Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp Sơn La trên thị trường

Cập nhật: 3 ngày trước

VOV.VN - Việc ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất là giải pháp hữu hiệu, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, mà còn giúp giảm thiểu nhân lực tham gia vào quá trình sản xuất.


Tại hợp tác xã Phương Nam, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La - một trong những đơn vị tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhãn đã sản xuất ra những sản phẩm hiệu quả, năng suất tốt nhất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Kể từ khi thành lập vào tháng 8/2016, trải qua 8 năm hoạt động, từ 80 ha nhãn ban đầu, đến nay hợp tác xã Phương Nam đã phát triển lên hơn 300ha, trở thành vùng trồng nhãn chuyên canh của huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Tăng cường tập huấn, vận động các thành viên ứng dụng kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, chính là giải pháp mà hợp tác xã này chú trọng thực hiện, từ đó nâng tầm giá trị sản phẩm khi xuất bán.

Anh Nguyễn Văn Thủy, thành viên hợp tác xã chia sẻ: "Sau khi các cành tôi tỉa xuống thay vì bốc cào đi dọn gốc cho thoáng. Tôi lại áp dụng phương pháp để nguyên giữ gốc cho có độ ẩm và làm luôn phân mục để tạo cho gốc cây có độ tơi xốp. Để sau này phát triển quả đẹp hơn".

Hiện nay hợp tác xã Phương Nam đang áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, như: tỉa cành, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng”, sử dụng các chế phẩm sinh học, côn trùng thiên địch để bảo vệ cây trồng... Đặc biệt để giảm nhân lực trong sản xuất, hợp tác xã đã sử dụng máy bay không người lái để tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây. Hơn 15 ha nhãn cũng đã được gắn camera giám sát phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc, bảo đảm xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính.

Ông Cù Quốc Minh, thành viên hợp tác xã Phương Nam cho biết: "Như trước đây việc phun thuốc phải tốn nhân công, phun bằng bình thì một ngày chỉ phun được  1 - 1,5ha. Nhưng sử dụng máy bay không người lái này một ngày tôi có thể phun từ 5 - 7ha".

Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật mới đã giúp cho doanh thu hàng năm của hợp tác xã Phương Nam đến nay tăng lên trên 40 tỷ đồng. Đặc biệt tháng 10 vừa qua, đơn vị đã được công nhận là vùng sản xuất nhãn ứng dụng công nghệ cao của huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Ông Trần Như Kiên, Giám đốc hợp tác xã cho biết: "Trước đây gọi là sản xuất nông nghiệp nhưng bây giờ chúng tôi thay đổi không còn sản xuất nông nghiệp nữa mà làm kinh tế nông nghiệp, buộc chúng tôi phải thay đổi từ tư duy để làm sao để làm ra sản phẩm hiệu quả, năng suất tốt nhất". 

Người dân nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà tỉnh Sơn La đang hướng tới nhằm hình thành và phát triển một nền nông nghiệp mang tính cạnh tranh, góp phần xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV đã đề ra.

Từ khóa: sơn la, sơn la, sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp, nông nghiệp sơn la, nông sản sơn la

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: nguyễn thủy/vov-tây bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan