóa khác.

Để hoàn thành xóa hơn 300.000 căn nhà dột, nhà tạm trong năm 2025 như chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ thì cần có cơ chế hay quyết tâm chính trị ở mức độ cao hơn nữa để thực hiện công việc này. Để đạt được kết quả cao nhất, Chính phủ cần giao cho các địa phương, các bộ, ngành, phối hợp với nhau để lên kế hoạch cụ thể, xem mỗi địa phương trên địa bàn mình có bao nhiêu căn nhà dột, nhà tạm cần xóa, từ đó đưa ra phương án tài chính, thời gian, lịch trình cụ thể, người chịu trách nhiệm cụ thể cũng như các cơ chế thực hiện.

Cũng theo ông Phong, việc xóa nhà dột, nhà tạm được coi như “mệnh lệnh từ trái tim”, cần phải làm dứt điểm và làm thật sớm; Mọi công việc cần được phê duyệt bởi các cấp có thẩm quyền, cần được triển khai, kiểm tra và cập nhật con số liên tục, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của năm 2025, gắn liền với việc đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ, công việc của công chức, cán bộ có liên quan.

“Với quyết tâm và lộ trình triển khai một cách cụ thể, tôi tin rằng, chắc chắn sẽ hoàn thành việc xóa nhà dột, nhà tạm trong năm nay. Tuy nhiên, mọi vấn đề cần rõ ràng, rõ người, rõ kết quả, rõ thời gian, rõ các yêu cầu công việc cần phải làm. Cùng với đó, có thể khuyến khích các chủ thể tham gia vào hoạt động xã hội hóa, bên cạnh những hoạt động chính thức của nhà nước thì nên khuyến khích các tổ chức đoàn thể, mạnh thường quân và các đơn vị, cá nhân quan tâm đến việc này; chủ động tìm hiểu để lên kế hoạch cũng như thực hiện các hoạt động phối hợp trong quá trình thực hiện việc xóa nhà tạm, nhà dột nát”, ông Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm.

Chỉ ra những thuận lợi trong việc hoàn thành mục tiêu xóa nhà dột, nhà tạm trong năm 2025, ông Nguyễn Minh Phong cho hay, năm nay điều kiện hoạt động kinh tế của xã hội được cải thiện hơn so với năm 2024; Việc tinh giản bộ máy và bước vào kỷ nguyên vươn mình đã tạo động lực lớn trong xã hội. Các cơ quan chức năng nên dựa vào đó để quy trách nhiệm cũng như phát huy tinh thần chủ động của các đơn vị, cá nhân có liên quan.

Gần đây Chính phủ đã có chỉ đạo ngân hàng chính sách nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát lên 60 triệu đồng/căn nhà xây mới (trước đó là 50 triệu đồng) và 30 triệu đồng/căn nhà sửa chữa (trước đó là 25 triệu đồng). Điều này cho thấy mức độ giải ngân để hỗ trợ đã có sự nới lỏng hơn. Những hoạt động xã hội hóa khác thì nhà nước cần mở rộng, nới lỏng và tạo điều kiện tốt nhất để cung - cầu gặp nhau, từ đó tạo sự kết nối, tránh trung gian, lòng vòng, thất thoát.

TS. Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội chia sẻ, việc Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc phát động phong trào toàn dân chăm lo hỗ trợ để giải quyết vấn đề nhà ở khó khăn, nhà ở dột nát và không có nhà ở cho đồng bào khó khăn về nhà và đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có ý nghĩa rất quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Bởi nếu không có nhà ở, không có điều kiện sống tốt là thể hiện cái nghèo, đói đang hiện hữu với người dân. Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào cả nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người dân.

“Đây là chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước ta và đây cũng là một trong những điều kiện để chúng ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên không để ai bị bỏ lại phía sau và một kỷ nguyên đất nước phát triển bao trùm toàn diện, làm sao để mọi người dân đều có nhà ở. Việc làm này nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tôi cho rằng, chúng ta cần tập trung để giải quyết rất căn cơ trong năm 2025. Nếu làm được điều này thì mọi người dân của đất nước chúng ta đều có cuộc sống ổn định phát triển, đây là động lực để vươn lên xây dựng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng và đời sống ấm no và hạnh phúc”, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.

Để chủ trương này đạt hiệu quả cao và góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, ông Lợi cho rằng, cần tạo ra sự đồng thuận, thống nhất trong cả hệ thống chính trị; phải kêu gọi được tinh thần nhân ái, sẻ chia, tinh thần đồng lòng chung sức. Nếu toàn dân đồng thuận và đồng lòng chung sức thì chủ trương này của Đảng, Nhà nước sẽ đạt được những thành tựu tốt đẹp. Đối với dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam, với truyền thống tương thân, tương ái và tính nhân văn của cả dân tộc thì chắc chắn có thể thực hiện được mục tiêu xóa nhà dột, nhà tạm trong năm 2025.

Từ khóa: nhà tạm, nhà dột, xóa nhà tạm nhà dột, chiến lược phát triển bền vững, mục tiêu xóa 100% nhà dột

Thể loại: Xã hội

Tác giả: chung thủy/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập