Tân Thủ tướng Nhật Bản với “Mũi tên thứ 3” của Abenomic?

Cập nhật: 28/09/2020

VOV.VN - Ông Yoshihide Suga cam kết tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm, nhất là hoàn thành mục tiêu thứ 3, trong Học thuyết kinh tế Abenomic.

Với số phiếu áp đảo (314/462) tại Hạ viện Nhật Bản, ông Yoshihide Suga trở thành tân Thủ tướng. Tuyên bố trong phiên họp nội các đầu tiên, ông Suga cho biết, ưu tiên hàng đầu của ông là ứng phó với đại dịch Covid-19 và hồi phục kinh tế Nhật Bản. Ông cam kết tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm, nhất là hoàn thành mục tiêu thứ 3, trong Học thuyết kinh tế Abenomic.

Từ mục tiêu của mũi tên thứ 3...

Theo CNBC, ông Suga từng khẳng định sẽ “duy trì và thúc đẩy” các chính sách Abenomics liên quan đến việc nới lỏng trên diện rộng các chính sách về tiền tệ, chi tiêu tài khóa cùng những cải cách cơ cấu khác.

Được biết, trong giai đoạn suy thoái trầm trọng từ những năm 1991-2001 và nạn giảm phát của thập niên sau đó, Nhật Bản được biết đến với tên gọi “thập kỷ mất mát”. Khiến sự ra đời của Học thuyết kinh tế có tầm chiến lược Abenomics (2012) đã giúp nền kinh tế số 3 thế giới tăng trưởng nhanh chóng trở lại.

Mặc dù vẫn chưa thể bắt kịp tốc độ tăng trưởng trước năm 1991 và quy mô nền kinh tế vẫn chưa đạt mục tiêu GDP 6.000 tỷ Yen (5.000 tỷ USD) mà Chính phủ đề ra, nhưng giới phân tích cho rằng cựu Thủ tướng Abe đã giúp kinh tế Nhật Bản có vị thế vững vàng hơn ở thời điểm hiện nay.

Với “Mũi tên thứ 3” (cải cách cơ cấu) nhằm chuyển đổi sâu sắc hệ thống kinh tế và khơi dậy “tiềm năng tăng trưởng”, hướng tới việc giảm thuế cho doanh nghiệp, tự do hóa thị trường điện, hiện đại hóa nông nghiệp, gia tăng việc làm, nhất là lao động nữ là nội dung cốt lõi của Học thuyết Abenomic.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6.000 tỷ Yen, chính quyền tiền nhiệm đã gia tăng các biện pháp hỗ trợ nuôi và sinh con; khắc phục già hoá và dân số giảm; cải thiện an sinh xã hội; và robot hóa nền kinh tế... Tuy nhiên, sự thành công hạn chế của Mũi tên thứ 3 là một trong những gánh nặng mà tân Thủ tướng Suga buộc phải đặc biệt quan tâm.

Đến những vấn đề đặt ra cho tân Thủ tướng...

Theo Josh Lipsky, Giám đốc chương trình kinh doanh và kinh tế toàn cầu của nhóm chuyên gia Atlantic Council, thì Abenomics đã tạo ra sự tăng trưởng và tránh đẩy kinh tế Nhật Bản vào viễn cảnh xấu nhất.

Sự thành công đáng ghi nhận của Abenomics là sự nới lỏng định lượng tiền tệ trên quy mô lớn của Ngân hàng Trung ương (BOJ). Với các biện pháp cụ thể như: mua tài sản và kiểm soát đường cong lợi suất đã trở thành hình mẫu để các ngân hàng khác làm theo. Việc tăng giá cổ phiếu, giảm giá đồng yen đã giúp lợi nhuận của các công ty phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản được mở rộng hơn.

Theo Shigeto Nagai, lãnh đạo bộ phận kinh tế Nhật Bản tại Oxford Economics, thì Abenomics còn phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ các công ty lớn bằng cách thúc đẩy thị trường chứng khoán và tạo cảm giác yên tâm rằng đồng yen sẽ không thể tăng giá mạnh thêm được nữa, khiến cho việc đầu tư ra nước ngoài cũng được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Nagai những lợi ích nêu trên vẫn chưa đủ để tăng lương cho người lao động và kích cầu tiêu dùng của người dân. Khiến mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2% của BOJ vẫn khó đạt được, thêm vào đó là cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 càng khiến cho tình trạng lạm phát của Nhật Bản trở nên tồi tệ.

Vì thế, phát biểu tại cuộc họp báo chính thức đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, ông Suga cam kết tiếp tục các chính sách kinh tế Abenomics của người tiền nhiệm Abe và ông sẽ tập trung vực dậy các vùng kinh tế. Tuy nhiên, theo giới quan sát các giải pháp cho quyết tâm nêu trên vẫn chưa tiết lộ đầy đủ.

Bước đầu ông Suga cam kết, củng cố hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia với mục tiêu giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn chi trả các chi phí chữa bệnh, nỗ lực hơn nữa để giảm thiểu lượng khí thải CO2 và chấm dứt chủ nghĩa cục bộ trong bộ máy hành chính.

Về chính sách an ninh và kinh tế đối ngoại, tân Thủ tướng Suga khẳng định quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ sẽ là nền tảng trong chính sách của ông, đồng thời ông cũng bày tỏ quyết tâm giải quyết vấn đề Triều Tiên xung quanh vướng mắc từ những năm 1970-1980 của Thế kỷ trước.

Báo Asahi ngày 23/9 dẫn một số nguồn tin tự Chính phủ mới cho biết Tokyo sẽ cho phép nối lại việc tiếp nhận người nước ngoài nhập cảnh vào nước này kể từ đầu tháng 10 tới, sau một thời gian dài bị hạn chế do ảnh hưởng của đại covid-19.

Và thách thức vẫn còn lớn

Theo giới quan sát, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga sẽ phải giải quyết những thách thức về cấu trúc kinh tế mà phần nhiều trong “Mũi tên thứ 3” do Chính quyền tiền nhiệm Abe chưa xử lý được.

Theo Learmouth nhận xét, ông Abe đã rất thành công trong việc thúc đẩy cải cách quản trị doanh nghiệp, tăng tỷ lệ phụ nữ, người cao tuổi và người nước ngoài trong lực lượng lao động, nhưng những cải cách cơ cấu có tiềm năng nhất để nâng cao năng suất lao động vẫn chưa được thực hiện.

Nhà nghiên cứu của Capital Economics chỉ ra rằng: “bộ máy quan liêu” của Chính phủ Nhật Bản là nơi có khả năng xảy ra “những thay đổi rộng rãi nhất trong thời gian tới”, vì chính họ đã gây thất vọng đối với người dân và doanh nghiệp khi phải chờ một thời gian quá dài mới nhận được sự hỗ trợ trong thời kỳ Covid-19.

Vì thế, ông Suga - người kế nhiệm Thủ tướng Abe sẽ gặp nhiều áp lực trong việc cải tổ các hệ thống quản lý phức tạp và năng suất kém trong bộ máy lãnh đạo của Nhật Bản. Tuy nhiên, chỉ những cải tổ mạnh mẽ như vậy mới có khả năng thúc đẩy xu thế tăng trưởng của nước này theo hướng đi lên sau khi kết thúc đại dịch Covid-19.

Một trong những khó khăn khác mà ông Suga phải đối mặt đó là, quan hệ Nhật-Trung đang gia tăng căng thẳng trên biển Hoa Đông và khu vực; Olympics Tokyo mùa hè bị chuyển sang năm 2021. Cùng với đó, ông cũng cần phải tìm cách thiết lập quan hệ tốt đẹp với người đắc cử Tổng thống Mỹ sau ngày 3/11 tới.

Mặt khác, với tư cách người kế tục các chính sách của cựu Thủ tướng Abe, ông Suga sẽ phải tiếp tục mở rộng khả năng phòng thủ quốc gia để Nhật Bản có thể đối phó với các mối đe dọa trong khu vực và trên thế giới mà không đi ngược với định hướng của người tiền nhiệm.

Như vậy, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga đã có những bước đi đầu tiên theo hướng quyết tâm hoàn thành các nội dung còn lại của “Mũi tên thứ 3” (cải cách cơ cấu kinh tế) trong Học thuyết kinh tế Abenomic, khiến giới nghiên cứu và dư luận kỳ vọng vào sự thành công của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới thời hậu covid-19./.

Từ khóa:

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập