Tăng cảnh báo sớm, kiện phòng vệ thương mại giảm rõ rệt

Cập nhật: 25/09/2021

VOV.VN - Thông qua công tác cảnh báo sớm, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã không bị động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Thời gian qua, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, nhất là khi kim ngạch thương mại của Việt Nam tăng trưởng nhanh, tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu.

Theo Ban chỉ đạo 35 (Bộ Công Thương), tính đến hết tháng 7/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Trong đó, đáng chú ý, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay lên tới 160, chiếm tỷ lệ 77%. Tuy có phần lắng xuống trong năm 2021, song diễn biến các vụ kiện PVTM trong những năm tiếp theo được nhận định khó lường, đặc biệt khi kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, thời gian qua, thép là một trong những ngành hàng thường xuyên đối diện với các vụ việc điều tra PVTM. Trước đây thép Việt Nam thường đối mặt với các vụ việc PVTM từ thị trường như Mỹ, Australia, Canada…, nhưng gần đây, ngay cả những thị trường truyền thống của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… cũng gặp rất nhiều vụ khởi kiện. “Đó là biểu hiện tiếp tục gia tăng phòng vệ thương mại ở các quốc gia, các thị trường xuất khẩu”, ông Nguyên đánh giá.

Nhằm hạn chế xuống mức thấp nhất các vụ việc PVTM, những năm gần đây Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ kịp thời các DN Việt Nam khi các nước tăng cường sử dụng các biện pháp PVTM để bảo hộ sản xuất trong nước. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là việc xây dựng, vận hành hệ thống cảnh báo sớm về PVTM.

Cụ thể như Bộ Công Thương đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và đưa ra danh sách cảnh báo gồm 10 mặt hàng trong số các mặt hàng đang theo dõi để các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, DN triển khai các hoạt động cụ thể. Tuy các hoạt động cảnh báo sớm để hỗ trợ DN mới được triển khai nhưng đã thu được một số kết quả tích cực ban đầu.

Điển hình như, trong vụ việc Mỹ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe, phần lớn các DN Việt Nam (chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Mỹ) không bị áp thuế chống bán phá giá. Trong vụ việc Mỹ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng, thuế chống bán phá giá đối với DN Việt Nam là 8,35%, thấp hơn nhiều so với mức do ngành sản xuất trong nước của Mỹ cáo buộc (110%).

Hay như trong vụ việc Đài Loan (Trung Quốc) điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gạch men, dự kiến đa số các DN xuất khẩu lớn của Việt Nam (chiếm 71,8% tổng kim ngạch xuất khẩu gạch men của Việt Nam sang Đài Loan) không bị áp thuế hoặc bị áp thuế ở mức độ thấp.

Xu hướng khó đoán định

Xung quanh câu chuyện kiện PVTM đặt trong bối cảnh dịch Covid-19, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phân tích, thời gian qua cũng như thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 tác động tới nền kinh tế thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng theo những hướng rất khó lường.

Như thời điểm năm 2020 là giai đoạn đầu của dịch bệnh, các DN đều có cảm giác hoang mang, lo lắng, tìm cách bán được càng nhiều hàng hoá càng tốt, hạn chế hàng tồn kho dẫn đến giá hàng hoá trên toàn thế giới “lao dốc”, năng lực cạnh tranh của các DN bị thu hẹp. 2020 là năm ghi nhận nhiều biện pháp PVTM nhất được áp dụng khi lần đầu tiên, hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đối diện với số lượng kiện PVTM kỷ lục là 40 vụ. Con số này gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với nhiều năm trước đó.

Tuy nhiên, đến năm 2021 lại chứng kiến điều ngược lại. Do sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá sản xuất toàn cầu, giá của nhiều mặt hàng cơ bản như sắt thép, phân bón, nhựa, cao su… tăng cao. Điều này dẫn đến tình trạng, các nền kinh tế trên thế giới hầu như không điều tra áp dụng biện pháp PVTM. Đến thời điểm này, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam mới bị các nước điều tra, áp dụng PVTM khoảng 10 vụ.

“Diễn biến này trong ngắn hạn không bền vững nên rất khó dự đoán được xu hướng của năm 2022 sẽ như thế nào. Chúng tôi luôn phải theo sát tình hình diễn biến giá cả, cung ứng sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của những mặt hàng trong các ngành công nghiệp nền tảng của Việt Nam để có định hướng dự đoán về xu hướng PVTM trong thời gian tới”, bà Giang nói.

Từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7/2019 tới nay, đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra PVTM, cụ thể là gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men. Thông qua công tác cảnh báo sớm, các Bộ, ngành, địa phương và DN đã không bị động trong công tác ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện, xây dựng và vận hành hiệu quả hơn nữa Hệ thống cảnh báo sớm theo lộ trình tại Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/3/2020.

Mục đích của quá trình này chủ yếu nhằm theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về PVTM và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc PVTM trong và ngoài nước, đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện PVTM của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững./.

Từ khóa: phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm, phòng ngừa ứng phó, bảo vệ sản xuất trong nước, xuất khẩu bền vững

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập