Tăng cường kiểm soát lao động bất hợp pháp qua Campuchia tại Tây Bắc
Cập nhật: 23/08/2022
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Rà soát của một số địa phương trong khu vực Tây Bắc cho thấy, con số lao động bất hợp pháp qua Campuchia là không hề nhỏ, cần tăng cường kiểm soát để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Theo thống kê từ cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu, hiện địa phương này đã ghi nhận khoảng 40 trường hợp lao động bất hợp pháp qua Campuchia, chủ yếu là công dân các huyện Tam Đường, Phong Thổ và thành phố Lai Châu. Đến nay đã có 20 lao động trở về, phải đánh đổi bằng tiền chuộc từ 75 – 200 triệu đồng. Có lao động bị đe dọa, bạo hành.
Theo Thượng tá Lý Văn Hà, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Lai Châu, các nạn nhân hầu hết nằm trong độ tuổi từ 14 – 17, là con em các gia đình nông thôn, đồng bào thiểu số khó khăn nên khi nghe những lời chào mời “việc nhẹ, lương cao” thì rất dễ dao động, để hệ lụy là bị lừa vượt biên, bị ép làm công việc không như hứa hẹn, chưa nói nhiều rủi ro về sức khỏe, tính mạng. Tuy nhiên, việc nắm bắt thông tin về nạn nhân gặp không ít khó khăn vì phụ thuộc vào nguồn trình báo và liên quan tới yếu tố nước ngoài.
Thượng tá Lý Văn Hà cho biết: "Khi chưa nắm được thông tin nạn nhân đang ở vùng nào thì không thể nhờ phía Campuchia giúp mình được. Phải có công hàm gửi sang bên đấy để nước bạn phối hợp xác minh đúng là có trường hợp như vậy. Sau đó tham mưu cho Bộ Công an về việc công dân của Lai Châu đang ở vùng này của Campuchia, sau đó mới tiến hành giải cứu được. Chứ Công an tỉnh Lai Châu và phía Campuchia không thể tự tổ chức giải cứu".
Còn theo rà soát của cơ quan chức năng tại Lào Cai, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh này có 320 trường hợp đi lao động qua Campuchia. Đã có 9 công dân bị mất tiền chuộc mới có thể được thả về, 4 công dân đang chờ giải cứu, còn lại đa phần vẫn chưa về nước.
Trong số các trường hợp nói trên, công dân của huyện Bát Xát chiếm tới hơn 1 nửa. Riêng số công dân của xã Quang Kim trực thuộc huyện này rơi vào gần 100 người. Trung tá Sùng A Dính, Trưởng Công an xã cho biết: "Các trường hợp đi làm thuê qua Campuchia thì phải qua xác minh Công an xã mới nắm được, còn thực tế các công dân đi không đi theo đường chính ngạch và không đăng kí nên rất khó khăn cho công tác quản lý của Công an xã".
Theo bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, vì Lào Cai chưa từng có đơn hàng xuất khẩu lao động nào qua Campuchia nên phải khẳng định rằng tất cả các công dân đi đều thông qua con đường không chính thống, bất hợp pháp.
Song song với việc rà soát các trường hợp xuất khẩu lao động “chui”, ngành lao động tỉnh Lào Cai đã cho công khai số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ, tiếp nhận thông tin về tội phạm buôn bán người tại Campuchia. Đồng thời, ra văn bản đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường phối hợp để thực hiện chính sách bảo hộ công dân, giải cứu các nạn nhân về nước an toàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm việc đăng tải thông tin quảng bá, tìm kiếm, lôi kéo, môi giới đưa người xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái phép.
Bà Đinh Thị Hưng cho biết: "Đối với người lao động, chúng tôi cũng khuyến cáo là cần hết sức cảnh giác, không nghe theo chiêu trò dụ dỗ và thông tin trên mạng xã hội hoặc thông qua những người môi giới không hợp pháp. Điều đó tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người lao động và không được pháp luật bảo hộ quyền công dân".
Hiện, hàng tháng tại Lào Cai đều công khai danh mục các đơn hàng tuyển dụng lao động nội tỉnh, ngoại tỉnh, xuất khẩu ra nước ngoài với các thông tin minh bạch về vị trí, yêu cầu việc làm, chế độ đãi ngộ của các doanh nghiệp; ngoài ra còn bao gồm các thông tin về tuyển sinh – hỗ trợ giải quyết việc làm.
Mới đây, Văn phòng thông tin, tư vấn và hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt là MRC) cũng đã được ra mắt tại Lào Cai. Đây là văn phòng thứ 8 trong cả nước được thành lập, nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm hoạt động di cư lao động được thực hiện hợp pháp, an toàn và hiệu quả.
Qua tìm hiểu tại một số tỉnh khác trong khu vực Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên đến nay chưa ghi nhận có lao động bất hợp pháp qua Campuchia. Tuy nhiên, không vì thế mà có thể chủ quan vì việc giải quyết việc làm tại chỗ cho công dân các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Riêng ở Sơn La, sau làn sóng lao động hồi hương đợt cao điểm Covid-19, đến nay đã có gần 90.000 lao động quay trở lại làm việc tại các khu công nghiệp trong nước; chưa kể còn nhiều lao động tự do khác đi làm ăn xa, đây là những trường hợp khó xác định thông tin nên rủi ro luôn tiềm ẩn.
Ông Nguyễn Mạnh Du, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La cho hay: "Sở cũng khuyến cáo người lao động không tham gia làm việc khi các cá nhân rủ rê, lôi kéo, bởi vì đây là hoạt động bất hợp pháp, khi xảy ra tranh chấp thì người lao động sẽ rất thiệt thòi. Trong thời gian vừa qua, Sở cũng đã có chỉ đạo, tuyên truyền người lao động không tham gia các hoạt động theo đường tiểu ngạch như vậy".
Thực tế cho thấy, các lao động trẻ tuổi bị lừa qua Campuchia chủ yếu chịu tác động từ các thông tin trên internet và mạng xã hội, nên việc tuyên truyền, cảnh báo, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cũng cần đa dạng kênh thông tin, với nội dung phong phú, hấp dẫn hơn để người lao động dễ tiếp cận.
Không ít những nạn nhân bị lừa đảo, tống tiền, bạo hành như vậy cũng đòi hỏi cơ quan chức năng phải quyết liệt điều tra, từ đó có căn cứ truy cứu, răn đe, xử lý nghiêm các đối tượng liên quan, loại trừ mọi hành vi nguy hiểm cho xã hội./.
Từ khóa: buôn bán người, bán người sang Campuchia, lao động bất hợp pháp, Bộ Công an
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN