Tăng giá điện: EVN tăng thu 20.000 tỷ đồng nhưng thu vẫn không đủ chi

Cập nhật: 25/09/2019

Tăng giá điện, EVN sẽ được thu được thêm hơn 20.000 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền đó phải chi trả cho phần chi phí đầu vào tăng thêm.

Cuối giờ làm việc chiều 20/3, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo công bố về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán lẻ điện – theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019. Quyết định này có hiệu lực ngay từ hôm 20/3.

Chủ trì buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) thông tin, từ ngày 20/3, giá điện chính thức được điều chỉnh tăng thêm 8,36% so với giá bán hiện hành. Đồng nghĩa, mỗi kWh điện sẽ tăng gần 144 đồng, lên mức bình quân hơn 1.864 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).

Nếu tính đầy đủ các chi phí đầu vào thì lần điều chỉnh này phải ở mức gần 10%, nhưng cân đối các tác động vĩ mô của nền kinh tế nên mức tăng 8,36% là phù hợp.

tang gia dien: evn tang thu 20.000 ty dong nhung thu van khong du chi hinh 1
Buổihọp báo công bố về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán lẻ điện – theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019.

Cụ thể, Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê tính toán, với mức tăng giá điện tăng thêm 8,36% sẽ làm giảm 0,22% GDP, và chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng khoảng 0,29% và nằm trong tầm kiểm soát CPI dưới 4% của Chính phủ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định, chính sách giá điện đối với hộ nghèo và hộ gia đình vẫn tiếp tục được thực hiện theo Quyết định 28 của Chính phủ. Theo đó, các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng dưới 50kWh điện/tháng sẽ được hỗ trợ khoản tiền tương ứng với 30kWh điện.

Về cơ sở để điều chỉnh giá điện tăng thêm 8,36%, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các yếu tố để tính toán giá điện, là giá đầu vào của sản xuất điện, truyền tải và vận hành, phân phối điện.

Trong hệ thống điện hiện nay, hơn 30% là thủy điện, còn lại là nhiệt điện than và nhiệt điện khí; một phần từ năng lượng tái tạo và điện chạy huy động từ nguồn đắt tiền (điện sản xuất từ dầu DO và FO).Trong kế hoạch năm 2019, điện huy động từ nguồn chạy dầu chiếm khoảng 0,6% và dự kiến cả năm huy động khoảng 2,9 tỷ kWh điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, điện sinh khối), chiếm khoảng 1,2% tổng cơ cấu nguồn điện.

Đáng lưu ý, liên quan đến các yếu tố đầu vào, có việc điều chỉnh giá một số loại nguyên liệu cơ bản như giá than và giá khí.

Theo đó, giá than từ đầu năm 2019 sẽ tăng từ 2,61-7,67% tùy theo từng loại. Và giá than năm nay cũng sẽ được Chính phủ cho phép điều chỉnh ở bước 2 (tương ứng than của TKV khoảng 2,7% và than Đông Bắc khoảng hơn 5%). Một số NM điện đang sử dụng than trong nước trộn với than nhập ngoại (có giá thành cao hơn). Năm 2019 cũng chính thức thực thi luật về thuế bảo vệ môi trường đối với than.

Đối với khí, trước nay có 2 loại là trong bao tiêu áp dụng theo giá hợp đồng và ngoài bao tiêu áp dụng theo giá thị trường). Thì kể từ hôm nay, 20/3/2019 toàn bộ khí trong bao tiêu và ngoài bao tiêu đều được thực hiện theo giá thị trường. Dự kiến, điều này cũng sẽ làm tăng thêm khoảng trên 5.800 tỷ đồng tiền khí cho sản xuất điện trong năm nay.

Về khoản chênh lệch tỷ giá, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: vẫn còn treo hơn 3.000 tỷ chênh lệch tỷ giá vẫn còn đang phải treo tiếp.. Mức chênh lệch này sẽ được trừ trong lần điều chỉnh giá tiếp theo, hoặc nếu EVN vận hành có hiệu quả hơn, lợi nhuận tăng thêm thì sẽ có phương án để bù trừ, giảm bớt.

Theo ông Đinh Quang Tri, việc tăng giá điện lần này sẽ giúp EVN tăng thu thêm hơn 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng các khoản chi dự kiến lên tới hơn 21.000 tỷ đồng nên EVN với vai trò làm “trung gian” mua - bán nhưng vẫn chưa đủ.

Ông Đinh Quang Tri cho biết: "Hiện nay tăng giá điện từ 20/3 thì EVN sẽ được thu được thêm hơn 20.000 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền đó phải chi trả cho phần chi phí đầu vào tăng thêm. Đó là than hơn 7.000 tỷ đồng, chênh lệch giá khí trong bao tiêu là gần 6 nghìn tỷ đồng. EVN sẽ chi cho PVGas và PVGas sẽ nộp vào ngân sách nhà nước. Một số khoản chênh lệch tỷ giá của bên ngoài EVN - tổng cộng khoảng 3.825 tỷ đồng thì EVN sẽ báo cáo Bộ Công thương để Bộ Công thương ra quyết định đối với từng nhà máy một xem cụ thể khoản chênh lệch tỷ giá năm 2017 được thanh toán là bao nhiêu, EVN sẽ đưa vào phụ lục hợp đồng mua bán điện và các nhà đầu tư IIP sẽ thanh toán theo phụ lục hợp đồng.
Khoản 3.800 tỷ này chúng tôi phải thanh toán ngay, theo quy trình sẽ phải bổ sung vào hợp đồng mua bán điện và thanh toán sớm cho các nhà đầu tư để họ trang trí trải các khoản chi phí. Đây là khoản mà đáng lẽ họ phải được thu cách đây 2 năm, nhưng thực ra vì mình đã trì hoãn giá điện cho nên năm 2017 chưa thanh toán được cho họ.
Chúng tôi cũng phải ký bổ sung để thanh toán cho các nhà đầu tư về quyền khai thác tài nguyên nước mà Bộ Tài nguyên môi trường thu của các đơn vị. Cái này trong giá điện trước đây là chưa có, bây giờ Chính phủ thu bổ sung thì EVN phải bổ sung vào hợp đồng mua bán điện trình bộ duyệt, chúng tôi phải thanh toán theo đúng quy định. Rồi các khoản chi phí dầu, chênh lệch mua điện tăng thêm… thì chúng tôi cũng phải thanh toán bổ sung. Tổng các khoản thanh toán bổ sung này cỡ khoảng 21.000 tỷ đồng".

Một điểm đang lưu ý nữa, theo thông tin từ phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong cơ cấu giá thành điện, giá/phí truyền tải điện năm nay sẽ bị giảm đi so với các năm trước. Cụ thể, giá truyền tải điện trong giá điện năm 2018 là hơn 110 đồng/kWh, nhưng với phương án giá điện năm nay, giá truyền tải điện chỉ còn 101,3 đồng/kWh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) thừa nhận, trong bối cảnh áp lực về xây dựng và hoàn thiện hệ thống lưới truyền tải điện để đáp ứng huy động các nguồn điện năng lượng tái tạo đang là vấn đề đặt ra.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn: "Về giá truyền tải điện thì hiện nay Bộ Công thương ban hành Thông tư 02/TT-BCT xác định về giá chi phí truyền tải điện hàng năm. Một khoản quan trọng trong này chính là chi phí đầu tư của Tổng công ty truyền tải điện. Chúng tôi khi xem xét giá truyền tải điện này thì có xem xét dựa trên kế hoạch phát triển lưới điện truyền tải với các công trình đã được nằm trong Quy hoạch được cấp có thẩm quyền ban hành để đưa vào là một yếu tố trong tính toán giá truyền tải điện này.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua chúng ta có thể nói là phát triển bùng nổ nguồn năng lượng mặt trời. Và trong thời gian tới với cơ chế chính sách mới của Chính phủ về điện gió thì chúng tôi cũng dự báo là tiếp tục nguồn điện gió cũng sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Chi phí phải xây dựng các đường dây để đấu nối các nhà máy năng lượng mới này sẽ phải được xem xét và tính toán. Khi kiểm tra, tính toán giá truyền tài này, chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ các quy định theo quy định tại Thông tư 02 của Bộ Công Thương ban hành".

Tại buổi họp báo, Bộ Công Thương yêu cầu EVN triển khai thực hiện tổ chức công bố công khai và thực hiện việc điều chỉnh giá điện đến tất cả các hộ sử dụng điện theo quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT. Thực hiện các giải pháp đồng bộ về tổ chức, quản lý, đầu tư hiện đại hóa công nghệ phát triển nguồn và lưới điện, kiểm soát hiệu quả, tiết kiệm chi phí và áp dụng các giải pháp để giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm chi phí thường xuyên.

Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các cơ chế giá điện, cơ chế khuyến khích tài chính phù hợp với các chương trình quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải điện được duyệt, báo cáo Bộ Công Thương xem xét quyết định./.

Nguyên Long/VOV1

Từ khóa: tăng giá điện, giá điện, EVN, giá điện tăng, giá điện mới,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập