Tăng cường chuỗi giá trị trong liên kết nông dân với doanh nghiệp
Cập nhật: 11/01/2021
VOV.VN - Cần thực hiện có hiệu quả mối quan hệ liên kết “6 nhà” mà doanh nghiệp là "bà đỡ" và người nông dân vừa là nhà sản xuất vừa là nhà kinh doanh nông nghiệp.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 diễn ra sáng nay (11/1) ở Hà Nội, Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng đề nghị, các cấp hội nông dân và hội viên nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp để nâng cao thu nhập cũng như năng suất, chất lượng nông sản Việt Nam.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức nhất là đại dịch Covid-19, thiên tai ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống nông dân, nhưng năm 2020 các cấp hội nông dân vẫn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân, các chỉ tiêu đều đặt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Các phong trào thi đua, nhiệm vụ của Hội được triển khai sâu rộng; phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục được đẩy mạnh, đã xuất hiện thêm những gương nông dân giỏi, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các cấp hội cũng tích cực tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn đào tạo nghề, hỗ trợ cho nông dân, tăng cường phối hợp với doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, máy nông nghiệp cho nông dân theo hình thức trả chậm không tính lãi, góp phần hỗ trợ hội viên, nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của hội viên, nông dân.
Hướng đến mục tiêu công tác Hội, trong năm 2020 đã kết nạp mới được 240.000 hội viên; 3,425 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu “sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp; tăng trưởng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đạt 318 tỷ đồng; hơn 9,4 triệu hộ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm…
Các đại biểu đề nghị đẩy mạnh vận động nông dân thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua, sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp và xây dựng, phát triển các mô hình Chi, Tổ hội nông dân nghề nghiệp; cần xây dựng năng lực, niềm tin tự lực, tự cường trong nông dân.
“Phải có tư duy đảm bảo đời sống của nông dân đang sống ở nông thôn, khi diện tích đất nông nghiệp thu hẹp trong khi chất lượng nông sản đòi hỏi ngày càng cao. Cần phải hỗ trợ đầu tư nâng cao áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để năng suất tăng lên và hỗ trợ việc tiêu thụ đầu ra sản phẩm cho nông dân. Trên cơ sở này, Hải Phòng đã xây dựng Đề án kết nối nông sản an toàn theo chuỗi giá trị”, ông Đỗ Đức Hòa, Chủ tịch Hội nông dân TP Hải Phòng chia sẻ.
Theo Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, các chính sách về đất đai và vai trò của kinh tế nông hộ đã đem lại nhiều thành công trong những năm qua, nhưng đến nay “động lực” đó đang dần mất đi khi nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ đứng trước các thách thức và cạnh tranh khốc liệt, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.
Cụ thể, hiện mới chỉ có gần 10% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản; quy mô đầu tư nhỏ lẻ, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 90% khó có khả năng chi phối chuỗi giá trị ngành hàng nông sản. Bên cạnh đó, hầu hết hộ gia đình nông dân còn thu nhập thấp; lúng túng trong chuyển đổi và thích ứng với thị trường cạnh tranh; nguồn lực hạn chế, sản xuất nông lâm thuỷ sản bấp bênh, năng suất, chất lượng giá trị còn thấp.
Chủ tịch Thào Xuân Sùng nêu rõ, Hội Nông dân Việt Nam phải thực hiện quyết liệt vai trò là trung tâm và nòng cốt nhằm tạo ra sự chuyển đổi lớn trong hội viên nông dân, trong đó quan trọng nhất là thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, mỗi cán bộ hội viên nông dân cần nhìn nhận ngành nông nghiệp không chỉ đơn thuần là ngành sản xuất vật chất mà là ngành kinh doanh nông nghiệp và coi nhu cầu thị trường là mệnh lệnh cho sản xuất nông lâm thuỷ sản. Từ đó, các cấp hội cùng nông dân phải thoát khỏi tư duy theo địa giới hành chính cấp xã, huyện, tỉnh và xây dựng chiến lược quốc gia, vùng miền, chế biến để nâng cao giá trị hàng hoá.
Đồng thời đổi mới tư duy, chuyển từ sản xuất sang kinh doanh nông lâm thuỷ sản để thực hiện có hiệu quả mối quan hệ liên kết “6 nhà” mà doanh nghiệp là "bà đỡ" và người nông dân vừa là nhà sản xuất vừa là nhà kinh doanh nông nghiệp.
“Muốn nâng cao năng suất thì trước hết nguồn lực, trí tuệ phải cao. Trung ương hội đã và đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ NN&PTNT; LĐ,TB&XH; GD&ĐT cùng các bộ liên qua đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho hội viên nông dân về kỹ thuật, kỹ năng sản xuất nông lâm thủy sản theo chuỗi giá trị, ở đây là kiến thức và kỹ năng về năng lực kết nối với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản”, ông Sùng nêu rõ./.
Từ khóa: hội nông dân.liên kết nông dân, nhà nông và doanh nghiệp, thay đổi tư duy
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN